Theo số liệu của Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam, 70 mươi năm qua, đã có trên 65 vạn nam, nữ thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu, trực tiếp chiến đấu, lao động sáng tạo với tinh thần dũng cảm, hy sinh. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới, gần 39 vạn nam, nữ Thanh niên xung phong đã làm nhiệm vụ trên các chiến trường, trong đó có hơn 6 nghìn người hy sinh, trên 40 nghìn người bị thương, trên 14 nghìn người bị nhiễm chất độc dacam/dioxin.
Theo ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam, hiện hầu hết thanh niên xung phong không còn giấy tờ gì. Nhiều người được công nhận và nhận chế độ một lần được 3,5 - 4 triệu đồng. Nguyện vọng lớn nhất của thanh niên xung phong là có “Huy chương thanh niên xung phong vẻ vang”, được đưa vào danh mục huân, huy chương cấp Nhà nước.
Những mong mỏi ấy của lực lượng thanh niên xung phong đã được Bộ Nội vụ đưa vào nội dung của dự án Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi đang trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ hai.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, cơ quan soạn thảo đề xuất khen thưởng Huy chương thanh niên xung phong vẻ vang xuất phát từ kết luận của Ban Bí thư ngày 7/2/2017 về việc giao cho Ban cán sự đảng Chính phủ nghiên cứu xây dựng Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi và cho chủ trương tặng Huy chương thanh niên xung phong vẻ vang với lực lượng Thanh niên trong thời kỳ kháng chiến cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xuất phát từ chủ trương của Ban Bí thư, Chính phủ đã đưa nội dung này vào dự án Luật.
Tuy nhiên, nội dung này khi đưa vào cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhiều ý kiến không đồng thuận ngay từ khi lấy ý kiến ban đầu để xây dựng dự án Luật. Bộ Nội vụ đã lấy ý kiến của 138 bộ, ban, ngành, đoàn thể và địa phương, có 79 bộ, ban, ngành, địa phương cho ý kiến và chỉ có 17 ý kiến đồng ý, còn lại cơ bản không đồng thuận vì cho rằng thanh niên xung phong đã được hưởng đầy đủ chính sách theo quy định, từ Pháp lệnh người có công cho đến thành tích kháng chiến, Kỷ niệm chương của Đoàn Thanh niên.
Trên cơ sở thảo luận của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này, Chính phủ sẽ báo cáo Bộ Chính trị để cho chủ trương. Người đứng đầu Bộ Nội vụ mong muốn các đại biểu Quốc hội nghiên cứu xem xét để đi đến một quyết định làm sao đảm bảo sự công bằng cho các đối tượng tham gia kháng chiến cũng như có công với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tán thành với việc bổ sung hình thức khen thưởng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang trong dự thảo luật để khen thưởng cho một lực lượng đã có nhiều hy sinh cũng như đóng góp rất lớn cho sự nghiệp chung của dân tộc, đã hoàn thành nhiệm vụ trong các thời kỳ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như Tờ trình của Chính phủ, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cho rằng, việc ghi nhận, tôn vinh khen thưởng chung cho những thành tích kháng chiến cũng rất cần thiết và đã được quy định thống nhất trong hệ thống khen thưởng trước năm 2003 cho tất cả các lực lượng tham gia kháng chiến, trong đó có lực lượng thanh niên xung phong. Tuy nhiên, trong luật hiện hành, Thanh niên xung phong không có một danh vị.
Theo báo cáo đánh giá tác động đối với dự án luật, hiện nay, cả nước có khoảng 400 ngàn thanh niên xung phong dự kiến sẽ được trao hình thức khen thưởng, đồng thời ghi nhận sự đóng góp của lực lượng này trong các thời kỳ kháng chiến xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu bổ sung trong dự thảo Luật, cũng như làm rõ hơn về điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng, không để Chính phủ hướng dẫn trong nghị định để tránh tình trạng luật khung, luật ống.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho rằng cần làm rõ đối tượng được khen thưởng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang, khen thưởng có chọn lọc và phù hợp với các hình thức khen thưởng, huy chương khác được quy định trong dự thảo Luật, không khen thưởng đồng loạt để bảo đảm được ý nghĩa cao quý của danh hiệu.
Cho ý kiến tại phiên thảo luận ở tổ mới đây, các đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu thống nhất tán thành việc khen thưởng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang, với quan điểm, Thanh niên xung phong Việt Nam là một hình thái tổ chức đặc biệt, gắn với hai thời kỳ kháng chiến, không thể so sánh với lực lượng nào. Lực lượng Thanh niên xung phong vừa thực hiện nhiệm vụ tiếp lương, tải đạn, chuyển thương, phục vụ chiến đấu, vừa trực tiếp tham gia chiến đấu. Do đó, bên cạnh tôn vinh, ghi nhận cống hiến của các thế hệ Thanh niên xung phong Việt Nam trong kháng chiến, việc khen thưởng này còn khích lệ phong trào thanh niên tình nguyện ngày nay.
Hiện còn có hai luồng ý kiến khác nhau. Nhiều ý kiến thống nhất với Tờ trình của Chính phủ bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”. Đây là việc làm đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của thanh niên xung phong và thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, bên cạnh đó, là nguồn động viên lớn đối với các lực lượng tình nguyện sau này.
Song, đứng ở phía cơ quan thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, khen thưởng cho thanh niên xung phong đã được quy định trong hệ thống khen thưởng trước năm 2003. Do đó, cần cân nhắc khi bổ sung hình thức khen thưởng riêng, vì chưa bảo đảm nguyên tắc không tặng thưởng nhiều hình thức cho một thành tích đạt được, tính công bằng trong việc khen thưởng các lực lượng khác tham gia kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vấn đề này còn nhiều ý kiến khác nhau, bao gồm cả tính khả thi khi thực hiện chính sách. Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Xã hội nhận thấy chưa đủ điều kiện để bổ sung hình thức khen thưởng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang vào dự án Luật trong lần sửa đổi này.
Nêu quan điểm của Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam, đại biểu Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội cho rằng, việc bổ sung hình thức khen thưởng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang là phù hợp với lực lượng lên tới 40 vạn người, vốn chịu gian khổ nhất và "có một không hai" trên thế giới, cần có hình thức khen thưởng xứng đáng để động viên. Ông không đồng tình với quan điểm việc khen thưởng tạo ra sự trùng lắp, bởi đa số các cựu Thanh niên xung phong không đủ tiêu chuẩn khen thưởng, trong khi đã phải dấn thân cả tuổi trẻ.
"Giờ hết thời gian chờ đợi rồi! Thanh niên xung phong thời chống Pháp đã trên 90 tuổi; chống Mỹ cũng trên 70 tuổi, biên giới Tây Nam cũng trên 65 tuổi", người đứng đầu Hội Cựu Thanh niên xung phong bày tỏ.
Đại biểu Vũ Xuân Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đề nghị, nếu được Quốc hội tán thành đưa hình thức khen thưởng này vào luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần tiếp tục làm việc với Chính phủ để Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, đánh giá tác động, nhất là tâm tư, nguyện vọng của các đối tượng là Thanh niên xung phong, bổ sung vào kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khi thông qua Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).