Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng năm 2020, Chính phủ thống nhất đánh giá: Với quyết tâm cao và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước, việc thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện bình thường mới có nhiều điểm sáng, củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Nước ta đã ngăn chặn, kiểm soát được dịch bệnh, tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế - xã hội phục hồi nhanh và mạnh, góp phần nâng cao hình ảnh, uy tín của Việt Nam trước cả cộng đồng quốc tế trong cả phòng, chống dịch COVID-19 và sự an toàn của nền kinh tế. Tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 đạt nhiều kết quả tích cực hơn so với tháng 4, ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì, chỉ số giá tiêu dùng giảm so với tháng trước, lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên giảm; thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại hối cơ bản ổn định. Cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng xuất siêu gần 2 tỷ USD. Giải ngân vốn đầu tư công chuyển biến tích cực, tăng 26,15% so với cùng kỳ năm 2019, đạt gần 26% kế hoạch giao. Sản xuất công nghiệp có tín hiệu phục hồi, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 tăng 11,2% so với tháng trước... Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 được triển khai tích cực, nhận được sự quan tâm, ủng hộ của người dân.
Tuy nhiên, nước ta vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đại dịch COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, căng thẳng thương mại tiếp tục xu hướng tăng. Áp lực lạm phát gia tăng. Nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực có xu hướng giảm. Cân đối ngân sách nhà nước gặp khó khăn...
Trước tình hình đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, tiếp tục nỗ lực thực hiện "mục tiêu kép", không được chủ quan, kiểm soát tốt dịch COVID-19, không để lây lan trong cộng đồng; thực hiện quyết liệt hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của kế hoạch năm 2020. Trong đó, kiên định mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; xác định rõ đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát tình hình thế giới, khu vực, nhất là các đối tác lớn, chủ động có đối sách, giải pháp phù hợp, kịp thời; tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ an sinh xã hội, tín dụng và tài khóa cho các đối tượng gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra. Các đơn vị đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP và 02/NQ-CP của Chính phủ nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Từng bộ, ngành, địa phương nhanh chóng khắc phục khó khăn, khôi phục mạnh mẽ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, ổn định đời sống của nhân dân; tận dụng thời cơ, đẩy nhanh cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng lực nội tại từng ngành, từng lĩnh vực; đổi mới cách làm, tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, thu hút mọi nguồn lực cho phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương...
Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để góp phần kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định nền kinh tế vĩ mô, đảm bảo thanh khoản, vốn tín dụng cho nền kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Tài chính tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước, thực hiện triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; chỉ đạo thực hiện các biện pháp đấu tranh phòng, chống phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong cơ quan thuế và hải quan...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan, địa phương tổ chức theo dõi, đôn đốc tiến độ thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước và vốn vay ODA, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân theo quy định. Bộ Công Thương phối hợp với bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa, phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước; thúc đẩy liên kết phát triển công nghiệp hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu...
Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các địa phương, nhất là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các vùng kinh tế trọng điểm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương có phương án điều tiết hiệu quả để giảm giá thịt lợn với các giải pháp phù hợp, căn cơ, khuyến khích đầu tư quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại...
Bộ Giao thông vận tải tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm như: Dự án xây dựng nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; 2 dự án cải tạo, nâng cấp đường cất, hạ cánh, đường lăn sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài; dự án sân bay quốc tế Long Thành; triển khai ngay các thủ tục đối với dự án đầu tư công và các dự án theo hình thức PPP thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đôn đốc các địa phương tổ chức triển khai các chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm công khai, minh bạch, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, tạo thuận lợi cho đối tượng được hỗ trợ...
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch định hướng, cơ cấu lại thị trường du lịch, tập trung thúc đẩy thị trường du lịch trong nước, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền xúc tiến du lịch nội địa với thông điệp Du lịch Việt Nam an toàn, người Việt Nam đi du lịch Việt Nam.
Nghị quyết nêu rõ: Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện nghiêm túc, an toàn kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức kỳ thi.