Nghiên cứu các dự án Luật tác động lớn đến vùng dân tộc thiểu số

Tiếp tục Phiên họp toàn thể lần thứ 6, sáng 4/5, các thành viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc; báo cáo hoạt động từ Kỳ họp thứ 4 đến Kỳ họp thứ 5, dự kiến hoạt động sau Kỳ họp thứ 5 của Hội đồng Dân tộc; chương trình giám sát của Hội đồng Dân tộc năm 2019.

Quy định chặt chẽ chính sách ưu đãi đầu tư

Cho ý kiến về mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (đặc khu), đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) cho rằng, chính quyền địa phương ở đặc khu gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân với những đổi mới cơ bản về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm nhằm bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên, việc không tổ chức thường trực Hội đồng nhân dân và các ban Hội đồng nhân dân cần cân nhắc kỹ. “Nếu không có thường trực, các nội dung trình Hội đồng nhân dân có thẩm tra không và ai sẽ là người thẩm tra nội dung này. Bên cạnh đó, các công việc thường xuyên xin ý kiến của Hội đồng nhân dân sẽ xử lý như thế nào”, đại biểu Phương Thị Thanh băn khoăn.

Ngoài ra, theo đại biểu Thanh, Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc khi có hiệu lực có rất nhiều văn bản hướng dẫn, dẫn đến chồng chéo trong thực hiện. Vì thế, nhiều nội dung cụ thể cần đưa ngay vào trong luật chứ không nên chờ văn bản hướng dẫn.

Về danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại 3 đặc khu, dự thảo Luật quy định 131 ngành nghề, tăng 23 ngành, nghề so với danh mục Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4. Nhiều đại biểu chỉ rõ, vấn đề thu hút đầu tư ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh cần tính toán kỹ để đầu tư có hiệu quả. Khi ưu đãi để thu hút đầu tư cần tính đến ngành, nghề địa phương đang cần để phát triển, tránh sự lãng phí.

Có ý kiến đề nghị dự thảo Luật quy định rõ chính sách quản lý công dân tại đặc khu, làm rõ người dân sống tại đặc khu có khác gì so với các đơn vị hành chính khác và cách thức quản lý dân cư ở đơn vị hành chính khác khi vào sống tại đặc khu. Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) cho rằng, dự thảo Luật có nhiều điều khoản quy định ưu đãi nhằm thu hút các nhà đầu tư, cụ thể ưu đãi thuế thu nhập cá nhân (Điều 40), ưu đãi thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (Điều 41), ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (Điều 43)… Tuy nhiên, cần rà soát lại các quy định này tránh tình trạng ưu đãi rất lớn nhưng giá trị gia tăng mà các dự án đầu tư mang lại không cao. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu băn khoăn về vấn đề sở hữu đất nêu trong dự thảo Luật và đề nghị nên quy định thời hạn thuê đất là 70 năm, chỉ gia hạn hợp đồng thuê đất nếu doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định tại địa phương.

Lựa chọn 8 - 10 tỉnh để thực hiện giám sát


Tại phiên họp sáng 4/5, các đại biểu thảo luận về Báo cáo hoạt động từ Kỳ họp thứ 4 đến Kỳ họp thứ 5, dự kiến hoạt động sau Kỳ họp thứ 5 của Hội đồng Dân tộc.

Báo cáo chỉ rõ, Thường trực Hội đồng Dân tộc và các thành viên trong Hội đồng đã hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ được giao. Công tác xây dựng Luật, hoạt động lập pháp đảm bảo đúng yêu cầu và sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhiều kiến nghị của Hội đồng Dân tộc liên quan trực tiếp đến việc thực hiện chính sách, pháp luật, đảm bảo đời sống an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tiếp thu. Một số chuyên đề giám sát, khảo sát của Hội đồng Dân tộc đã bám sát tình hình, trực tiếp tác động đến chính sách vĩ mô, công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội như chuyên đề khảo sát “Việc thực hiện chính sách ổn định đời sống sản xuất đối với người hồi hương từ Campuchia về Việt Nam”.


Dự kiến, sau Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Hội đồng Dân tộc tiếp tục đổi mới, tập trung nghiên cứu một số dự án Luật có liên quan, tác động lớn tới vùng dân tộc thiểu số, miền núi, những vấn đề đang được dư luận xã hội, đông đảo cử tri vùng dân tộc thiểu số, miền núi quan tâm. Về hoạt động giám sát, Hội đồng Dân tộc tiếp tục thực hiện chuyên đề về “Tình hình triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh”.

Đối với Chương trình giám sát của Hội đồng Dân tộc năm 2019, nhiều ý kiến tán thành với nội dung chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư phát triển kinh tế - xã hội gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, giai đoạn 2009-2018”. Phương thức giám sát: Tại Trung ương giám sát qua báo cáo của Chính phủ, làm việc với các bộ, ngành liên quan trực tiếp và giám sát qua phiên giải trình do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức. Cùng với đó, thành lập Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Tổ công tác thực hiện giám sát tại các địa phương. Hội đồng Dân tộc sẽ tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn 8-10 tỉnh đại diện cho các khu vực Đông Bắc, Tây Bắc, Miền Trung – Tây Nguyên, Đông - Tây Nam Bộ để thực hiện giám sát.

Tại phiên họp sáng 4/5, các thành viên Hội đồng Dân tộc cũng cho ý kiến về dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi).

Phan Phương (TTXVN)
Phiên họp toàn thể lần thứ 6 Hội đồng Dân tộc của Quốc hội
Phiên họp toàn thể lần thứ 6 Hội đồng Dân tộc của Quốc hội

Sáng 3/5, tại Nhà Quốc hội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 6. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng dự và phát biểu chỉ đạo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN