Nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình cao với Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ

Đồng tình cao với Quy định số 41-QĐ/TW của Bộ Chính trị mới ban hành về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ quản lý, người đứng đầu, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng: Những điểm trong quy định rất cụ thể, đặc biệt mở ra hướng “văn hóa từ chức” nếu cán bộ không còn đủ uy tín.

Chú thích ảnh
Đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) trả lời phỏng vấn phóng viên báo Tin tức.

Đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho rằng: Quy định về việc miễn nhiệm hoặc từ chức của cán bộ đã nằm trong chủ trương của Đảng về công tác cán bộ hiện nay. Đó là phải xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.  

Trước đây, khi chưa có quy định này, việc xử lý cán bộ chỉ xem xét theo cấp độ kỷ luật (có 4 cấp độ kỷ luật là khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm). “Nếu cứ theo trình tự xử lý cán bộ theo từng bước, từng cấp độ như thế thì thời gian cán bộ bị kiểm điểm tiếp tục đảm nhiệm công tác vẫn kéo dài. Trong khi đó chất lượng cán bộ đó không đáp ứng được yêu cầu và việc xử lý rất lâu”, đại biểu Trương Xuân Cừ nêu ý kiến.

“Tôi cho rằng điểm mới trong Quy định số 41-QĐ/TW là đã cụ thể hóa những quy định hiện hành, như: 19 điều đảng viên không được làm, đảng viên phải gương mẫu, đảng viên không vi phạm phẩm chất đạo đức... Nếu khi mắc khuyết điểm nhưng chưa đến mức phải cách chức, kỷ luật thì trong Quy định 41 đã xem xét cho miễn nhiệm, từ chức và cao hơn nữa là buộc thôi việc”, đại biểu Trương Xuân Cừ nói.

Cũng theo đại biểu Trương Xuân Cừ, như vậy để đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý không chỉ căn cứ vào trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, mà còn phải có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu… “Tôi cho rằng đây là những điểm mới. Như vậy, dù anh chưa đến mức phải xử lý kỷ luật thì cũng đã bị xem xét trách nhiệm lãnh đạo, quản lý. Quy định 41 đã nêu rõ hơn về phẩm chất chính trị, lối sống, tư cách tác phong, vấn đề ứng xử, vấn đề tự diễn biến, tự chuyển hóa, rồi vấn đề đoàn kết nội bộ, vấn đề tham ô, tham nhũng, tiêu cực…”, đại biểu Trước Xuân Cừ nói.

Chú thích ảnh
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng) trả lời phỏng vấn phóng viên báo Tin tức.

Đồng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng) cho rằng: Quy định số 41 về miễn nhiệm, từ chức cán bộ của Bộ Chính trị có nhiều điểm mới. 

Quy định này đã kế thừa những bài học thực tiễn tốt và bổ sung những vấn đề chưa đặt yêu cầu trong việc thực hiện Quy định 260 trước đó. Quy định lần này đã kế thừa những kinh nghiệm quốc tế liên quan tới vấn đề về cán bộ, về thể chế, về quản trị cán bộ và con người. Đồng thời cụ thể hóa những tư duy, quan điểm mới của Đảng về công tác cán bộ, về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Quy định cũng nhằm tạo ra những thay đổi trong nhận thức của việc đánh giá cán bộ. Mục đích cuối cùng là tăng cường trách nhiệm cán bộ, để lựa chọn cán bộ, để rèn luyện cán bộ theo những yêu cầu về năng lực, phẩm chất đáp ứng tình hình mới.

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi cũng nêu thực tiễn, trước kia có tình trạng cán bộ mắc sai phạm đến mức phải kỷ luật ở mức miễn nhiệm, nhưng đương sự đôi khi lại làm đơn xin từ chức để giảm bớt khuyết điểm của mình. Tuy nhiên, Quy định 41 đã xác định rất rõ ràng những trường hợp đã xác định miễn nhiệm thì không được từ chức. Đó chính là cách lấp những “lổ hổng” và “khoảng trống” để cán bộ có vi phạm không thể lợi dụng.

“Việc ban hành quy định về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ này có thể mở đường để từng bước hình thành “văn hoá từ chức” đối với cán bộ mắc khuyết điểm. Và việc từ chức cũng cần được nhìn nhận một cách “thoáng" hơn trong chính các cơ quan, đơn vị và trong dư luận xã hội”, đại biểu Nguyễn Chu Hồi nói.

Ông Nguyễn Chu Hồi cho rằng, văn hoá từ chức đã có ở nhiều quốc gia trên thế giới. Song, thực tiễn ở nước ta, việc này thực hiện chưa được thể hiện rõ nét.

“Cho nên, chúng ta cần tiến hành từng bước, theo cả quá trình để cán bộ từ chức khi nhận thấy không còn phù hợp với vị trí công việc đó nữa. Khi đó, việc từ chức của cán bộ sẽ trở thành thường xuyên hơn. Bên cạnh đó, cũng cần nhìn nhận ở khía cạnh nhân văn của việc từ chức. Khi cán bộ nhận thấy khuyết điểm, họ sẽ thực sự sửa chữa khuyết điểm và sẽ có những cống hiến vươn lên, và điều này cần ghi nhận một cách xứng đáng, khách quan. Qua đó sẽ giúp cán bộ khi mắc khuyết điểm không “ngoan cố” tới cùng, không cố “giữ ghế” tới cùng”, đại biểu Nguyễn Chu Hồi nêu ý kiến.     

Đa số các đại biểu Quốc hội cho rằng, trong Quy định 41 đã nêu những tiêu chí nhận diện những căn cứ  để xem xét miễn nhiệm, từ chức, thời hạn miễn nhiệm, điều kiện miễn nhiệm… Tuy nhiên, để hiểu từng tiêu chí như thế nào vẫn cần có một hướng dẫn chi tiết trong thực hiện để các đơn vị trong nước áp dụng một cách thống nhất, đồng bộ.

Bài và ảnh: Viết Tôn/Báo Tin tức
Quy định 41-QĐ/TW của Bộ Chính trị: Thể hiện quyết tâm trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng
Quy định 41-QĐ/TW của Bộ Chính trị: Thể hiện quyết tâm trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng

Ngày 3/11, thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã ký ban hành Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN