Chiều 25/9, Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Cục ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai đã có văn bản trả lời báo chí về thông tin thực trạng sử dụng biển xe ưu tiên trong hoạt động phòng, chống thiên tai, cụ thể là đối với biển “Xe hộ đê”.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có quy định chặt chẽ về đối tượng được cấp và việc tổ chức cấp biển. Đến thời điểm này có 568 biển trên tổng số 858 xe đề nghị.
Theo thông kê của Công ty quản lý và khai thác đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, năm 2016 có 37.538 lượt xe hộ đê lưu thông trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng được miễn phí; năm 2017 là 25.103 lượt xe hộ đê được miễn phí và 8 tháng đầu năm 2018 số lượng miễn phí cho xe hộ đê tại dự án này là 4.294 lượt.
Như vậy, số lượng xe chạy trên tuyến đường này năm 2018 chỉ bằng 25% so với cùng kỳ năm 2017 và 17% so với năm 2016, mặc dù lượng xe trên tuyến này đã tăng đáng kể.
Theo Cục trưởng Cục ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai Nguyễn Đức Quang, đối với các địa phương, Văn phòng thường trực Trung ương về phòng chống thiên tai cũng có văn bản quán triệt việc cấp và sử dụng biển xe ưu tiên do địa phương cấp.
Về việc sử dụng biển xe ưu tiên, theo quy định về việc quản lý và sử dụng biển “Xe hộ đê”, “Tổ chức, cá nhân có chức trách nhiệm sử dụng đúng mục đích và chỉ sử dụng khi thi hành nhiệm vụ”, quy định này cũng đã được in rõ trên biển "Xe hộ đê" (Chỉ sử dụng khi thi hành nhiệm vụ).
Về thông tin một số xe biển trắng mang phù hiệu biển "Xe hộ đê" của Trung ương lưu thông qua các trạm thu phí. Sau khi nhận được thông tin trao đổi, Cục đã rà soát và khẳng định không cấp biển “Xe hộ đê” cho các xe mang biển kiểm soát: 30E558.19; 30E850.86; 14A048.67; 15A154.68; 15A326.89; 29D307.95; 29U5069.
Riêng xe 29U 5069, Cục đã liên hệ trực tiếp với Ban Quản lý Nhà máy thủy điện Sơn La và Giám đốc Ban đã trả lời Ban Quản lý Nhà máy không sở hữu xe mang biển số trên.
Đối với các trường hợp này, Cục đã đề nghị và thông báo cho các trạm kiểm soát cũng như các cơ quan chức năng kiểm tra và xử lý theo quy định.
Mới đây, đại diện Công ty quản lý khai thác đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (thuộc Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam - VIDIFI) cho biết, trong 2 năm (2016-2017), mỗi năm đơn vị này thất thu gần 30 tỷ đồng.
Ngoài ra, 8 tháng đầu năm nay, đơn vị này cũng thất thu trên 14 tỷ đồng cho việc miễn phí các loại xe ưu tiên. Đặc biệt, trong các loại xe ưu tiên, tình trạng xe được cấp phù hiệu “xe hộ đê” lưu thông tràn lan với số lượng lớn đang khiến các trạm thu phí đau đầu.
Xe biển trắng thuộc sở hữu của cá nhân, doanh nghiệp tư nhân được phù phép thành “Xe hộ đê”. Trong đó, có những siêu xe cũng có phù hiệu này để được hưởng ưu tiên miễn phí qua các trạm BOT đường bộ.
Điều đáng nói, cũng từ việc miễn phí cho các loại xe nêu trên, có không ít trường hợp làm giả biển xe hộ đê, trong đó, có cả siêu xe Cadilac hay Lexus...
Theo Công ty Quản lý khai thác Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, thời gian đầu đưa vào khai thác cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, có khá nhiều những xe biển trắng nhưng vẫn được cấp biển "Xe hộ đê".
Tuy nhiên, sau khi đơn vị này có công văn đề nghị các tỉnh, thành phố có cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đi qua gửi danh sách các xe được cấp biển này thì lượng xe này giảm hẳn so với trước đây.
Trong 3 tỉnh thành gửi danh sách đến Công ty Vidifi (gồm Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng), Hải Dương là tỉnh có nhiều xe được cấp biển xe hộ đê nhất với 100 xe (tạm tính đến ngày 20/3); Hải Phòng với 31 xe và Hưng Yên 19 xe (tính đến ngày 11/6).