Dịp này, UBND tỉnh Thái Bình đã trao tặng Bằng khen cho 60 đại biểu người có công, thân nhân gia đình người có công tiêu biểu.
người có công tiêu biểu và các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhấn mạnh: Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng chính quyền và nhân dân Bình Định vẫn dồn lực tập trung chăm lo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người có công. Đáp lại sự quan tâm đó, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với đất nước đã không ngừng phấn đấu vươn lên, là tấm gương sáng cho cộng đồng, xã hội noi theo.
Trong 10 năm qua, Bình Định đã huy động đóng góp quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” trên 35 tỷ đồng. Triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng, thời gian qua, Bình Định đã hỗ trợ xây dựng được 1.981 căn nhà, tổng kinh phí là 64,26 tỷ đồng. Bình Định đang tiếp tục triển khai giai đoạn II với tổng số nhà cần được hỗ trợ là 4.949 căn.
Trên địa bàn tỉnh Bình Định hiện có 105 nghĩa trang liệt sỹ, là nơi an táng của 30.230 liệt sỹ. Công tác quản lý chi trả trợ cấp ưu đãi hàng tháng cho hơn 40.000 đối tượng người có công trên địa bàn luôn được triển khai kịp thời, nhanh chóng.
Dịp này, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã biểu dương 70 cá nhân, tập thể tiêu biểu, đại diện cho hơn 160.000 người có công trong toàn tỉnh và các tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác thương binh, liệt sỹ, người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.
Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh trao Huân chương Độc lập cho những gia đình có công. Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN |
Tại Nghĩa trang liệt sỹ đồi 82 huyện Tân Biên, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tây Ninh tổ chức lễ truy điệu và an táng 266 hài cốt liệt sỹ đã hi sinh trên chiến trường Campuchia qua các thời kỳ. Đây là những hài cốt liệt sỹ do 2 đội K70 (Quân khu 7) và K71 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tây Ninh) đã tìm kiếm, cất bốc, hồi hương, đưa về đất mẹ từ nước bạn Campuchia vào mùa khô 2017.
Phát biểu tại lễ truy điệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc khẳng định, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ cũng như trong 2 cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia đã có hàng triệu người anh dũng hi sinh vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và đã có hàng ngàn, hàng vạn chiến sỹ, đồng bào, đồng chí mất đi một phần thân thể.
Đảng bộ chính quyền quân và dân Tây Ninh luôn khắc cốt ghi tâm, tìm kiếm, qui tập hài cốt các anh hùng, liệt sỹ bằng cả lương tâm và trách nhiệm. Tỉnh đã phối hợp với các địa phương, lực lượng của Vương quốc Campuchia tìm kiếm, quy tập và hồi hương hàng ngàn hài cốt quân tình nguyện Việt Nam hi sinh ở Campuchia về nước; hầu hết đã được an táng tại Nghĩa trang đồi 82, huyện Tân Biên.
Cùng ngày, tỉnh cũng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ; truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng cho 9 mẹ đã mất và trao Huân chương Độc lập của Chủ tịch nước cho 31 gia đình có con duy nhất hoặc nhiều người trong gia đình đã hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Dịp này, UBND tỉnh Tây Ninh cũng tặng Bằng khen cho 109 tập thể và cá nhân có công nuôi dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng suốt đời và làm tốt công tác chăm lo gia đình thương binh, liệt sỹ.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 tổ chức gặp mặt kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ.
Thay mặt Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Trung tướng Phạm Văn Dỹ, Chính ủy Quân khu ôn lại những năm tháng lịch sử hào hùng của dân tộc và khẳng định, Tổ quốc, nhân dân mãi mãi ghi công, biết ơn và tưởng nhớ những hi sinh to lớn của các thương binh, liệt sỹ trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Trung tướng Phạm Văn Dỹ yêu cầu, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong lực lượng vũ trang Quân khu tiếp tục đẩy mạnh công tác thương binh-liệt sỹ, chính sách hậu phương quân đội và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; tuyên truyền sâu rộng trong đảng bộ, lực lượng vũ trang quân khu về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc...
Thiếu tướng Nguyễn Gia Hòa, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7 cho biết, từ năm 1975 đến nay, ngành chính sách Quân khu 7 đã lập hồ sơ báo tử cho 67 nghìn trường hợp, cấp giấy chứng nhận thương binh cho hơn 40 nghìn trường hợp; tổ chức quy tập 129.835 hài cốt liệt sỹ (trong đó hơn 8 nghìn hài cốt liệt sỹ hi sinh tại Campuchia); lập hồ sơ đề nghị tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 524 tập thể, 263 cán bộ, chiến sỹ; phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng cho 6.319 mẹ...
Tính riêng từ năm 2007-2017, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang Quân khu 7 đã vận động, đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” hơn 21 tỷ đồng; cùng địa phương xây mới trên 9 nghìn căn nhà tình nghĩa, sửa chữa 8.500 căn nhà tình nghĩa với tổng giá trị gần 300 tỷ đồng; tặng hơn 6 nghìn sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá gần 3 tỷ đồng...
Lãnh đạo tỉnh tặng quà cho đại diện người có công tiêu biểu. Ảnh: Hoài Thu/TTXVN |
Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, tỉnh Sóc Trăng có trên 15.000 anh hùng liệt sỹ đã dũng cảm hi sinh, khoảng 6.000 người mang thương tật và trên 2.000 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Phát biểu tại buổi họp mặt người có công tiêu biểu nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Chuyện nhấn mạnh: Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sóc Trăng đặc biệt quan tâm thực hiện các chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công.
Các đối tượng có công đều được hưởng chế độ chính sách theo đúng quy định; 100% Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng được các cấp, ngành nhận phụng dưỡng đến cuối đời. Trong 10 năm qua, Sóc Trăng đã vận động xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” trên 56 tỷ đồng; xây mới hơn 3.700 nhà tình nghĩa cho người có công.
Hiện nay, 107/109 xã, phường, thị trấn trên địa bàn được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ và người có công. Sóc Trăng cũng đặc biệt quan tâm, chăm sóc nơi an nghỉ của các anh hùng, liệt sỹ như: xây dựng, tu sửa các nghĩa trang liệt sỹ, đài tưởng niệm, tổ chức lễ viếng, lễ cầu siêu, thắp nến tri ân...
Tại buổi lễ, ông Trần Văn Chuyện kêu gọi các cấp, ngành tiếp tục thực hiện tốt chủ trương, chính sách ưu đãi đối với người có công. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020, 100% hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú; đẩy mạnh xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, chú trọng sửa chữa và xây mới nhà ở cho người có công…
Dịp này, UBND tỉnh Sóc Trăng đã tặng Bằng khen cho 22 tập thể, xã, phường thực hiện tốt phong trào đền ơn đáp nghĩa và 11 người có công tiêu biểu nỗ lực vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống; tặng hơn 220 phần quà cho người có công tiêu biểu.
Tại lễ mít tinh kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang Đặng Tuyết Em nhấn mạnh: Lễ mít tinh là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc, là dịp để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với thương binh, gia đình liệt sỹ và những người có công với cách mạng.
Các cấp, các ngành của tỉnh Kiên Giang cần tập trung làm tốt công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng; tiếp tục tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cố liệt sĩ hi sinh trong chiến tranh còn thất lạc; huy động nguồn lực thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa” tại các địa phương.
Nhân dịp này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tặng Bằng khen cho 14 tập thể và 37 cá nhân có thành tích xuất sắc thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” giai đoạn 2012 - 2017; UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 23 tập thể và 60 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.
Trước đó, đoàn đại biểu dân quân chính đảng tỉnh Kiên Giang đã thắp hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh.