Nhiều bức xúc liên quan đến đất đai

Sáng ngày 5/8, kỳ họp thứ hai Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh khóa IX đã bước sang ngày làm việc cuối cùng với phần chất vấn và trả lời chất vấn của ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh. Nội dung chất vấn xoay quanh các giải pháp giải quyết các bức xúc liên quan đến vấn đề đất đai, cải tạo chung cư cũ.

Còn buông lỏng quản lý

Đề cập đến những bức xúc, vướng mắc của người dân liên quan đến việc tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất, đại biểu Nguyễn Thanh Thúy và đại biểu Kim Dung đặt câu hỏi về Quy định 33 của thành phố đang gây vướng mắc cho người dân khi muốn tách thửa thực sự và thành phố làm sao giải quyết vướng mắc này cho người dân.


Trả lời thắc mắc của các đại biểu, ông Lê Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết hiện nay nhu cầu tách thửa của người dân là chính đáng và được thực hiện theo Quyết định 33/2014 quy định về diện tích tối thiểu tách thửa. Nội dung quyết định này có quy định cụ thể đối với thửa đất mới hình thành và thửa đất còn lại sau khi trừ lộ giới, diện tích tối thiểu ở từng khu vực, loại đất ở chưa có nhà và đất ở có nhà hiện hữu. Khi tách thửa phải đảm bảo được hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch và nối kết, đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật hiện hữu. Bên cạnh những quy định về kỹ thuật, thành phố còn quy định trách nhiệm cho UBND quận, huyện trong việc thực hiện rà soát, giám sát việc thực hiện, đảm bảo khu đất mới hình thành đúng diện tích đã quy định và có hạ tầng đầy đủ, hoàn thiện.

Nội dung chất vấn buổi sáng 5/8 xoay quanh các giải pháp giải quyết các bức xúc liên quan đến vấn đề đất đai, cải tạo chung cư cũ.


“Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực là đáp ứng được nhu cầu tách thửa của người dân thì xuất hiện mặt trái, đó là không biết trong quá trình thực hiện do vô tình hay cố ý sai phạm mà xảy ra tình trạng “nở rộ” phân lô bán đất nền. Những đất nền này được chủ đầu tư chia nhỏ nên kết cấu hạ tầng không đồng bộ, hệ thống cấp nước, thoát nước không đáp ứng tiêu chuẩn…”, ông Khoa cho biết.


Theo ông Khoa nguyên nhân của tình trạng trên là do sự quản lý của các cơ quan, đặc biệt là cơ quan quận huyện. Bởi theo điều 4 khoản 4 của Quyết định 33 có giao quyền quản lý cấp quận huyện phải kiểm tra chặt chẽ. Việc một số nơi buông lỏng quản lý nên dẫn đến việc người dân tự ý phân lô bán nền, gây bức xúc cho dân khi muốn làm giấy chủ quyền sử dụng đất.


 “Để khắc phục tình trạng này, UBND Thành phố cũng đã có chỉ đạo nhắc nhở các quận, huyện thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra các sai phạm, khi phát hiện sai phạm thì xử lý ngay. Ví dụ như trường hợp ở huyện Hóc Môn vừa qua, Ủy ban kiểm tra Thành ủy cũng đang kiểm tra tại đây và xử lý theo những sai phạm là vô tình hay cố ý. Trong tương lai, UBND TP cũng sẽ nghiên cứu điều chỉnh bổ sung Quyết định 33, nếu cần có thể thay thế bổ sung một nghị định khác nhằm bổ sung nhu cầu có thực của dân và khắc phục khuyết điểm vừa qua. Dự kiến trong tháng 8, dự thảo của nghị định thay thế sẽ xong và được đăng công khai trên trang mạng của thành phố, quận huyện để xin ý kiến của dân, của các cơ quan sau đó điều chỉnh và ban hành thực hiện", ông Khoa cho biết.

Thu hồi dự án không khả thi

Đại biểu Trần Hải Yến và đại biểu Kim Dung cũng thắc mắc: Vừa qua, có một số khu vực, dự án quy hoạch "treo" hàng chục năm vẫn chưa thấy giải quyết khiến những hộ dân sống trong vùng quy hoạch lo lắng, bức xúc và việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất hiện nay còn chậm, khiến người dân phải mất nhiều thời gian.


Trả lời vấn đề này, ông Lê Văn Khoa cho biết: "Quy hoạch là cần thiết ở các đô thị hiện nay bởi nó liên quan đến phát triển hạ tầng của thành phố đồng bộ. Tuy nhiên, vấn đề quy hoạch phải thực hiện sao cho khoa học, hợp lý để phù hợp nguyện vọng của dân. Trong thời gian qua có những dự án quy hoạch kéo dài gây bức xúc cho dân. Để khắc phục tình trạng này, năm nay thành phố đã làm rất quyết liệt khi chỉ đạo rà soát quy hoạch 21/24 quận, huyện về quy hoạch hạ tầng cơ sở. Theo đó, những dự án treo, không phù hợp sẽ được kiến nghị xem xét đưa ra khỏi phân khu bản đồ 1/2000. Đến cuối năm nay, việc rà soát này phải hoàn thành và có kết quả cụ thể báo cáo thành phố. Ngoài ra, thành phố cũng đã chỉ đạo Sở Tài nguyên môi trường, Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Xây dựng rà soát những dự án đã kéo dài, xem dự án nào kéo dài mà có lý do chính đáng thì sẽ điều chỉnh tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ, còn dự án không khả thi, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của dân thì khẩn trương thu hồi để ổn định cuộc sống của người dân nằm trong vùng quy hoạch".


Giải thích cho việc cấp đăng kí quyền sử dụng đất hiện nay còn quá chậm, ông Khoa chỉ rõ thành phố đang thực hiện việc cấp đăng kí quyền sử dụng đất theo Quyết định 43. "Việc thực hiện theo Quyết định 43 đã giúp giảm bớt nhiều phiền hà cho dân. Ví dụ như trước khi có Quyết định 43, để có được giấy quyền sử dụng đất, người dân phải có 40-50 chữ kí của các cơ quan quản lý, khi Quyết định 43 ra đời thì giảm bớt chỉ còn 8-9 chữ kí và người dân có thể chọn làm giấy ở quận, huyện hoặc lên Sở Tài nguyên môi trường thành phố. Tuy nhiên, do tâm lý của bà con, đa số muốn lên thẳng thành phố chuyển đổi sổ đỏ sang tên mình chứ không muốn cập nhật quyền sử dụng ở quận, huyện. Điều này, tạo áp lực quá lớn lên thành phố. Trước kia, Sở Tài Nguyên và môi trường xử lý khoảng 3.000 hồ sơ/năm thì nay lên đến 6.000 hồ sơ/tháng, tính ra là 72.000 hồ sơ/năm", ông Khoa nói.


Theo ông Khoa, để giải quyết vấn đề này, thành phố đã có văn bản chỉ đạo và tuyên truyền phổ biến cho người dân hiểu. Theo đó, việc cập nhật biến động thay đổi chủ sở hữu lần 1 và lần 2 sẽ được thực hiện tại chi nhánh văn phòng của thành phố đặt tại quận huyện. Việc cập nhật lại tại văn phòng của thành phố tại quận huyện và lên Sở Tài Nguyên và môi trường thực hiện có giá trị pháp lý như nhau. Vì vậy, đã có 50% hồ sơ được thực hiện tại văn phòng quận, huyện mà không phải lên thành phố. "Về lâu dài, chúng tôi đã có ý kiến Thành phố nên sửa đổi quy định có thể cho phép văn phòng của thành phố tại quận huyện có thể đăng kí được quyền cấp giấy đỏ để người dân khỏi phải kéo nhau lên tận Sở Tài nguyên và môi trường để xin cấp giấy đỏ. Việc thay đổi đã giúp chúng tôi từ việc cấp giấy đỏ cho dân trễ 60% nay chỉ còn 30% và dự kiến đến cuối năm còn dưới 10% để làm hài lòng những nguyện vọng chính đáng của người dân thành phố”, ông Khoa cho biết thêm.


Bài và ảnh: Hoàng Tuyết
Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân
Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân

Giai đoạn 2011 - 2016, chất lượng hoạt động của HĐND các cấp có nhiều chuyển biến tích cực rõ nét, ngày càng chuyên nghiệp hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN