Những điểm mới trong hai luật liên quan đến đầu tư vừa được Quốc hội thông qua

Chiều 29/11, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu. Hai luật này được kỳ vọng sẽ giải quyết ngay các vướng mắc thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

Luật Đầu tư công (sửa đổi) gồm 7 Chương 103 Điều, quy định việc quản lý nhà nước về đầu tư công; quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công. Luật này áp dụng đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đầu tư công, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công. Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Với tinh thần đổi mới, nhằm tăng cường tính linh hoạt trong công tác điều hành, tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã giao Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương trong các trường hợp: Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giữa các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong trường hợp không vượt tổng mức vốn trung hạn đã được Quốc hội quyết định, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất; Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương trong nội bộ và giữa các ngành, lĩnh vực, chương trình của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong tổng mức vốn trung hạn của từng Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã được Quốc hội quyết định.

Một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật Đầu tư công (sửa đổi) là thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C.

Việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân các cấp quyết định chủ trương đầu tư nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý, là thay đổi lớn từ thẩm quyền của HĐND các cấp sang UBND các cấp.

Để bảo đảm tính chặt chẽ, Luật đã bổ sung thẩm quyền “quyết định chủ trương đầu tư dự án” đi đôi với trách nhiệm “báo cáo HĐND cùng cấp tại kỳ họp gần nhất”.

Chú thích ảnh
Luật Đầu tư công (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu được Quốc hội thông qua với số phiếu cao.

Tách công tác đền bù, tái định cư thành dự án độc lập

Một số cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng cũng được quy định trong Luật Đầu tư công (sửa đổi) như: Tách công tác đền bù, tái định cư thành dự án độc lập; Giao 1 UBND cấp tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án đi qua địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên; Cho phép HĐND cấp tỉnh bố trí vốn ngân sách địa phương để uỷ thác thực hiện các chính sách tín dụng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội…

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đánh giá, việc tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập nhằm khắc phục bất cập thời gian qua khi dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư. Bên cạnh đó, việc giao 1 UBND cấp tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính trở lên là cần thiết, nhằm phân cấp, phân quyền cho địa phương thực hiện dự án nhanh, gọn, bình đẳng trong công tác giải phóng mặt bằng. Đặc biệt là về giá giữa các địa phương, địa bàn giáp ranh với nhau.

Cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời hạn 15 ngày

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (Luật sửa 4 luật) vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025 được kỳ vọng sẽ kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cấp thiết về thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đấu thầu.

Đối với vấn đề thủ tục đầu tư đặc biệt, theo quy định của Luật, trừ các dự án đầu tư quy định tại Điều 30 của Luật này, nhà đầu tư được quyền lựa chọn đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều này đối với các dự án tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu thương mại tự do và khu chức năng trong khu kinh tế trong các lĩnh vực sau đây: Đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, vật liệu bán dẫn; Đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, sản xuất sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Hồ sơ đăng ký đầu tư gồm tài liệu quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, g và h khoản 1 Điều 33 của Luật này, trong đó văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư bao gồm cam kết việc đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định của pháp luật về xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy; đề xuất dự án đầu tư bao gồm nhận dạng, dự báo tác động đến môi trường và biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường thay thế cho đánh giá sơ bộ tác động môi trường.

Hồ sơ đăng ký được gửi cho Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế đánh giá hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Chú thích ảnh
Kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng. Ảnh minh họa.

Thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư thuộc Chính phủ

Luật sửa 4 luật quy định, Chính phủ thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và nguồn hợp pháp khác để ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích, thu hút nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư. Chính phủ quy định chi tiết mô hình hoạt động, địa vị pháp lý, nguồn ngân sách cấp hằng năm và bổ sung cho Quỹ, hình thức hỗ trợ, cơ chế bồi hoàn hỗ trợ và các chính sách đặc thù khác của Quỹ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi ban hành.

Dự án PPP được phân loại theo thẩm quyền

Luật sửa 4 luật quy định, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được thực hiện trong các ngành, lĩnh vực đầu tư công nhằm mục đích đầu tư, xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, trừ dự án thuộc trường hợp sau đây: Dự án thuộc trường hợp độc quyền nhà nước theo quy định của pháp luật; Dự án thuộc ngành, lĩnh vực quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Dự án PPP được phân loại theo thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư bao gồm: Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội; Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ; Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác quy định tại khoản 1 Điều 5 của Luật này; Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Dự án không thuộc trường hợp phải quyết định chủ trương đầu tư, gồm các dự án quy định tại các khoản 2a, 2b và 2c Điều 11 của Luật này.

Lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt

Luật sửa 4 luật quy định, việc lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt được áp dụng đối với dự án đầu tư kinh doanh có một hoặc một số yêu cầu, điều kiện đặc thù về thủ tục đầu tư; thủ tục giao đất, cho thuê đất, giao khu vực biển; thủ tục, phương pháp, tiêu chuẩn lựa chọn nhà đầu tư và nội dung hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh hoặc yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, biên giới lãnh thổ, lợi ích quốc gia, thực hiện nhiệm vụ chính trị của quốc gia mà không thể áp dụng được một trong các hình thức lựa chọn nhà đầu tư quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 34 của Luật này.

Thế Đoàn/Báo Tin tức
Vi phạm trật tự đô thị quanh trụ sở cơ quan công quyền quận Cầu Giấy, Hà Nội
Vi phạm trật tự đô thị quanh trụ sở cơ quan công quyền quận Cầu Giấy, Hà Nội

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, gây mất an toàn giao thông, mất mỹ quan đô thị diễn ra ngay trước trụ sở cơ quan công quyền quận Cầu Giấy (TP Hà Nội).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN