Đoàn đại biểu Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Cuba do đồng chí Jose Ramon Balaguer, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban làm Trưởng đoàn dự thính phiên họp.
Băn khoăn về quy định không tố giác tội phạm
Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Trương Trọng Nghĩa phát biểu ý kiến. Ảnh: An Đăng/TTXVN |
Điều khiến các đại biểu băn khoăn là quy định tại Điều 19 về không tố giác tội phạm. Khoản 3 Điều 19 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật hình sự.
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh), luật đánh đồng người bào chữa là luật sư và người bào chữa không là luật sư. Người bào chữa là luật sư chịu chi phối của nhiều yếu tố. Tham gia bào chữa, luật sư chịu trách nhiệm ràng buộc nặng nề. Luật sư tố giác thân chủ có thể vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội, có thể vi phạm quyền con người của bị can, bị cáo; trái với lương tâm và đạo đức nghề nghiệp, phản bội lại niềm tin của bị can, bị cáo; trái với thiên chức của luật sư là gỡ tội.
Quy định này có thể ảnh hưởng tới môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam trong quá trình hội nhập. Quy định này có thể khiến nhiều người hoang mang không muốn hành nghề luật sư.
Cũng theo đại biểu, quy định như vậy mâu thuẫn với Điều 73 của Bộ luật tố tụng hình sự về việc người bào chữa không được tiết lộ thông tin về người bị buộc tội mà mình biết được trong khi thực hiện bào chữa.
Tranh luận về nội dung này, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) đề nghị làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn mà Ban soạn thảo đưa ra quy định luật sư phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp biết các thân chủ đã thực hiện các tội, có tham khảo kinh nghiệm quốc tế hay không. Nêu quan điểm cá nhân, đại biểu cho rằng luật sư không tố giác những tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
Các ý kiến cũng cho rằng Bộ luật Hình sự quy định có tới 84 tội liên quan đến tội xâm phạm an ninh quốc gia và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, điều này rất dễ dẫn đến tai nạn nghề nghiệp cho luật sư.
Theo đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, các tội này quá rộng, luật sư không thể biết hết được, quy định như vậy không chỉ ảnh hưởng đến luật sư tham gia bào chữa mà ảnh hưởng tới cả đội ngũ luật sư và nghề luật sư. Từ đó, đại biểu đề nghị khoanh lại những tội mà luật sư cần phải tố giác. Đại biểu đồng ý các tội xâm phạm an ninh quốc gia (từ Điều 108 đến Điều 121) có thể luật sư vẫn phải tố giác tội phạm trong trường hợp khi các tội phạm này chưa thực hiện hoặc có kế hoạch thực hiện.
Khi họ đã thực hiện, theo đại biểu, cơ quan soạn thảo và Quốc hội cần cân nhắc việc này. Với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (70 tội), đại biểu đề nghị khoanh lại chỉ còn 13 tội. Như vậy, trong 84 tội sẽ khoanh lại còn tổng cộng 27 tội để phù hợp với thực tiễn hoạt động hành nghề luật sư, tạo cơ hội cho nghề luật sư phát triển.
“Cái quan trọng nhất không phải vì quyền của luật sư mà ở đây chúng ta cần tính tới việc luật sư tham gia các vụ án hình sự sẽ góp phần vào việc bảo vệ công lý, tạo lập niềm tin của thân chủ cũng như của cộng đồng xã hội vào nghề luật sư”, đại biểu Thịnh nói.
Đồng tình với đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh về hạn chế lại các tội danh, trừ trường hợp không tố giác tội xâm phạm an ninh quốc gia và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng nếu người bào chữa biết rõ và có đủ chứng cứ mà nếu việc không tố giác sẽ gây nguy hiểm cho xã hội thì phải hạn chế. Không thể mới biết sơ sơ đã tố giác khách hàng, như vậy quan hệ của hai bên sẽ tan vỡ và luật sư đó về sau rất khó hành nghề.
Khác với các quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) bày tỏ băn khoăn với lý do mà các đại biểu đã nêu. Theo bà Thủy, từ xưa đến nay, tội bất trung, đại nghịch luôn được xem là tội nặng nhất cần phải trừng trị mà Bộ luật nói đến là tội xâm phạm an ninh quốc gia. Với tội này, không thể lấy bất kỳ lý do nào, kể cả lý do hoạt động nghề nghiệp để miễn trách nhiệm hình sự.
Người bào chữa, trong quá trình hoạt động mà biết thân chủ phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, khủng bố, gián điệp, phản bội Tổ quốc vì lý do nghề nghiệp, liệu còn quốc gia không để mà phát triển nghề nghiệp(?) – đại biểu Thủy đặt câu hỏi.
Bà Thủy cho rằng, từ trước đến nay không có bất cứ quy định nào loại trừ cho người bào chữa. Bộ luật Hình sự 2015 đã thu hẹp đáng kể phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người bào chữa so với Bộ luật hình sự 1999.
Thống nhất miễn trừ trách nhiệm hình sự đối với người không tố giác tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội (khoản 2 Điều 19), đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, điều này phù hợp với phong tục tập quán, truyền thống đạo đức của dân tộc.
Song, đại biểu đề nghị bỏ khoản 3 điều này, đó là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện mà người bào chữa biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác.
Đại biểu lý giải, trên tinh thần thượng tôn pháp luật, là người bảo vệ pháp luật, nếu quy định miễn trừ trách nhiệm hình sự sẽ dẫn đến người bào chữa sử dụng kiến thức của mình để che giấu. Biết rõ thân chủ có tội nhưng vẫn giúp cho thân chủ thoát tội. Điều đó không đúng với đạo đức nguyên tắc nghề nghiệp, không công bằng với mọi công dân. Đại biểu dẫn nguyên tắc hành nghề của luật sư trong Luật luật sư là tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, độc lập, trung thực, khách quan.
Tranh luận nội dung này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa khẳng định, quan hệ giữa luật sư và khách hàng là quan hệ có quyền bảo vệ tương đối đặc biệt, đây là điều nhiều quốc gia đã thực hiện. Nếu làm khác đi, thu hẹp quá sẽ ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại, đến quá trình hội nhập và thu hút đầu tư. Luật sư có đặc thù, có quyền riêng của họ, có trách nhiệm với những người mà Hiến pháp, pháp luật giao cho gỡ tội, bào chữa cho họ, không giống như quan hệ gia đình thân thích.
Lý giải về quy định này, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Khoản 3 Điều 19 Bộ luật hình sự 2015 chỉ nói rõ thêm là đã thu hẹp đáng kể các tội mà người bào chữa chịu trách nhiệm đối với tội không tố giác tội phạm.
Nâng mức hình phạt với tội danh bán hàng đa cấp trái pháp luật
Đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn phát biểu ý kiến. Ảnh: An Đăng/TTXVN |
Nhiều nội dung khác của Bộ luật liên quan đến quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội biểu tình và tài trợ khủng bố, quy định về pháp nhân thương mại, trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 đến dưới 18, tội danh bán hàng đa cấp… cũng được đại biểu thảo luận.
Tán thành với việc cần có tội danh quy định riêng cho hành vi bán hàng đa cấp trái pháp luật, song, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cho rằng, quy định này chưa rõ nét để có thể phân biệt giữa tội danh bán hàng đa cấp với tội lừa đảo. Cần nghiên cứu làm rõ hơn dấu hiệu đặc trưng cơ bản của tội này để xác định tội danh và xử lý thuận lợi.
Cũng theo đại biểu, khung hình phạt của tội danh bán hàng đa cấp trái pháp luật còn quá nhẹ, chưa đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm vì tính chất, mức độ của hành vi lừa đảo thông qua bán hàng đa cấp nghiêm trọng hơn rất nhiều so với hành vi lừa đảo thông thường, liên quan đến nhiều người, mức độ tác động của thiệt hại lớn hơn, phạm vi ảnh hưởng ở nhiều tỉnh thành khác nhau. Nhất trí bổ sung tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp vào dự thảo luật để xử lý các trường hợp không có giấy phép kinh doanh, hoặc kinh doanh không đúng với giấy phép, đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa –Vũng Tàu) đề nghị nâng mức khung hình phạt ở tội danh này bởi quy định 5 năm tù đối với người phạm tội là quá nhẹ.
Nói về việc phân loại tội phạm, đại biểu Nguyễn Bá Sơn cho rằng, dự thảo Luật vẫn giữ nguyên quy định tại Điều 9 Bộ luật hình sự 2015, gồm 4 loại là tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng tương ứng với mức hình phạt 3 năm tù, từ 3-7 năm tù, 5-15 năm tù, 15-20 năm tù, chung thân, tử hình. Tuy nhiên, trong các điều luật cụ thể, nhiều khung hình phạt nằm "vắt ngang" giữa tội ít nghiêm trọng với nghiêm trọng, giữa tội nghiêm trọng với rất nghiêm trọng…
Quy định như vậy không phù hợp với Điều 9 về phân loại tội phạm, mặt khác, quy định khung hình phạt như trên là quá rộng, có thể dẫn tới sự tùy tiện trong áp dụng pháp luật, rất khó áp dụng hình phạt tương xứng với người phạm tội cụ thể, dẫn đến chính sách hình sự không đạt các mục tiêu đề ra.
Các đại biểu còn có nhiều ý kiến khác nhau khi thảo luận về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141) và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169).
Một số đại biểu thống nhất với dự thảo Luật do Chính phủ trình, theo đó người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về loại tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng đối với 3 tội danh nêu trên.
Tuy nhiên, không ít ý kiến đề nghị giữ như quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, theo đó đối với 3 tội: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141) và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169), người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về cả tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng.