Người lao động đi làm việc ở nước ngoài đang đóng bảo hiểm xã hội 2 lần?

Chiều 6/6, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đinh Huệ, Quốc hội khóa XV họp phiên toàn thể tại hội trường tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực lao động, thương binh - xã hội và chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực dân tộc.

Chú thích ảnh
Đại biểu Nguyễn Hải Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đặt câu hỏi chất vấn.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các thành viên Chính phủ liên quan tiếp tục trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ nhất.

Vào cuối giờ sáng 6/6, đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về vấn đề: Tại Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 28, Chính phủ giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì đàm phán, ký kết các Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi lao động ở nước ngoài. Đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ đã triển khai thực hiện chỉ đạo này như thế nào, kết quả thực hiện trong 5 năm qua ra sao, giải pháp nào để đẩy nhanh việc ký hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội trong thời gian tới, nhất là các quốc gia có đông người Việt Nam lao động và việc thực hiện đóng bảo hiểm xã hội ở các nước chưa ký hiệp định ra sao? Bộ trưởng có suy nghĩ gì khi nhiều người lao động đi lao động ở nước ngoài vẫn phải đóng bảo hiểm xã hội hai lần?

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn chiều 6/6.

Trả lời về nội dung này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đây là câu chuyện liên kết giữa các nước và có sự thoả thuận giữa các nước với nhau. Với Nhật Bản, Việt Nam đã đàm phán vòng thứ 5 nhưng chưa thành công, với Hàn Quốc đã đàm phán thành công.

Trong chuyến thăm và làm việc của Chủ tịch Quốc hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội được Thủ tướng ủy quyền ký hiệp ước 60 và ký hiệp định giữa hai quốc gia. Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết 60 phê duyệt, như vậy, với Hàn Quốc bây giờ, người lao động cả Hàn Quốc và Việt Nam không phải đóng bảo hiểm 2 lần. Người Hàn Quốc sang Việt Nam lao động thì đóng bảo hiểm ở Việt Nam sau đó về nước thì hoàn trả lại, còn lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc cũng như vậy.

Với người lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài, ở các nước chưa ký hiệp định song phương về bảo hiểm, Bộ trưởng cho biết, người lao động thường chỉ tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, rủi ro, thương tật chứ không phải tham gia bảo hiểm tử tuất, bảo hiểm thất nghiệp. 

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, sắp tới, khi sửa luật Bảo hiểm xã hội và luật sửa đổi chính thức có hiệu lực, chúng ta sẽ có thay đổi trong vấn đề này.

PV/Báo Tin tức
Chủ hộ kinh doanh cũng là người lao động, có thu nhập nhưng không được tham gia BHXH bắt buộc
Chủ hộ kinh doanh cũng là người lao động, có thu nhập nhưng không được tham gia BHXH bắt buộc

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, việc thu tiền đóng BHXH này về bản chất, đạo lý không có vấn đề gì, nhưng chiếu theo quy định pháp luật lại vướng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN