Những bổ sung, phát triển chủ yếu về Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. (Phần I)

Triển khai Chỉ thị số 01-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, báo Tin Tức xin trích đăng bài viết “Những bổ sung, phát triển chủ yếu về Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” của PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương.

Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Sau đây gọi tắt là Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011). Chúng tôi xin giới thiệu những bổ sung, phát triển chủ yếu.

Về quá trình cách mạng Việt Nam và bối cảnh quốc tế mới

Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã viết khái quát những thắng lợi vĩ đại đã đạt được trong hơn 80 năm qua: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do; Thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế; Thắng lợi của công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, tiếp tục đưa đất nước từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội với những nhận thức và tư duy mới đúng đắn, phù hợp thực tiễn Việt Nam (có bổ sung, phát triển so với Cương lĩnh năm 1991).

Về những bài học kinh nghiệm đã Bổ sung vào nội dung bài học thứ hai, nói rõ: “Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân, sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng”. Thực tế tình trạng tham nhũng của một bộ phận cán bộ, đảng viên đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến vận mệnh của đất nước, đến sự sống còn của chế độ xã hội chủ nghĩa, đến uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng; Khẳng định: “Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của Việt Nam” chứ không chỉ là “nhân tố hàng đầu bảo đảm” như Cương lĩnh năm 1991 viết; Khắc phục cách diễn đạt trùng lắp ở các bài học thứ nhất, thứ ba, thứ tư. Chẳng hạn, bỏ ý nghĩa của từng bài học. Vì cả 5 bài học đều là 5 bài học kinh nghiệm lớn xuyên suốt hơn 80 năm qua.

Về bối cảnh quốc tế được bổ sung, phát triển nhiều vấn đề so với Cương lĩnh năm 1991, bởi bối cảnh hiện nay và dự báo trong vài thập kỷ tới khác rất nhiều so với thời điểm Đảng ta ban hành Cương lĩnh năm 1991. Các đại hội Đảng gần đây, nhất là Đại hội X đã dự báo sâu sắc về bối cảnh thế giới và thực tế đã khẳng định tính đúng đắn các dự báo đó. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) viết gọn hơn theo hướng không đi sâu vào những vấn đề thế giới không liên quan trực tiếp đến nước ta hiện nay, nhất là những vấn đề còn có ý khác nhau, như về nguyên nhân sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu. Với tinh thần đó, Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã bổ sung, phát triển nhiều, nhất là trên 3 vấn đề sau:

Một là, về đặc điểm, xu thế chung.

- Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, kinh tế tri thức và quá trình toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, tác động sâu sắc đến sự phát triển của nhiều nước.

- Hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển là xu thế lớn; nhưng đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp, chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung đột sắc tộc, tôn giáo, chạy đua vũ trang, hoạt động can thiệp, lật đổ, khủng bố, tranh chấp lãnh thổ biển đảo, tài nguyên và cạnh tranh quyết liệt về lợi ích kinh tế tiếp tục diễn ra phức tạp.

Hai là, nhận định về những vấn đề toàn cầu cấp bách liên quan đến vận mệnh loài người.

Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã bổ sung hai vấn đề toàn cầu cấp bách có liên quan đến vận mệnh loài người: Chống khủng bố; ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Ba là, nhận định về đặc điểm nổi bật trong giai đoạn hiện nay của thời đại.

Thực tế hai thập kỷ qua cho thấy các nước đều tham gia vào quá trình toàn cầu hóa, cùng tồn tại, vừa hợp tác, vừa đấu tranh cạnh tranh gay gắt với nhau vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Vì thế, Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) viết: “Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn hiện nay của thời đại là các nước với chế độ xã hội và trình độ phát triển khác nhau cùng tồn tại, vừa hợp tác vừa đấu tranh, cạnh tranh gay gắt vì lợi ích quốc gia, dân tộc”.

Về mô hình, mục tiêu, phương hướng cơ bản

Về mô hình:

Bổ sung thêm 2 đặc trưng: Đặc trưng bao trùm, tổng quát: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và đặc trưng “có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo”. Hai đặc trưng này Đại hội X đã bổ sung. Điểm mới so với Đại hội X là chuyển từ “dân chủ” lên trước từ “công bằng” trong đặc trưng bao trùm, tổng quát. Bởi vì, cả lý luận và thực tiễn đều chỉ rõ dân chủ là điều kiện, tiền đề của công bằng, văn minh; đồng thời, để nhấn mạnh bản chất của xã hội ta là xã hội dân chủ theo đúng tư tưởng Hồ Chí Minh.
Bổ sung, phát triển một số đặc trưng cho chính xác với mục tiêu đã xây dựng xong chủ nghĩa xã hội.

- Kế thừa sự bổ sung, phát triển của Đại hội X về đặc trưng “do nhân dân làm chủ”.

- Đặc trưng về kinh tế: Kế thừa Đại hội X, Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: “Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp” (so với Đại hội X có bổ sung thêm từ “tiến bộ”).

- Đặc trưng về con người. Cương lĩnh năm 1991 xác định: Con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: “Con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”.

- Đặc trưng về dân tộc. Cương lĩnh 1991 xác định: Các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định: “Các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển”.

- Đặc trưng về hợp tác quốc tế. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: “Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”.
Trong các đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng, có một đặc trưng trong quá trình thảo luận có những ý kiến khác nhau. Cương lĩnh năm 1991 xác định “có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu”. Qua tổng kết một số vấn đề lý luận – thực tiễn sau 20 năm đổi mới, trong đó có 15 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, Đại hội X xác định “Có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất”. Kế thừa Đại hội X, Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định “có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp” (so với Đại hội X bổ sung thêm từ “tiến bộ”, Đại hội đã biểu quyết với 65,04% đồng ý với đặc trưng này).

Về mục tiêu:

Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) cơ bản giữ mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta đã được xác định trong Cương lĩnh 1991 và xác định mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI: Toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Về các phương hướng cơ bản:

Cương lĩnh năm 1991 xác định bảy phương hướng cơ bản. Cách viết như Cương lĩnh năm 1991 đề cập đến cả định hướng phát triển, nên có nhiều nội dung trùng với nội dung đề cập ở mục III và IV. Đại hội X, qua tổng kết 20 năm đổi mới đã viết gọn lại. Kế thừa cách viết như Đại hội X, Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định: Để thực hiện thành công các mục tiêu trên (mục tiêu tổng quát, mục tiêu của chặng đường tới), toàn Đảng, toàn dân ta cần nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, ý chí tự lực tự cường, phát huy mọi tiềm năng và trí tuệ, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, quán triệt và thực hiện tốt các phương hướng cơ bản sau đây:

Một là, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường (so với Đại hội X thêm cụm từ “gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường”).

Hai là, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ba là, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội (so với Đại hội X bổ sung thêm cụm từ “xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội”).

Bốn là, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội (so với Đại hội X bổ sung thêm cụm từ “trật tự, an toàn xã hội”).
 
Năm là, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế (Đại hội X mới xác định “chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế”).

Sáu là, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường và mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất (so với Đại hội X thêm cụm từ “tăng cường và mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất”).

Bảy là, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Tám là, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã bổ sung nội dung về việc nắm vững và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn: Quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ…


Kỳ sau: Những định hướng lớn về phát triển kinh tế

Những bổ sung, phát triển chủ yếu về Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. (Phần II)

So với Cương lĩnh năm 1991, Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) có rất nhiều bổ sung, phát triển và đã chỉ rõ những định hướng sau:

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN