Tại buổi làm việc, tỉnh Hà Nam đã nêu những khó khăn, vướng mắc, đồng thời đề xuất nhiều kiến nghị liên quan đến vấn đề quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Cụ thể, theo Luật Đất đai năm 2003, Hà Nam thực hiện giao đất dịch vụ phi nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp nhưng đến nay việc giao đất dịch vụ cho các hộ chưa xong. Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2013 không quy định việc giao đất dịch vụ phi nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp. Tỉnh đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Chính phủ có giải pháp làm cơ sở để Hà Nam thực hiện.
Về công tác lập bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai, tỉnh Hà Nam đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm hỗ trợ kinh phí cho địa phương thực hiện hoàn thiện việc đo đạc lại bản đồ địa chính và cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai đã được xây dựng hồ sơ.
Trên địa bàn tỉnh Hà Nam hiện có 8 dự án đã trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa. Đây là các dự án đô thị lớn, quan trọng của tỉnh để đảm bảo phát triển đô thị của tỉnh theo hướng hiện đại, đồng bộ. Vì vậy, tỉnh đề nghị phân cấp cho tỉnh chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất lâm nghiệp.
Đề án thành lập Khu Công nghệ cao Hà Nam đã được Bộ Khoa học và Công nghệ có ý kiến thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, nhưng do tỉnh chưa được phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất khu Công nghệ cao nên đến thời điểm hiện tại Đề án vẫn chưa được phê duyệt. Vì vậy, Hà Nam đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm nghiên cứu điều chỉnh bổ sung cho tỉnh để thực hiện đầu tư xây dựng Khu công nghệ cao với diện tích 663 ha.
Trong lĩnh vực khoáng sản, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có một số doanh nghiệp vi phạm trong hoạt động khoáng sản (vật liệu xây dựng thông thường) về khai thác vượt công suất và ngoài ranh giới được cấp phép. Quá trình xử lý vi phạm của các doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc xác định số lợi bất hợp pháp. Tỉnh đề nghị các cơ quan Trung ương có hướng dẫn về cách xác định “chi phí trực tiếp” trong hoạt động khai thác khoáng sản làm cơ sở tính số lợi bất hợp pháp của các doanh nghiệp.
Đối với lĩnh vực môi trường, Hà Nam đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Chính phủ chỉ đạo thành phố Hà Nội khẩn trương thực hiện các giải pháp, công trình thu gom triệt để và xử lý nước thải sinh hoạt, công nghiệp đạt cột A, QCVN 14:2008/BTNMT và QCVN 40:2011/BTNMT trước khi xả vào sông Nhuệ; đóng toàn bộ các cửa xả nước thải chưa qua xử lý vào sông Nhuệ; Bộ sớm ban hành thông tư hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; tiêu chí về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị và nông thôn…
Các thành viên trong Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp thu và trả lời một số ý kiến, đề xuất của UBND tỉnh Hà Nam.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đề nghị tỉnh Hà Nam tiếp tục quan tâm đến công tác quản lý đất đai; giải quyết việc cấp đất, cho thuê đất đảm bảo các quy trình, quy định của pháp luật, quản lý cơ sở dữ liệu đất đai; xây dựng bảng giá đất, thường xuyên rà soát, bổ sung, cập nhật bảng giá đất; tập trung xử lý những tồn đọng trong quản lý đất đai.
Tỉnh cần tiếp tục quan tâm đến quản lý địa chất, khoáng sản; phối hợp đánh giá, rà soát lại các mỏ đá vôi, ưu tiên phát triển sinh thái bền vững, du lịch; xây dựng các nhà máy xi măng hoạt động tuần hoàn, bảo vệ môi trường; quản lý tốt ranh giới, công suất, môi trường đối với các nhà máy xi măng. Đồng thời, tỉnh quan tâm bảo vệ môi trường gắn với tài nguyên nước; rà soát lại việc kê khai, đăng ký các công trình, dự án liên quan đến tài nguyên nước.
Cùng với đó, Hà Nam cần tăng cường thu gom, xử lý nước thải, ưu tiên những khu vực như làng nghề, khu, cụm công nghiệp; quan tâm phân loại rác thải; chú trọng bảo vệ môi trường gắn với bảo tồn đa dạng sinh học.