HĐND vị thế ngày càng được nâng cao, thể hiện rõ hơn vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. UBND các cấp đã thực hiện tốt chức năng quản lý hành chính nhà nước, nghiêm túc triển khai chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đây là nhận định của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc về hoạt động của HĐND, UBND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016, chiều 2/2.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu trong một sự kiện. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN |
Hội nghị do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân và Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đồng chủ trì.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhiệm kỳ qua, nhiều cấp chính quyền địa phương đã năng động sáng tạo, quyết tâm chính trị cao, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đạt kết quả nhiều mặt, được Đảng, Nhà nước đánh giá cao.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của HĐND, UBND thời gian qua còn một số bất cập như tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, chức năng nhiệm vụ một số cơ quan còn chồng chéo, còn những thủ tục hành chính rườm rà, ảnh hưởng tới người dân và doanh nghiệp, một bộ phận công chức viên chức còn hạn chế về phẩm chất và năng lực.
Đại biểu HĐND – giảm về lượng, tăng về chất
Đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình hoạt động của HĐND từ đầu nhiệm kỳ đến nay cho thấy so với nhiệm kỳ 2004 – 2011, số lượng đại biểu HĐND ba cấp giảm 3.478 người nhưng chất lượng đại biểu được nâng lên về trình độ chính trị và chuyên môn.
Tỷ lệ đại biểu nữ tăng ở ba cấp. Đối với cấp tỉnh, có 19 địa phương, cấp huyện có 10 địa phương đạt tỷ lệ đại biểu nữ trên 30%. Đại biểu trẻ tuổi và dân tộc ở cấp huyện và cấp xã cơ bản giữ nguyên nhưng giảm ở cấp tỉnh. Riêng đối với tỷ lệ ngoài Đảng ở 3 cấp giảm đáng kể, cụ thể cấp tỉnh giảm 7,56%, cấp huyện giảm 11,56%, cấp xã giảm 23,07%.
Trong nhiệm kỳ 2011 – 2016, HĐND các cấp đã phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ để xem xét, quyết định những chủ trương, giải pháp quan trọng của địa phương. Vai trò các Ban của HĐND, đại biểu HĐND được phát huy. Nghị quyết của HĐND được nâng lên về chất lượng, đúng pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và nguyện vọng của cử tri.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, HĐND các cấp đã thực hiện tốt chức năng giám sát; việc xây dựng nội dung, chương trình giám sát hàng năm khoa học, phù hợp với điều kiện thực tế; hoạt động xem xét báo cáo công tác của Thường trực HĐND, UBND, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp được tiến hành nghiêm túc; hoạt động chất vấn được tăng cường, đổi mới và trở thành nội dung trọng tâm của kỳ họp, được cử tri và nhân dân quan tâm. HĐND cấp tỉnh ở nhiều địa phương ban hành nghị quyết về những nội dung cụ thể trong hoạt động chất vấn, tổ chức giám sát chuyên đề về chất vấn, tạo cơ sở để xem xét trách nhiệm cá nhân của người được chất vấn.
Thực hiện Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội khóa XIII về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội và HĐND bầu hoặc phê chuẩn, lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp giữa năm 2013 và kỳ họp cuối năm 2014. Đây là một phương thức mới trong hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, bước đầu phát huy tác dụng tốt, tạo được sự quan tâm, đồng tình ủng hộ của dư luận, sự tin tưởng của cử tri và nhân dân cả nước.
Tuy nhiên, một số cấp ủy Đảng chưa dành sự quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo hoạt động của HĐND, chưa chú ý việc bố trí cán bộ có năng lực làm đại biểu hoạt động chuyên trách, nhất là bố trí cán bộ cấp ủy tham gia vào các vị trí chủ chốt của HĐND.
Cơ cấu của Thường trực HĐND so với UBND cùng cấp chưa cân xứng và phù hợp. Mối quan hệ giữa cơ cấu và chất lượng đại biểu; giữa tính đại diện và khả năng thực hiện nhiệm vụ; trách nhiệm và mối liên hệ giữa đại biểu đối với cử tri chưa được giải quyết thỏa đáng. Tỷ lệ đại biểu giữa cơ quan Đảng, đoàn thể với cơ quan hành chính, tỷ lệ đại biểu nữ, đại biểu trẻ tuổi ở một số địa phương đạt thấp.
Trong quá trình hoạt động, do có hành vi vi phạm pháp luật, không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân, nên 6 đại biểu HĐND cấp tỉnh, 160 đại biểu HĐND cấp huyện ở 32 tỉnh, thành phố và 1.240 đại biểu HĐND cấp xã ở 51 tỉnh, thành phố đã bị bãi nhiệm, mất quyền đại biểu HĐND.
UBND các cấp đề cao nguyên tắc tập trung dân chủ
Theo báo cáo của Chính phủ, UBND các cấp đã thực hiện tốt chức năng quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn, khắc phục các khó khăn, thách thức, tận dụng tốt các thời cơ, thuận lợi để tập trung công tác chỉ đạo, điều hành và cơ bản đã hoàn thành các mục tiêu kinh tế – xã hội đề ra từ đầu nhiệm kỳ.
Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết: trong chỉ đạo điều hành, UBND các cấp đã ban hành các quyết định, chỉ thị theo thẩm quyền để cụ thể hoá các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của cơ quan nhà nước cấp trên, tạo khuôn khổ pháp lý để người dân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Theo đó, trung bình một năm UBND các cấp của mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành khoảng 56.400 văn bản. Những văn bản có nội dung quan trọng và các văn bản quy phạm pháp luật đã được lấy ý kiến các cấp, các ngành, đối tượng thực hiện và Nhân dân trước khi ban hành. Những văn bản không còn phù hợp với thực tế được xem xét điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ.
UBND các cấp đã bám sát các kế hoạch của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các định hướng của cấp uỷ đảng, Nghị quyết của HĐND cùng cấp để thực hiện các giải pháp phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP trong cả nhiệm kỳ, bình quân 5 năm đạt khoảng 5,9%/năm, năm 2015 đạt 6,68%. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên; cải cách hành chính đạt những kết quả tích cực; công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí được chú trọng.
Tổ chức bộ máy, số lượng, cơ cấu thành viên UBND các cấp đã được sắp xếp, kiện toàn theo quy định; thực hiện tốt chủ trương của Bộ Chính trị về việc tăng thêm chức danh Phó Chủ tịch UBND các cấp ở một số địa phương để luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chuẩn bị nguồn cán bộ chiến lược cho nhiệm kỳ Đại hội đảng các cấp và nhiệm kỳ HĐND, UBND ở mỗi cấp.
Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện được sắp xếp theo hướng tinh gọn, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, đồng thời thực hiện rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ tránh chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót nhiệm vụ, quyền hạn trên các lĩnh vực quản lý.
Kết quả thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường đã làm rõ hơn về mô hình tổ chức, cơ cấu UBND, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo địa bàn đô thị, nông thôn, là thực tiễn quan trọng để Quốc hội ban hành Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.