Các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần xác định, phân định rõ phạm vi “công nghiệp điện ảnh” và “điện ảnh”; quy định cụ thể hơn về thành phần, trách nhiệm, yêu cầu chuyên môn của Hội đồng thẩm định, phân loại phim. Đặc biệt, việc quy định tại điều 42, 43, 44 về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các đại biểu. Theo đó, phần lớn ý kiến đề nghị không quy định Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh tại dự thảo Luật, bởi vì Luật Điện ảnh năm 2006 quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh nhưng đến nay vẫn chưa thành lập được và chưa thể hiện tính cấp thiết so với các lĩnh vực khác.
Mặt khác, các đại biểu cũng đề nghị xem xét các chủ thể được phép tổ chức liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim... tại Việt Nam; quy định rõ trách nhiệm phổ biến phim trên không gian mạng trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời, cân nhắc quy định yêu cầu các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp kịch bản phim khi sử dụng bối cảnh quay tại Việt Nam hoặc sử dụng diễn viên Việt Nam.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đóng góp ý kiến đối với Chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh; đề nghị các chính sách phải cụ thể, trọng tâm, trọng điểm, phù hợp, khả thi; cần cụ thể hóa các chính sách Nhà nước ưu đãi về tín dụng, thuế, đất đai; quy định rõ ràng, cụ thể các nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh... Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị điều chỉnh quy định về miễn, giảm giá vé xem phim theo hướng khuyến khích, không nên áp đặt bắt buộc...
Kết luận hội nghị, đại diện Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre ghi nhận, đánh giá cao ý kiến góp ý nhiều chiều, khách quan của các đại biểu vào dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi); đồng thời tiếp thu các ý kiến, tổng hợp để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp sắp tới.