Nhiều ý kiến tâm huyết gửi tới Quốc hội

Nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri cùng nhân dân cho rằng, trong 9 tháng qua, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có những chuyển biến. Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, một số chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra.

 

Sau phiên khai mạc, Quốc hội đã nghe Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri. Theo đó, Chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 1.129 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.


Triển khai nhiều giải pháp tích cực


Cử tri và nhân dân cả nước đánh giá cao Quốc hội, Chính phủ, chính quyền các cấp đã có nhiều nỗ lực và giải pháp nhằm khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền quốc gia, mở rộng các quan hệ đối tác chiến lược, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước trong giai đoạn có nhiều khó khăn, thách thức hiện nay. Nhiều vấn đề cử tri và nhân dân kiến nghị tại Kỳ họp thứ 5 đã được Chính phủ chỉ đạo các cơ quan nhà nước tiếp thu và giải quyết, như: Triển khai nhiều giải pháp tích cực có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, gia tăng xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện từng bước đời sống nhân dân; kịp thời hỗ trợ ngư dân bám biển, bám ngư trường, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

 

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri. Nguyễn Dân- TTXVN


Đánh giá hoạt động của Quốc hội đã có nhiều đổi mới, ông Trịnh Văn Huấn, cử tri phường Bồ Đề, Long Biên (Hà Nội) mong muốn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiếp tục đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước tập trung vào 5 nội dung cơ bản về: Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và Luật Đất đai; sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân; lĩnh vực y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường; tình hình an toàn giao thông và giao thông vận tải; phòng, chống tham nhũng, lãng phí.


Cử tri Nguyễn Thị Thưa, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình bày tỏ mong muốn Quốc hội chân thành lắng nghe ý kiến của nhân dân, tiếp thu tối đa những ý kiến hợp lý; những quy định của Hiến pháp năm 1992 và các bản Hiến pháp trước đây còn phù hợp cần được kế thừa; những vấn đề có tính nguyên tắc, thuộc về bản chất của chế độ chính trị và Nhà nước ta cần tiếp tục khẳng định. Đó là, Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.


Về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), nội dung được đông đảo cử tri quan tâm và kiến nghị là vấn đề thu hồi đất. Tán thành cao quy định về thu hồi đất với trường hợp vì mục đích quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia, công cộng, tuy nhiên, nhiều ý kiến còn băn khoăn đối với mục đích phát triển kinh tế - xã hội. Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần có quy định chặt chẽ bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, nhân dân và nhà đầu tư khi thu hồi đất... Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp hơn, hiệu quả hơn cho nông dân như: Cung cấp giống chất lượng cao, vay vốn hoặc trợ giá mua máy móc nông nghiệp, cung cấp thông tin về giá cả và thị trường để người nông dân có định hướng sản xuất phù hợp và nâng cao giá trị hàng hóa nông sản.


Thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát


Đại biểu Vũ Viết Ngoạn (Khánh Hòa) cho rằng mục tiêu kiềm chế lạm phát khoảng 7% và tăng trưởng kinh tế ở mức 5,8% có thể là khả thi và hợp lý. Trong quá trình triển khai xây dựng kế hoạch đã có nhiều tính toán và cũng có nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau và cùng trao đổi rất kỹ. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng 5,8% là mục tiêu quá tham vọng và sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. “Tôi cho rằng, chúng ta kiên định ổn định kinh tế vĩ mô, coi đó là giá trị cốt lõi và là những thành tựu mà chúng ta đã đạt được.

Chính ổn định kinh tế vĩ mô đã tạo ra một sức hút rất lớn các nhà đầu tư nước ngoài cũng như các nhà đầu tư trong nước, tạo ổn định cho những năm tiếp theo để chúng ta phát triển. Tuy nhiên, để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý khoảng 5,7-5,8% cho năm sau cũng là yêu cầu hợp lý và là bản lề để ổn định kinh tế vĩ mô về mặt lâu dài. Có ổn định tốc độ tăng trưởng như vậy thì các doanh nghiệp mới có điều kiện để duy trì sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nếu tốc độ tăng trưởng thấp hơn thì khó khăn cho doanh nghiệp, từ đó dẫn tới khó khăn trong việc thu ngân sách của nhà nước. Đồng thời ảnh hưởng đến công ăn việc làm và kéo theo nhiều hệ lụy khác. Cho nên tôi cho rằng mức độ tăng trưởng đó có thể duy trì được”, đại biểu Vũ Viết Ngoạn bày tỏ quan điểm.


Trên tinh thần đó, Chính phủ xác định mục tiêu tổng quát của năm 2014 là tiếp tục củng cố, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phục hồi nhịp độ tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và thực hiện ba khâu đột phá chiến lược. Bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và nâng cao đời sống nhân dân. Mở rộng và nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí.


Dự kiến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII sẽ làm việc đến ngày 30/11.

 

Phúc Hằng - V.T 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN