Những cán bộ “gánh trọn hai vai”Gần 2 năm qua, anh Nguyễn Hữu Tá đảm nhận nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Bình Phú, huyện Châu Phú (tỉnh An Giang). Được nhân dân, cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ, anh Tá bàn bạc, thảo luận với cấp ủy xây dựng chương trình hành động sát với thực tế địa phương.
Xã vùng trong Bình Chánh, huyện Châu Phú đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: baoangiang.com.vn |
Bình Phú là một xã thuần nông, bị chia cắt về giao thông do có nhiều sông, rạch, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Để quản lý, điều hành tốt các nhiệm vụ trong xã, anh đã mạnh dạn giao việc gắn với trách nhiệm cụ thể cho cấp dưới (là Phó Bí thư, Phó Chủ tịch UBND), chuyển từ quản lý công việc sang quản lý “nhóm”, tạo sự thống nhất trong chỉ đạo và việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị được chủ động, kịp thời, khắc phục được tư tưởng trông chờ, ỷ lại, đùn đẩy trách nhiệm; phát huy được năng lực của cán bộ.
Nhờ bố trí, sắp xếp công việc một cách khoa học nên dù là “cán bộ 2 vai” nhưng anh vẫn có thời gian đi cơ sở để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con, qua đó giải quyết kịp thời những vấn đề mới phát sinh, tạo được lòng tin trong quần chúng; đồng thời, tuyên truyền, nhắc nhở người dân chấp hành đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và của địa phương, giữ vững an ninh trật tự. Nhờ vậy, những năm gần đây, xã không phát sinh tệ nạn xã hội và những vụ việc phức tạp. Không chỉ xông xáo trong vai trò người đứng đầu cấp xã, anh Tá còn tích cực vận động nhân dân hiến đất, tiền để xây dựng cầu nông thôn, mua xe chuyển viện miễn phí...
Ông Phạm Thanh Tùng, ấp Phú Quới, xã Bình Phú cho biết, mấy năm nay các công trình như trường học, cầu, đường giao thông nông thôn trong xã được đầu tư mở rộng, nhất là việc thực hiện kế hoạch đê bao toàn xã và xây dựng hệ thống giao thông nội đồng giúp bà con rất phấn khởi. Nhờ vậy, người dân có thể sản xuất lúa vụ ba hoặc chuyển sang trồng cây ăn trái thay vì bỏ hoang như trước đây. Để có được kết quả này phải kể đến đóng góp không nhỏ của đồng chí Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Bình Phú Nguyễn Hữu Tá.
Anh Nguyễn Hữu Tá cho biết, việc nhất thể hóa chức danh Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã tránh được hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, giảm được khâu báo cáo, xin ý kiến. Vì Bí thư Đảng ủy cũng là Chủ tịch UBND xã nên nắm rõ tình hình địa phương, từ đó chỉ đạo xây dựng nghị quyết, đề ra chủ trương sát với thực tiễn; công tác phối hợp giữa chính quyền, mặt trận và các đoàn thể thực hiện đồng bộ, hiệu quả hơn. Đặc biệt, những thiếu sót, tồn tại khi thực hiện nhiệm vụ được chỉ đạo giải quyết nhanh chóng, không đi ngược với chủ trương chung.
Anh Tá chia sẻ, khi thực hiện mô hình nhất thể hóa có nghĩa là “quyền lực” tập trung, dễ dẫn đến độc đoán, chuyên quyền, mất đoàn kết nội bộ… Do đó, cốt lõi là phải xác định rõ quyền hạn và nghĩa vụ trong từng công việc cụ thể, mạnh dạn giao nhiệm vụ cho cấp phó; đề cao vai trò giám sát của nhân dân cũng như các đoàn thể, qua đó giữ vững đoàn kết, thống nhất trong xã.
Chọn đúng người, giao đúng việcÔng Nguyễn Nghi Em, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Châu Phú cho biết: Mô hình Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND xã không phải là mới trong công tác cán bộ. Tuy nhiên, để triển khai ở tất cả các xã trong huyện như ở Châu Phú là vấn đề không đơn giản. Từ một xã thực hiện thí điểm năm 2010, đến nay, 13/13 xã, thị trấn của huyện Châu Phú đều thực hiện mô hình nhất thể hóa chức danh Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân.
Thực tế cho thấy, mô hình Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND xã có cơ cấu bộ máy gọn nhẹ, tạo sự thống nhất, đồng thuận từ việc ban hành chủ trương cho đến chỉ đạo thực hiện. Người đứng đầu cấp ủy và Ủy ban nhân dân xã nắm toàn diện tình hình chung, tiếp thu kịp thời tinh thần chỉ đạo của cấp trên, giải quyết nhanh vấn đề phát sinh tại cơ sở, qua đó tiết kiệm thời gian hội họp, phát huy tối đa năng lực của người đứng đầu cấp xã, thị trấn, khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm.
Một trong những xã khi triển khai mô hình đã có bước chuyển mạnh mẽ như xã Bình Mỹ khi đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Lan, một cán bộ trẻ năng động, nhiệt huyết làm Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã. Ðồng chí cùng tập thể lãnh đạo đưa Bình Mỹ trở thành xã có bước phát triển trong tốp đầu của toàn huyện. Hay như xã vùng sâu Bình Chánh, đồng chí Trần Minh Tâm sau khi đảm nhiệm thành công Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Ô Long Vĩ được luân chuyển về xã Bình Chánh. Ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, đồng chí đã cùng tập thể lãnh đạo xã Bình Chánh xây dựng xã nông thôn mới thành công...
Bà Lê Thị Kim Hồng, Phó Bí thư Huyện ủy Châu Phú cho biết, để mô hình nhất thể hóa chức danh Bí thư Ðảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã phát huy hiệu quả, quan trọng nhất là khâu lựa chọn cán bộ. Người đảm nhiệm chức danh này phải có năng lực lãnh đạo và quản lý điều hành, có khả năng bao quát công việc; phải quy tụ được cán bộ và quần chúng nhân dân, thể hiện được vai trò trung tâm đoàn kết. Vì vậy, cán bộ chủ chốt phải là người có đủ đức, đủ tài, không để sa vào tình trạng độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ. Cán bộ chủ chốt “hai vai” có số lượng công việc tăng, hội họp nhiều ở cả hai mảng cho nên huyện đã quyết định giảm hội họp. Văn bản, công văn thực hiện số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành từ huyện đến xã.
“Ngoài bố trí sắp xếp, kiêm nhiệm các chức danh cấp xã, thị trấn, huyện Châu Phú còn thực hiện Đề án sáp nhập Trung tâm Văn hóa với Trung tâm Thể thao thành Trung tâm Văn hóa - Thể thao. Sau khi sáp nhập, giảm còn 16/38 biên chế được giao trước đây. Đối với huyện thì việc tinh gọn bộ máy không chỉ giảm chi lương mà còn giảm chi thu nhập theo lương, hoạt động phí… và con số này là không nhỏ”, đồng chí Lê Thị Kim Hồng cho biết thêm.
Bài cuối: Cần cơ chế phù hợp