Thiếu ngân sách bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) liên quan đến vấn đề bảo tồn di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, đây là một chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, được Bộ đã, đang và sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện. Một trong những giải pháp cơ bản là tiến hành điều tra, kiểm kê để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Bộ trưởng nêu rõ: Đến nay đã có 134/271 di sản văn hóa phi vật thể của cả nước đã đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hàng năm, Bộ chỉ đạo lập hồ sơ đề nghị công nhận các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và hiện nay đang lập hồ sơ đề nghị công nhận 2 di sản văn hóa phi vật thể thế giới đối với di sản xòe Thái và hát Then - đàn tính. Các hoạt động chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4 được tổ chức thường niên. Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các vùng Tây Bắc, Đông Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, giao lưu văn hóa đối với từng dân tộc như Thái, Chăm, Khơ Me, Mông, Mường, Dao... trên quy mô toàn quốc diễn ra định kỳ.
Ngoài ra, giao lưu liên hoan nghệ thuật hát Then - đàn tính đối với các dân tộc Tày, Nùng, Thái; giao lưu văn hóa nghệ thuật ở các tuyến biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia… cũng thường xuyên được tổ chức.
Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các ngành, cơ quan và các địa phương điều tra, sưu tầm, thống kê, tổ chức phục dựng các lễ hội truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc có nguy cơ mai một cao. Đến nay, 85 lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số như Thái, Giáy, Ê Đê, Bana, Khơ mú, Bố Y, Pà Thẻn đã được hỗ trợ phục dựng, bảo tồn; xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện Đề án bảo tồn làng, bản, buôn truyền thống. Kết quả, có 32 làng, bản, buôn của 25 dân tộc được hỗ trợ đầu tư bảo tồn.
Dự án bảo tồn tiếng nói, chữ viết, trang phục của các dân tộc thiểu số cũng là giải pháp được thực hiện hằng năm.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, thông qua việc mở các lớp truyền dạy văn hóa truyền thống phi vật thể cho các dân tộc có số dân ít người như La Hủ, Cống, Bố Y, Pu Péo, Chứt… tại các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng, Kon Tum…, nhiệm vụ bảo tồn khẩn cấp văn hóa các dân tộc thiểu số có số dân dưới 10 ngàn người đã được triển khai hiệu quả. Việc dạy học do các nghệ nhân, chủ thể văn hóa các dân tộc thiểu số trực tiếp truyền dạy.
Thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch đã tiến hành phong tặng danh hiệu cho 276 nghệ nhân ưu tú là người đồng bào dân tộc thiểu số, những người nắm giữ các dân ca, dân vũ, dân nhạc, tiếng nói, chữ viết để truyền dạy cho các thế hệ. Đồng thời, Bộ phối hợp với các địa phương định kỳ tổ chức gặp mặt cho các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín các dân tộc thiểu số có số dân dưới 10 nghìn người nhằm trực tiếp lắng nghe các ý kiến đề xuất, tâm tư nguyện vọng của đồng bào.
Bộ cũng tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền phổ biến pháp luật, tập huấn công tác bảo tồn phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, bài trừ hủ tục lạc hậu cho các già làng, trưởng bản, người có uy tín…; hỗ trợ mỗi năm khoảng 100 văn nghệ sĩ người dân tộc thiểu số ở Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh tham gia vào các trại sáng tác. Đồng thời, Bộ chỉ đạo, phối hợp cùng các địa phương có đoàn văn hóa nghệ thuật, đội văn nghệ cấp thôn bản thường xuyên xây dựng các chương trình nghệ thuật, ngoài thực hiện nhiệm vụ chính trị còn phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa truyền thống của đồng bào.
Thừa nhận nhiều di sản văn hóa của đồng bào dân tộc có nguy cơ mai một và biến dạng và chưa có điều kiện để bảo tồn, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, một trong số những nguyên nhân cơ bản của vấn đề là do không có nguồn ngân sách riêng cho lĩnh vực này, đồng thời đề nghị huy động sức mạnh của toàn xã hội để nhằm bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số.
Du lịch vùng Đông Bắc chưa được khai thác đúng tiềm năng
Cho rằng việc liên kết, hỗ trợ, phát triển giữa các địa phương về du lịch trong thời gian qua đã được quan tâm triển khai đồng bộ, thiết thực, góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa đối với địa phương lân cận; điển hình như liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Tây Bắc, duyên hải miền Trung, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện về vấn đề phát triển du lịch vùng Đông Bắc, trong đó có tỉnh Bắc Kạn.
Về vấn đề chú trọng liên kết vùng trong khai thác và phát triển du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, du lịch là một ngành mang tính liên vùng, liên ngành, có tính chất xã hội hóa cao. “Bây giờ không có một địa phương nào có thể một mình để phát triển du lịch được mà luôn luôn phải liên kết. Trong liên kết du lịch các vùng đạt hiệu quả rất cao. Riêng đối với vùng Đông Bắc thì đúng là một vùng có rất nhiều tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa rất quan trọng. Tuy nhiên, thời gian vừa qua liên kết vùng này vẫn còn chưa được triển khai hiệu quả, thiết thực”, Bộ trưởng chỉ rõ.
Cho rằng, du lịch vùng Đông Bắc thời gian qua chưa được đánh giá, khai thác đúng tiềm năng, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện liệt kê những danh thắng du lịch của vùng Việt Bắc như thác Bản Giốc, hồ Ba Bể, hồ Na Hang, hồ Núi Cốc, núi Mẫu Sơn, cao nguyên Đá Đồng Văn, chiến khu cách mạng; những địa danh lịch sử như hang Pác Bó, suối Lê nin, di tích lịch sử Tân Trào…
Để làm tốt công tác phối hợp trong phát triển du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh, 6 tỉnh Cao - Bắc - Lạng và Hà - Tuyên - Thái của vùng Đông Bắc phải tổ chức liên kết chặt chẽ hơn. Trong đó, tỉnh Bắc Kạn đã đưa vào quy hoạch khu du lịch quốc gia Ba Bể. Hiện nay cũng đã có một số tập đoàn như Saigontourist đầu tư cho thiết chế du lịch ở đây. Bộ trưởng khẳng định. trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ của ngành sẽ quan tâm hơn đến du lịch của Bắc Kạn nói riêng cũng như các tỉnh vùng Đông Bắc nói chung.