Trong số đó, những tác phẩm ảnh thể hiện tinh thần quả cảm "Địch phá, ta cứ đi" - trên mặt trận giao thông vận tải của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của ông đã vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.
"Địch phá, ta cứ đi"
Chia sẻ về hoàn cảnh ra đời của những tác phẩm ảnh trong bộ ảnh được trao Giải thưởng Nhà nước lần này, Nhà báo Đinh Quang Thành kể, những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, địch phát hiện quân đội ta đưa vũ khí từ miền Bắc vào chi viện cho miền Nam, nên chúng tập trung đánh vào mặt trận giao thông vận tải, nhằm ngăn chặn việc đưa người và vũ khí vào miền Nam. Chúng liên tục tấn công trên các tuyến sông, phá hỏng cầu phà hòng ngăn chặn không cho xe chở vũ khí, lương thực vào miền Nam.
Những năm tháng ấy, trên trận tuyến giữ vững mạch máu giao thông, quân và dân ta ngày đêm bám cầu, bám phà, bám đường với quyết tâm: Địch phá cầu này ta có ngay cầu khác, địch phá đường này, ta có ngay đường khác thay thế. Chúng bắn phá bến phà này, có ngay bến phà khác sang sông. Địch đánh ngày, ta làm đêm; địch đánh đêm, ta làm ngày, có những lúc địch cứ đánh ta cứ làm…
Thời điểm đó, nhà báo Đinh Quang Thành là phóng viên thường trú của TTXVN tại tỉnh Hà Nam Ninh (nay là các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình), ông thường xuyên có mặt ở các tuyến giao thông trọng điểm làm nhiệm vụ chụp ảnh, lấy tư liệu gửi về tổng xã. Bộ ảnh "Địch phá, ta cứ đi", được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật gồm những bức ảnh ông chụp trong những năm tháng gắn bó với mảnh đất Hà Nam Ninh ngày ấy.
Nhà báo Đinh Quang Thành cho biết, bộ ảnh được trao tặng Giải thưởng lần này gồm 5 ảnh, đều theo chủ đề về giao thông. Trong đó, bức ảnh "Đường ra tiền phương" với hình ảnh một nữ thanh niên xung phong đầu đội mũ cối, vai mang súng, trên lưng quàng tấm nilon trong suốt, tay cầm cờ lệnh chỉ đường cho các đoàn xe ra trận đã gây ấn tượng đặc biệt với người xem. Trong khung cảnh tối đen như mực, người xem không nhìn thấy xe, chỉ thấy những vệt sáng le lói của những chiếc đèn gầm và tấm lưng của nữ thanh niên xung phong hiên ngang, kiên cường làm nhiệm vụ trong đêm…
Nhà báo Đinh Quang Thành nhớ lại, đó là một đêm tháng 6/1966, ông đến cầu Gián Khuất, đoạn qua sông Đáy trên quốc lộ 1A đúng ngày nữ thanh niên xung phong Nguyễn Thị Phúc trúng bom, hy sinh khi làm nhiệm vụ chỉ đường cho các đoàn xe qua cầu phao trong đêm. Ngay sau đó, nhiều đội viên nữ trong đơn vị đã tiếp tục xung phong làm nhiệm vụ nguy hiểm đó. Bức ảnh "Đường ra tiền phương" ông chụp một nữ thanh niên xung phong làm nhiệm vụ thay người đồng đội Nguyễn Thị Phúc đã hy sinh.
Bức ảnh "Băng qua bom đạn địch trên kênh nhà Lê, các đoàn thuyền chở vũ khí, lương thực từ Hà Nam Ninh vào khu 4" giữa đạn khói mù mịt, cho thấy sự khốc liệt của cuộc chiến trên mặt trận giao thông vận tải lúc bấy giờ.
Bức ảnh "Địch phá, ta cứ đi" với hình ảnh những chiếc xe vận tải đi trên cầu treo qua sông, bên cạnh đó là một cây cầu đã bị bom đánh sập. Một bức ảnh khác cũng về những cây cầu phao, một bên cầu xe vận tải đang đi qua, một bên cầu bị địch phá hỏng, quân và dân ta đang khẩn trương sửa chữa. Theo Nhà báo Đinh Quang Thành, thời điểm đó, tỉnh Hà Nam Ninh nổi tiếng trong việc đảm bảo giao thông vận tải chống Mỹ. Nhiều loại cầu bằng các vật liệu khác nhau đã được sáng tạo, có nơi địch đánh sập một cầu, ta có ngay hai cây cầu thay thế.
Một trong những tác phẩm ảnh mà Nhà báo Đinh Quang Thành tâm đắc trong bộ ảnh được giải lần này, là bức ảnh về cây cầu phao bằng thuyền nan có tải trọng lớn. Ông cho biết, đây là cây cầu tre duy nhất trong kháng chiến chống Mỹ. Người dân vùng chiêm trũng Nam Hà đều tham gia làm cầu, thực hiện cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện. Khi đó, thiếu gỗ làm cầu, người dân Nam Hà đã chặt tre đóng thành những chiếc thuyền, dùng thuyền xếp lại thành phao để làm cầu cho xe qua sông.
"Cây cầu phao đặc biệt đó được ghép lại từ hàng trăm chiếc thuyền nan. Để đảm bảo bí mật và không bị địch phát hiện, ban ngày, những chiếc thuyền nan được người dân di tản, ngụy trang, ẩn nấp dưới những bụi cỏ ven sông. Đến khi trời tối, theo tiếng còi hiệu lệnh, những chiếc thuyền lại lặng lẽ xuất hiện, xếp thành cây cầu phao để các đoàn xe vận tải qua sông. Để chụp được bức ảnh đặc biệt đó, tôi đã phải lên kế hoạch và chụp rất cẩn thận, cũng rất vất vả", Nhà báo Đinh Quang Thành chia sẻ.
Vinh quang của người chép sử bằng hình ảnh
Có thể nói, Nhà báo - Nghệ sỹ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành thuộc lớp những nhà nhiếp ảnh gạo cội của TTXVN. Ông đã cùng với các đồng nghiệp - một lớp các nhà nhiếp ảnh tài năng, tâm huyết góp phần vào công việc gian khó và vinh quang của những người "chép sử bằng hình ảnh" trong thời đại của mình.
Nhớ lại những năm tháng thường xuyên lăn lộn ở các bến phà, cầu, đường làm nhiệm vụ, Nhà báo Đinh Quang Thành không khỏi bồi hồi. Ông cho biết, để chụp được những bức ảnh có giá trị lịch sử đó, ông đã phải nằm vùng, lăn xả vào những điểm nóng, đối mặt với nguy cơ có thể hy sinh bất cứ khi nào. Ông thường xuyên thức đêm cùng các thanh niên xung phong, bám theo những đoàn thuyền để đi "săn" ảnh trên kênh nhà Lê giữa lúc địch ném bom đánh phá.
"Trải qua nhiều chuyến công tác, gắn bó với quân và dân ở địa phương, tôi đã học tập được rất nhiều. Gần gũi bà con địa phương, tôi như được truyền thêm lòng tin và sức mạnh cũng như lòng dũng cảm, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, để chụp và lưu giữ lại những khoảnh khắc vàng, những sự kiện đặc biệt gắn với lịch sử dân tộc", Nhà báo Đinh Quang Thành chia sẻ.
Là phóng viên chiến trường, trong suốt mấy chục năm cầm máy, Nhà báo Đinh Quang Thành đã lưu giữ được rất nhiều hình ảnh quý về cuộc chiến đấu giành độc lập cho đất nước. Có thể kể đến bộ ảnh ông chụp cảnh bệnh viện Bạch Mai bị bom B52 của Mỹ san phẳng trong 12 ngày đêm của chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, năm 1972 ở Hà Nội. Rồi những bức ảnh lịch sử khi ông tham gia "Tổ mũi nhọn" của TTXVN theo bộ đội vào Giải phóng Sài Gòn tháng 4/1975 như bức ảnh lịch sử về người lính xe tăng tại Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975; hình ảnh các chiến sỹ quân Giải phóng hành tiến trên xa lộ, chiếm sân bay Tân Sơn Nhất; hay cảnh người dân Sài Gòn đổ ra đường đón chào đoàn quân Giải phóng… Có thể nói, những bức ảnh của ông là những câu chuyện lịch sử bằng hình ảnh của phóng viên chiến trường, là chứng tích về thời khắc lịch sử gian khổ và hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Khi đất nước hòa bình, Nhà báo - Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Đinh Quang Thành lại tiếp tục sáng tác nhiều tác phẩm ảnh đẹp về cuộc sống và con người ở khắp mọi miền đất nước.
Lật giở tấm bản đồ cũ kỹ, hằn nếp gấp và chằng chịt những đường kẻ vẽ bằng bút dạ đen, Nhà báo Đinh Quang Thành tự hào khoe: "Tấm bản đồ này, tôi giữ đã mấy chục năm nay. Mỗi khi đặt chân đến một vùng nào đó, tôi lại lấy bút đánh dấu vào trên đó. Đến bây giờ, những nét vẽ đã phủ gần như kín bản đồ. Từ Cột cờ Lũng Cú cho đến mũi Cà Mau, từ cực Đông đến cực Tây, từ đất liền đến biển đảo… Các tuyến đường Trường Sơn, đường ven biển, tôi đều đã đi qua và đánh dấu cẩn thận".
Đến nay, dù đã gần 90 tuổi, cái tuổi "xưa nay hiếm", Nhà báo Đinh Quang Thành vẫn thường cùng các đồng nghiệp của mình rong ruổi đến nhiều nơi để khám phá, ghi lại những hình ảnh đẹp và có giá trị trên khắp mọi miền đất nước.
Trong cuộc đời cầm máy của mình, Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Đinh Quang Thành đã giành được hơn 30 giải thưởng về nhiếp ảnh trong nước và quốc tế. Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật lần này là một sự ghi nhận xứng đáng của Đảng, Nhà nước cho tài năng và lao động nghệ thuật bền bỉ của ông.