Gần đây nhất, tôi có dịp gặp nhà báo Trần Mai Hạnh là khi báo Tin tức tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm ngày ra số báo đầu tiên (14/5/1983-14/5/2023). Trước hôm diễn ra buổi lễ (ngày 12/5/2023), tôi được lãnh đạo báo phân công liên lạc lại với nhà báo Trần Mai Hạnh xem ông có thể tham dự được hay không vì khi đó gia đình đang có chuyện buồn. Suy nghĩ mãi, tôi mới quyết định bấm máy điện thoại. Sau lời chào, tôi dè dặt nói: “Chú ơi, cháu đây ạ. Cháu biết chú và gia đình đang trải qua chuyện rất buồn. Một lần nữa, cháu xin chia buồn cùng chú. Mai là ngày kỷ niệm báo Tin tức ra số đầu tiên, chú có thể…”, tôi ngập ngừng nghẹn lại, rồi ngưng hẳn.
Ở đầu điện thoại bên kia, dường như biết tôi đang muốn hỏi điều gì, ông trấn an tôi: “Có chứ, chú sẽ tham dự chứ. Việc quan trọng như thế, sao chú có thể không có mặt. Còn chuyện gia đình chú, mọi thứ cũng đã hoàn tất rồi…”. Tôi thấy khoé mắt mình cay cay. Tình cảm mà nhà báo Trần Mai Hạnh dành cho báo Tin tức luôn đong đầy, thấm đẫm tình mến thương, trân trọng và nồng ấm như thế!
Tình cảm đặc biệt đối với báo Tin tức của nhà báo Trần Mai Hạnh, tôi và các đồng nghiệp càng cảm nhận rõ hơn khi mỗi lần được Ban biên tập giao “đặt lịch hẹn phỏng vấn”, ông coi chúng tôi như “người nhà”, luôn dành sự quan tâm sâu sắc. Ông thường nói với tôi rất thân tình: “Cháu qua nhà chú, lúc nào tiện cho cháu ấy, sau giờ làm việc của cháu cũng được, chú cháu mình nói chuyện. Không lo muộn nhé”. Đó là những lời nói khiến tôi, thế hệ làm báo sau chú rất nhiều năm, trước một “bậc tiền bối” cảm thấy rất ấm áp, gần gũi, để cuộc gặp sau đó thật sự là những giây phút “trải lòng” của “người trong cùng một ngôi nhà Tin tức”.
Trong những lần phỏng vấn ông, tôi nhớ nhất hai lần. Lần thứ nhất, đó là vào chiều thu ngày cuối tuần tháng Tám năm 2018. Trong căn nhà ở một con ngõ trên phố Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội), tôi được nghe ông nói về cuốn sách “Thời tôi sống” do Nxb Chính trị quốc gia Sự thật phát hành (Trong 5 năm, từ 2014-2019, nhà báo Trần Mai Hạnh lần lượt cho ra mắt bạn đọc 4 cuốn sách: Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75, Lời tựa một tình yêu, Thời tôi sống, Viết và Đối thoại). Cuốn sách dày trên 300 trang, gồm 16 tác phẩm, trong đó 12 tác phẩm viết ở chiến trường Quảng Đà (1968 – 1969), 4 tác phẩm viết trong giai đoạn 1970 – 1975.
Tôi đã rất xúc động khi nghe ông lý giải vì sao cuốn sách lại được xuất bản vào đúng dịp Cách mạng Tháng 8. Năm mươi năm đã qua, kể từ khi tham gia chiến trường Quảng Đà, ông vẫn chưa hề nguôi ngoai về một thời bi tráng, mỗi chiến trường đi qua, có bao đồng đội đã vĩnh viễn nằm xuống cho cuộc kháng chiến đầy khốc liệt, gian khổ nhưng anh hùng. “Viết lại những câu chuyện này từ rất nhiều trang nhật ký và tư liệu ghi chép từ những ngày là phóng viên chiến trường, tôi cảm thấy được an ủi và yên lòng phần nào, như vợi đi “món nợ” với đồng đội, chiến sĩ mà tôi luôn canh cánh bên lòng...”, ông nói.
Xúc động hơn nữa khi tôi được ông cho xem những trang nhật ký, những lá thư ông viết trong những ngày tháng bom đạn ác liệt ở chiến trường. Những lá thư được viết bằng nét chữ rất đẹp trên khổ giấy nhỏ đã chuyển màu úa vàng. Đặc biệt, có một lá thư viết kín 6 trang giấy pơ-luya nhưng không hề được gửi đi.
Lá thư ấy, ông viết cho người yêu đầu tiên, đúng vào ngày sinh nhật lần thứ 26 (ngày 1/1/1969) khi “một mình nguỵ trang ẩn nấp trong bụi điền thanh cô độc giữa cánh đồng chết chóc của chiến tranh”, trong tiếng rít của động cơ máy bay săn lùng, tiếng rốc két, tiếng bom và đạn pháo dội xuống xóm làng Điện Thái, Điện Bàn, Quảng Nam. Trong thư có đoạn: “Anh đi chiến dịch, lăn lộn với các chiến sĩ, lấy tài liệu, suy nghĩ, viết lách được rất nhiều và trong lòng lúc nào cũng cháy bỏng những khát vọng về cuộc sống, sự nghiệp và cả những con đường đi...”; “Những thôn xóm anh đi qua, những làng mạc anh đã sống, những vùng đất anh đã chiến đấu... đâu đâu cũng ngời ngợi một sức sống mới, đâu đâu cũng xanh lên, vang lên tiếng gọi thật thiết tha đối với cuộc sống của Tổ quốc chúng ta...”.
Tình yêu, lý tưởng nghề nghiệp và về cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc đã khiến những dòng thư trở nên lấp lánh. Bức thư ấy, sau gần năm mươi năm mới được công bố, có thể nào không gợi nhiều cảm xúc trong lòng người!
Nhưng xúc động hơn nữa là khi nghe ông kể về tình yêu, sự thấu hiểu, bao dung của người vợ ông sau này: "Trước khi lấy nhà tôi bây giờ, tôi đã nói với cô ấy, em hãy cầm những lá thư này và cả những tập nhật ký anh viết từ thời sinh viên về đọc. Nếu sau khi đọc mà em thấy có thể “chấp nhận” được và cho anh giữ lại thì chúng ta sẽ làm đám cưới vì những trang nhật ký và cả những bức thư tình mà anh chép lại trước khi gửi là tài sản tâm hồn quí giá cho sự nghiệp viết văn sau này của anh. Rất may là sau đó, có thể vì vừa là một nhà giáo vừa là nhà thơ nên sau khi cân nhắc mọi nhẽ nhà tôi đã đồng ý và đã giữ gìn cho tôi tất cả những tài liệu, kỷ vật sau bao biến cố thăng trầm của gia đình".
Kết thúc cuộc phỏng vấn cũng khá muộn, sang cả “giờ cơm tối” nhưng ông vẫn luôn nhắc tôi đừng có băn khoăn gì cả và còn dặn, cần gì thêm thì cứ gọi cho ông. Tôi cứ nhớ mãi hình ảnh ông giản dị đứng ở cửa lúc tiễn tôi ra về. Nhớ mãi một cựu phóng viên chiến trường, một nhà báo dày dạn kinh nghiệm cả trong thời chiến cũng như thời bình và cả câu chuyện xúc động trong một buổi chiều tháng Tám.
Lần thứ hai, sau đó chừng gần một năm, vào tháng 6/2019 – đúng dịp kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, ông ra mắt cuốn sách “Viết và Đối thoại” (Nxb Chính trị quốc gia Sự thật), tôi lại có dịp được gặp ông. “Viết và Đối thoại” dày gần 900 trang, gồm 118 tác phẩm là những bài báo tiêu biểu, tiểu luận, tham luận và các bài viết về nhà báo Trần Mai Hạnh được tuyển chọn. Lần gặp này, tôi đã được nghe ông nói về nghề làm báo, nghề mà với ông là “duyên” và cũng là “nghiệp”. Vẫn phong cách trầm lặng, nhỏ nhẹ, ông nói về nghề báo mình theo đuổi rất đỗi chân thật: Nếu “Thời tôi sống” là những trang nhật ký văn chương gần như tự truyện về những năm tháng chiến tranh đã đi qua cuộc đời tôi, thì “Viết và Đối thoại” có thể xem là nhật ký bằng các tác phẩm báo chí về cuộc đời làm báo nhiều sóng gió thăng trầm của tôi.
Say mê văn học từ nhỏ, nhà báo Trần Mai Hạnh theo đuổi giấc mộng văn chương khi học Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội). Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước sang một giai đoạn mới, nhà trường cho tốt nghiệp sớm một năm, ngay sau đó ông trở thành phóng viên chiến trường của Việt Nam thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam). Trong mười năm (từ 1965-1975), nhà báo Trần Mai Hạnh đã có mặt tại các trận địa: Hải Phòng (1966-1967), Quảng Đà (Bắc Quảng Nam - Đà Nẵng) những năm 1968-1969. Ông cũng là một trong những phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam được cử tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, viết bài tường thuật đầu tiên về những giờ phút lịch sử trưa ngày 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập.
Trải qua những năm tháng là phóng viên chiến trường, nếm trải sự khốc liệt giữa lằn ranh sự sống và cái chết, với những trăn trở về nghề, ông quan niệm “Nghề báo gắn với sự kiện. Nhà báo không ký tên vào lịch sử, họ chỉ để lại tên tuổi của mình trong lịch sử chiến công của người khác”.
Ông cũng khẳng định: “Một tác phẩm báo chí có sức sống, có sức lay động dư luận xã hội, được đông đảo bạn đọc đồng tình, trước hết phải lựa chọn và đề cập đúng vấn đề do thực tiễn cuộc sống đặt ra, với sự chắt lọc tư liệu trong quá trình khảo sát thực tiễn công phu, với sự đầu tư trí tuệ của người viết bằng tất cả sự say mê nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của tác giả”.
Với ông, cả viết báo và viết văn chưa khi nào hết thôi thúc, như ông từng chia sẻ: “Cuộc đời làm báo của tôi không chỉ có vinh quang mà còn có không ít đắng cay, kể cả tai nạn nghề nghiệp và những hệ luỵ. Nhưng với niềm tin không gì lay chuyển với lý tưởng cao đẹp mà mình đã chọn lựa, tôi đã đứng vững, vượt qua mọi thử thách để sống tốt và tiếp tục lao động trên cánh đồng chữ nghĩa với những ước vọng văn chương tôi hằng theo đuổi từ thời còn niên thiếu”.
Đúng là như thế, nghề báo với ông “không chỉ có vinh quang mà còn có không ít đắng cay”. Nhưng với những gì làm được trong suốt cuộc đời làm báo của mình, ông đã rất trọn vẹn với nghề; thật sự là người cần mẫn “lao động trên cánh đồng chữ nghĩa”!
Nhà báo Trần Mai Hạnh sinh ngày 1/1/1943 tại Hải Dương, mất ngày 2/4/2024.
- Năm 1965, ông tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội), sau đó ông trở thành phóng viên chiến trường của Việt Nam thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam).
- Từ 1965-1975, nhà báo Trần Mai Hạnh đã có mặt tại các trận địa: Hải Phòng, Quảng Đà (Bắc Quảng Nam - Đà Nẵng); tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, viết bài tường thuật đầu tiên về những giờ phút lịch sử trưa ngày 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập.
- Nhà báo Trần Mai Hạnh đã xuất bản các tác phẩm như: “Nắng Thu Bồn,” “Tình yêu và án tử hình,” “Sụp đổ và tự thú” (1985), “Ngày tận thế,” “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” (2014), “Lời tựa một tình yêu,” “Thời tôi sống” (2018), “Viết và Đối thoại” (2019).
- Một số giải thưởng: Giải thưởng Cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ (1970-1971); Giải thưởng Văn học năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam; Giải thưởng Văn học ASEAN 2015.