Phóng viên ảnh TTXVN Phạm Kiên tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa. Ảnh: TTXVN |
Có thể nói, nghề báo không giống như bất cứ một nghề nào trong xã hội. Nghề báo không chỉ đơn thuần là nghề để mưu sinh cho cuộc sống hằng ngày của mỗi con người, mà ở thời điểm nào cũng vậy, người làm báo theo đúng nghĩa của nó, trước hết luôn phải là người biết đề cao và thực hiện trách nhiệm với xã hội, coi đó là một trách nhiệm đặc biệt và cao quý.
Người vững nghề đồng nghĩa với tâm sáng. Thực tế, với một nền báo chí nước ta qua 92 năm đã chứng minh, nhà báo vững nghề luôn là những người sáng tâm, luôn là những người tâm huyết, thấu hiểu và biết dấn thân, hiểu rõ bổn phận, trách nhiệm công dân trong hoạt động nghề nghiệp.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, xuất hiện khá nhiều người mang danh nhà báo nhưng “tối cái tâm”, quên đi lương tâm, trách nhiệm của nghề báo, có những biểu hiện, hành vi cơ hội, vụ lợi, thậm chí vi phạm pháp luật.
Cụ thể, mới đây, tại thành phố Hải Phòng, Cảnh sát điều tra Công an quận Hồng Bàng, đã ra quyết định bắt và khám xét khẩn cấp, tạm giữ hình sự đối với ba đối tượng lợi dụng danh nghĩa nhà báo để cưỡng đoạt tài sản, gồm: Phan Văn Thương( sinh năm 1974, ở Tổ 31, phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, Hải Phòng), là Trưởng Văn phòng đại diện báo Kinh doanh và Pháp luật tại Hải Phòng; Phạm Văn Tân (sinh năm 1990) và Phan Thành Long (sinh năm 1991), đều thường trú ở huyện An Lão (Hải Phòng), là phóng viên, nhân viên hợp đồng của báo Kinh doanh và Pháp luật…
Theo nhà báo Lê Minh Thắng, Báo An ninh Hải Phòng, có nhiều nguyên nhân chi phối đạo đức nghề báo hiện nay, có thể là lòng tham, có thể vì sức ép khoán thu nhập của cơ quan cấp trên…, nhưng dù nguyên nhân nào, hành vi của ba đối tượng mang danh nhà báo trên không thể chấp nhận được.
Bởi lẽ, trong 10 điều quy định về đạo đức của người làm báo, tại Điều 3 đã nêu rõ: Người làm báo phải “Hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi bảo vệ công lý và lẽ phải. Không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật"…
Để chặn đứng tình trạng nhà báo vi phạm pháp luật, nhà báo Lê Minh Thắng cho rằng: Hội Nhà báo thành phố Hải Phòng cần tổ chức nhiều hơn nữa những cuộc tọa đàm, hội thảo liên quan đến phạm trù đạo đức người làm báo, có biện pháp rèn luyện, nâng cao nhận thức hội viên. Bên cạnh đó, Hội cần kiên quyết hơn với những hành vi vi phạm; lên tiếng chấn chỉnh kịp thời những biểu hiện tiêu cực của hội viên.
Nhà báo Hoàng Thiềng, Hội Nhà báo Hải Phòng chia sẻ: Hải Phòng hiện có 7 cơ quan báo chí địa phương, 33 cơ quan văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí trong cả nước; gần 300 người có thẻ nhà báo… Trong bối cảnh thông tin và hội nhập quốc tế, báo chí cả nước nói chung và Hải Phòng nói riêng cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.
Đó là: vẫn còn nhiều thông tin thiếu trung thực, thiếu chính xác, không đúng sự thật, thiếu toàn diện, đậm các mặt trái, mặt yếu kém, các vụ án và các tệ nạn xã hội trên mặt báo, thông tin dễ dãi, xa rời tôn chỉ mục đích, bình luận một chiều, lên án thái quá, thậm chí “quy chụp”, coi nhẹ chức năng chính trị, tư tưởng của báo chí cách mạng, gây tổn hại nghiêm trọng tới lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan báo chí.
Khuynh hướng thương mại hóa báo chí, tư nhân núp bóng kinh doanh báo chí có xu hướng gia tăng, vẫn có nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật và bị xử lý ở các mức độ khác nhau..
Từ thực tế này, theo nhà báo Hoàng Thiềng, các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương cần xem xét, cấp phép hoạt động báo chí giữa tôn chỉ, mục đích của tờ báo với chức năng hoạt động báo chí nói chung.
Các cơ quan báo chí phân công người đại diện, thường trú ở địa phương cần lưu tâm tới nhân cách của phóng viên… Người làm báo cần luôn rèn rũa để vững nghề và sáng tâm mới xứng đáng là học trò của Nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh.