Nhân 45 năm giải phóng Gia Nghĩa: Thành phố trẻ đang vươn mình mạnh mẽ 

Ngày Gia Nghĩa được giải phóng (23/3/1975), không chỉ là mốc son lịch sử đánh dấu thời điểm Đắk Nông làm chủ hoàn toàn thế cuộc trên chiến trường Nam Tây Nguyên, tạo đà cho tổng tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), mà còn ghi dấu thời điểm Đắk Nông chuyển sang một trang sử mới - trang sử của độc lập, tự chủ và kiến thiết.

Chú thích ảnh
Quân giải phóng trong chiến dịch Tây Nguyên. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Sau 45 năm kể từ ngày được giải phóng, với sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh, Đắk Nông đã có những bước phát triển quan trọng. Từ một tỉnh có điều kiện đặc biệt khó khăn, Đắk Nông đã vươn lên mạnh mẽ và đạt được nhiều thành quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, đẩy mạnh công cuộc xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống của cộng đồng 40 dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh.

Ông Lê Trúc Phương, nguyên Bí thư Huyện ủy Đắk Nông (trước ngày 1/1/2004, Đắk Nông là một huyện thuộc tỉnh Đắk Lắk) là một nhân chứng lịch sử, một người lính tham gia giải phóng Gia Nghĩa. Ông cho biết: "45 năm sau ngày giải phóng, Gia Nghĩa đã thay đổi toàn diện và “khoác” lên mình một diện mạo hoàn toàn mới. Ngày 1/1/2020, Gia Nghĩa được “nâng cấp” lên thành phố và trở thành thành phố trẻ nhất của cả nước. Đây là niềm vui, niềm tự hào của mỗi người dân Đắk Nông nói chung, thành phố Gia Nghĩa nói riêng. Từ một vùng đất hoang sơ, địa hình đồi dốc, thời điểm ta tiếp quản sau ngày giải phóng hầu như là “vườn không nhà trống”, Gia Nghĩa đã thay đổi toàn diện và xứng đáng là trung tâm của tỉnh Đắk Nông. Tôi chứng kiến từng ngày sự thay đổi nơi đây, từ cơ sở hạ tầng, diện mạo đô thị cho đến đời sống người dân và luôn hãnh diện về quê hương thứ hai của mình”.

Chia sẻ những trăn trở về sự phát triển, đi lên của tỉnh, ông Lê Trúc Phương cho rằng, thế hệ trẻ phải tiếp tục phấn đấu, ra sức học tập, rèn luyện để xứng đáng hơn với những hy sinh, xương máu của các thế hệ cha anh trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Chính những người trẻ tuổi là người chủ tương lai và sẽ góp phần xây dựng Đắk Nông ngày càng phát triển, hòa chung với sự phát triển đi lên của cả nước.

Còn ông Nguyễn Văn Khanh, một nhân chứng lịch sử ngày giải phóng Gia Nghĩa cho rằng, bên cạnh các thành quả quan trọng đã đạt được, Đắk Nông cần tập trung giải quyết nhiều vấn đề nổi lên trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng an ninh. Đáng chú ý như vấn đề ổn định đời sống của dân di cư không theo quy hoạch. Tỉnh cần chú trọng hơn đến công tác bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển các ngành công nghiệp thế mạnh như khai thác bô xít, chế biến alumin, luyện nhôm; chế biến nông lâm sản; xây dựng, vận hành các nhà máy thủy điện… đảm bảo quá trình phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, không tác động xấu đến môi trường tự nhiên.

Theo ông Ngô Thanh Danh, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông, từ một địa phương khó khăn phía Nam Tây Nguyên với xuất phát điểm thấp, Đắk Nông đã vươn mình mạnh mẽ, nhất là sau ngày tái lập tỉnh (1/1/2004). Nhờ sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Trung ương và sự nỗ lực, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền, quân dân, Đắk Nông đã hòa chung với sự phát triển của cả nước với những thành tích quan trọng. Tổng thu ngân sách nhà nước thời điểm thành lập tỉnh (2004) chỉ đạt 75 tỷ đồng, còn năm 2019 đạt gần 3.000 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay gần 46 triệu đồng, xếp thứ 39/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, thoát khỏi nhóm tỉnh có thu nhập bình quân đầu người thấp. Tỷ lệ hộ nghèo cũng được kéo giảm, từ hơn 30% vào năm 2004 xuống còn hơn 10% vào năm 2019.

Hiện nay, 3 trụ cột chính mà Đắk Nông xác định tập trung để phát triển là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp khai thác bô xít, chế biến alumin, luyện nhôm và tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tỉ trọng của thương mại, dịch vụ, nhất là du lịch sinh thái. Đảng bộ tỉnh Đắk Nông xác định, Đại hội XII sắp đến, tỉnh cần xác định một số khâu đột phá như: Xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông – vận tải; phát triển giáo dục – đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đột phá trong công nghiệp luyện nhôm, phát triển năng lượng tái tạo.

Hưng Thịnh (TTXVN)
Ươm mầm xanh cho núi rừng Tây Nguyên
Ươm mầm xanh cho núi rừng Tây Nguyên

Những năm trở lại đây, công cuộc gìn giữ và bảo vệ rừng ở Tây Nguyên nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng đang diễn ra hết sức nóng bỏng. Bên cạnh nỗ lực bảo vệ hàng ngàn ha diện tích rừng hiện có, tỉnh Kon Tum đã và đang nỗ lực phủ xanh đất trống đồi trọc bằng hàng trăm ha rừng trồng. Công cuộc ươm mầm xanh cho núi rừng ở tỉnh Kon Tum đang ngày càng cho thấy kết quả tốt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN