'Viết và Đối thoại' - những lát cắt trong sự nghiệp của nhà báo Trần Mai Hạnh

Với nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh, văn và báo dường như không có ranh giới rõ ràng. “Chất văn” và “chất báo” kết hợp một cách tự nhiên, nhuần nhuyễn và hài hòa trong mỗi tác phẩm của ông.

Đó là lời tựa trong cuốn sách “Viết và Đối thoại” của nhà báo Trần Mai Hạnh do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành. Cũng trong lời giới thiệu về cuốn sách này, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật khẳng định: “Người ta tìm thấy ở Viết và Đối thoại một Trần Mai Hạnh dấn thân và trăn trở, canh cánh với nghề cầm bút. Ông quan niệm “Nghề báo gắn với sự kiện. Nhà báo không ký tên vào lịch sử, họ chỉ để lại tên tuổi của mình trong lịch sử chiến công của người khác”. 

Chú thích ảnh
Cuốn sách “Viết và Đối thoại” của nhà báo Trần Mai Hạnh.

Theo ông: “Một tác phẩm báo chí có sức sống, có sức lay động dư luận xã hội, được đông đảo bạn đọc đồng tình, trước hết phải lựa chọn và đề cập đúng vấn đề do thực tiễn cuộc sống đặt ra, với sự chắt lọc tư liệu trong quá trình khảo sát thực tiễn công phu, với sự đầu tư trí tuệ của người viết bằng tất cả sự say mê nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của tác giả”. Do vậy, mỗi bài báo của ông đều phập phồng hơi thở cuộc sống, vấn đề đề cập tới được mổ xẻ dưới nhiều chiều cạnh, tầng nấc như một tiểu luận có chiều sâu khoa học và ý nghĩa xã hội. 

Và quả thật, những tác phẩm báo chí và cả những tác phẩm văn học của ông cho thấy một cây bút đa tài.

Nhà báo Trần Mai Hạnh, nguyên phóng viên Thông Tấn xã Việt Nam, sau này là Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam, sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (năm 1965), đã trở thành phóng viên chiến trường. Chính nơi chiến trường đầy bom đạn và khói súng ấy, là cơ hội để ông có thể viết nhiều tác phẩm báo chí có giá trị lịch sử, giàu chất liệu văn học và để lại dấu ấn với bạn đọc.

Sau bộ ba tác phẩm “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”, “Lời tựa một tình yêu”, “Thời tôi sống”, ông lại tiếp tục cho ra mắt cuốn sách “Viết và Đối thoại” (đều của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát hành) dày gần 900 trang, gồm 118 tác phẩm là những bài báo, tiểu luận, tham luận và các bài viết về nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh được tuyển chọn, chia làm 3 phần. Phần một: Báo chí; Phần hai: Phát biểu - Tham luận - Đối thoại và Phần ba là Phụ lục: Tác phẩm và Dư luận.

Nói về “Viết và đối thoại”, ông chia sẻ: “Nếu “Thời tôi sống” là những trang nhật ký văn chương gần như tự truyện về những năm tháng chiến tranh đã đi qua cuộc đời tôi, thì “Viết và Đối thoại” có thể xem là nhật ký bằng các tác phẩm báo chí về cuộc đời làm báo nhiều sóng gió thăng trầm của tôi…” và “Những tác phẩm trong “Viết và Đối thoại” là lát cắt những khoảnh khắc cuộc sống đọng lại cuộc đời làm báo của tôi trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, trong ngày hòa bình đầu tiên, trong những năm dài vật lộn với khó khăn, thiếu thốn thời bao cấp bị bao vây cấm vận, trong những năm đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, mở cửa và hội nhập”.

Đúng là như thế. Những tác phẩm trong cuốn sách ở phần 1 - Báo chí là “lát cắt những khoảnh khắc cuộc sống đọng lại” rất đáng trân trọng của người cầm bút trước những thời điểm - khoảnh khắc lịch sử, và là dấu ấn cá nhân của nhà báo Trần Mai Hạnh.

Ông đã có mặt ở nhiều vùng, miền của đất nước, trong những năm tháng lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước như: Hải Phòng (1966-1967), Quảng Đà (Bắc Quảng Nam - Đà Nẵng) những năm 1968-1969. Ông cũng là một trong những phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam được cử tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, là nhân chứng có mặt và viết bài tường thuật đầu tiên về những giờ phút lịch sử trưa ngày 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập.

Khi xây dựng Nhà máy thuỷ điện Thác Bà, ông cũng đã có mặt ở công trình lịch sử này. Đó là những ngày tháng 8/1971, ông bám sà lan chở máy ngược dòng sông Hồng lên công trình, đúng thời điểm trận lũ lịch sử vùng Đồng bằng sông Hồng. Sau chuyến đi ấy, ông viết bài “Chào mừng dòng điện sông Chảy” đăng ở Bản tin trong nước của Việt Nam Thông tấn xã, ngày 4/10/1971 và được báo Tổ quốc đăng lại ngay sau đó với đầu đề “Ánh sáng Thác Bà”. 

Rồi khi đến với Hội An năm 1983, trong một chuyến thăm lại chiến trường xưa, đúng vào lúc đợt khảo sát, điều tra về khu đô thị cổ, ngay từ khi đó, ông đã nói, niềm lạc quan, phấn khích của Kiến trúc sư trưởng người Ba Lan Kadimie Kviacốpxki, Trưởng đoàn chuyên gia Ba Lan đã truyển cảm hứng mạnh mẽ, khiến ông khi đó đứng giữa một Hội An “còn hằn sâu vết tích chiến tranh, còn thiếu ăn, đang vật lộn với khó khăn thời bao cấp” đã khẳng định trong bài viết của mình chẳng bao lâu nữa nơi đây sẽ trở thành một trong những địa điểm du lịch tuyệt vời nhất, đáng trả nghiệm nhất của du khách. Và điều ấy đã trở thành sự thật. Chuyến đi ấy, nhà báo Trần Mai Hạnh viết bài “Đô thị cổ Hội An” đăng trên báo Tuần Tin tức (TTXVN) số 34, ra ngày 31/12/1983.

Phần II của cuốn sách, bằng việc tuyển chọn những bài phát biểu, tham luận, đối thoại, cho thấy một hoạt động khác cũng rất dày công của nhà báo Trần Mai Hạnh. Trong số đó, có nhiều bài tham luận về công tác báo chí như: Cần đổi mới cách nhìn và thái độ đối với thông tin; Nâng ống kính lên ngang tầm thời đại; Hiện đại hoá Đài quốc gia - Xây dựng tổ hợp truyền thông đa phương tiện; Báo chí ASEAN trong thế kỷ XXI: “Những thách thức và triển vọng”; “Nghề báo gắn với sự kiện. Nhà báo không ký tên vào lịch sử, họ chỉ để lại tên tuổi mình trong lịch sử chiến công của những người khác”…

Đặc biệt, có những bài phát biểu, mà thực chất là đối chất cho thấy trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân, trách nhiệm của nhà báo trước những vấn đề gai góc cần tính phản biện cao, với chính kiến, thái độ đứng về chân lý và lẽ phải. Vì thế, bài phát biểu có sức nặng, mang trong đó thông điệp phản biện sắc bén.

Đó là bài “Còn hơn cả “sự im lặng đáng sợ” được nhà báo Trần Mai Hạnh phát biểu tại cuộc đối thoại căng thẳng ngày 28/7/1987 giữa lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá và lãnh đạo cơ quan báo chí trung ương về vấn đề tiêu cực ở Thanh Hoá, sau gần một năm kể từ lúc báo Tuần Tin tức đăng bài “Cướp cạn giữa ban ngày”. Đây là bài viết mà theo nhà báo Trần Mai Hạnh là được xem như “phát súng mở đầu cuộc đấu tranh chống tiêu cực ở Thanh Hoá, bài viết góp phần khẳng định tên tuổi của báo Tuần Tin tức ở mảng chống tiêu cực thời điểm bấy giờ.

Bài phát biểu này đã được TTXVN và báo Tuần Tin tức công bố toàn văn tháng 1/1988 và in trong cuốn Một thập kỷ những bài báo hay của Nhà xuất bản Thanh niên, năm 1999.

Phần sau cùng của cuốn sách là phần phụ lục “Tác phẩm và dư luận”, được tác giả chọn và tập hợp các bài viết, đánh giá và nhận định về ba cuốn sách trước đó của mình là “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”, “Lời tựa một tình yêu”, “Thời tôi sống” đã được đăng trên nhiều ấn phẩm báo chí. 

Nói về những bài viết này, nhà báo Trần Mai Hạnh luôn thể hiện sự khiêm nhường và trân trọng các đồng nghiệp của mình, trong đó có những đồng nghiệp tuổi đời còn rất trẻ và cũng “bày tỏ sự hàm ơn tới các nhà báo, nhà văn với sự cảm thông, ưu ái đã viết về tôi và tác phẩm của tôi. Chính các bài viết, các cuộc phỏng vấn, đối thoại của các bạn đồng nghiệp dành cho tôi hiện diện không ít trong “Viết và Đối thoại”, đã làm nên gương mặt và diện mạo của cuốn sách này”. 

Nhưng những bài viết của nhiều nhà báo về những cuốn sách trước đó của ông, thực chất không phải sự “ưu ái”, bởi ông đã làm việc không ngừng nghỉ và bằng chứng là trong 5 năm liền có thể cho ra mắt bạn đọc những cuốn sách có giá trị. Đặc biệt trong số 3 tác phẩm ấy, cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” (xuất bản tháng 4/2014) đã giành được “Giải thưởng Văn học năm 2014” của Hội Nhà văn Việt Nam, “Giải thưởng Văn học ASEAN” năm 2015. Năm 2017 cuốn “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” (Phiên bản tiếng Anh) ra mắt bạn đọc trong nước và thế giới và đầu năm 2019 này, cuốn “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” đã ra mắt phiên bản tiếng Lào.

Hiện nay, ông đang hoàn thiện để có thể ra mắt bạn đọc sớm nhất tiểu thuyết “Sống đến bình minh”.

Như vậy, có thể nói, với nhà báo - nhà văn Trần Mai Hạnh, viết báo và viết văn chưa khi nào hết thôi thúc. Đúng như ông chia sẻ: “Cuộc đời làm báo của tôi không chỉ có vinh quang mà còn có không ít đắng cay, kể cả tai nạn nghề nghiệp và những hệ luỵ. Nhưng với niềm tin không gì lay chuyển với lý tưởng cao đẹp mà mình đã chọn lựa, tôi đã đứng vững, vượt qua mọi thử thách để sống tốt và tiếp tục lao động trên cánh đồng chữ nghĩa với những ước vọng văn chương tôi hằng theo đuổi từ thời còn niên thiếu”. 

Hoàng Linh/Báo Tin tức
Những lá thư tình để lại
Những lá thư tình để lại

Có những bức thư tình và bài thơ tình viết ở chiến trường chưa kịp gửi thì người viết đã hy sinh, lại có những bức thư tình viết trong bom đạn ngay trên lằn ranh sống – chết nhưng rồi không gửi. Niềm tâm sự giấu kín, chỉ có tình yêu lặng lẽ vẫn cháy bỏng qua tháng năm...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN