Ngày làm việc thứ 3 Đại hội XI của Đảng: Nhiều tham luận sâu sắc, ý kiến tâm huyết góp ý với Đảng

Ngày 14/1, Đại hội Đảng lần thứ XI làm việc tại Hội trường, các đoàn đại biểu tiếp tục trình bày tham luận, góp ý kiến vào nội dung các Dự thảo Văn kiện trình Đại hội.

Thay mặt Đoàn Chủ tịch Đại hội, đồng chí Nguyễn Minh Triết, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, đã điều khiển phiên thảo luận buổi sáng.

Đồng chí Nguyễn Minh Triết, ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, điều khiển phiên thảo luận sáng 14/1. Ảnh: TTXVN


Mở đầu phiên họp, đồng chí Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tham luận nội dung “Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam vững mạnh, xứng đáng là giai cấp tiên phong, đi đầu trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

“Một số kiến nghị và giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh chống tham nhũng” là nội dung tham luận do đồng chí Vũ Tiến Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường trực - Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng trình bày.


Đồng chí khẳng định công tác phòng, chống tham nhũng là một nhiệm vụ trọng yếu luôn được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm. So với nhiều năm trước đây, quyết tâm và hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng đã có bước tiến triển, tạo tiền đề thúc đẩy cho các năm tiếp theo.


Để đạt được mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, loại bỏ dần các cơ hội và điều kiện phát sinh tham nhũng, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức liêm chính; củng cố lòng tin của nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, trước hết, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, các cấp ủy đảng và người đứng đầu phải thực sự coi công tác phòng chống tham nhũng là một trọng tâm công tác lớn của công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước.


Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho mọi đảng viên, cán bộ, công chức và người dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc về tính nghiêm trọng, sự nguy hại của tệ tham nhũng và tính cấp thiết, lâu dài, phức tạp, khó khăn của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, thấy rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và công dân đối với công tác này.

Đồng chí Vũ Tiến Chiến cũng đề nghị cần bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội; hoàn thiện cơ chế, giải pháp phòng chống tham nhũng.


Cần tăng cường tính công khai, minh bạch trong việc xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật; nâng cao vai trò giám sát của Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp và phát huy vai trò của xã hội trong phòng chống tham nhũng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử trong phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng.

Tiếp tục kiện toàn và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; đẩy mạnh và tăng cường hợp tác quốc tế về công tác này.

Đồng chí Lê Phước Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam trình bày tham luận “Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh”, cho biết, phát huy lợi thế của một tỉnh ven biển, Quảng Nam đã đề ra mục tiêu định hướng về phát triển kinh tế biển trong thời gian tới là: Phấn đấu đến năm 2020, đưa kinh tế biển và vùng ven biển phát triển mạnh, giữ vai trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vùng ven biển; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh; giảm nhẹ thiên tai; bảo tồn, tái tạo nguồn lợi, bảo vệ tốt môi trường sinh thái biển và vùng ven biển.


Để đạt được mục tiêu đó, tính xác định đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của biển đối với phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng an ninh và yêu cầu cấp thiết trước mắt và là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài; từ đó xác định và đề cao trách nhiệm của toàn xã hội đối với việc bảo vệ chủ quyền vùng biển.

Xác định tầm quan trọng của biển đối với sự phát triển của tỉnh, Quảng Nam đã chú trọng phát huy tiềm năng, thế mạnh của biển và khu vực ven biển; tập trung quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển các khu công nghiệp, du lịch, dịch vụ ven biển, ven sông; nâng cao hiệu quả nuôi trồng, đánh bắt hải sản… tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.


Đặc biệt, tỉnh đã được Trung ương cho thí điểm xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai - khu kinh tế mở đầu tiên của cả nước và Dự án tổng quan sắp xếp dân cư phòng tránh thiên tai và phục vụ phát triển du lịch.

Tham luận của PGS. TS. Vũ Văn Phúc, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, về "Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thiết thực Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” - Giải pháp quan trọng để rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên" khẳng định cuộc vận động đã tạo được sự chuyển biến về nhận thức, gắn liền với ý chí tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên.


Trên cơ sở tổng kết việc triển khai cuộc vận động trong bốn năm qua, đồng chí đề xuất sáu phương hướng và giải pháp đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả cuộc vận động.


Theo đó, tiếp tục khẳng định chủ trương "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", cần khắc phục tư tưởng nóng vội, giản đơn và tư tưởng do dự, thụ động, thiếu tích cực và quyết tâm trong tổ chức triển khai thực hiện.


Bên cạnh đó, nghiên cứu để sớm ban hành chương trình toàn khóa XI của cuộc vận động, gắn với nhiệm vụ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế; kết hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa công tác tư tưởng với công tác tổ chức, cán bộ trong cuộc vận động; chú trọng phát huy vai trò của tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, nhất là đẩy mạnh tuyên truyền về các điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.


Đồng thời, phát huy dân chủ trong Đảng và trong xã hội, huy động sự tham gia rộng rãi của quần chúng nhân dân trong công tác xây dựng Đảng.

Tại phiên họp sáng, đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an trình bày tham luận về chủ đề “Xây dựng lực lượng công an nhân dân”; đồng chí Lê Hữu Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh tham luận về chủ đề “Những đặc trưng thể hiện tính ưu việt của Chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta đang xây dựng”; đồng chí Võ Đức Huy, Ủy viên Trung ương Đảng, Đoàn đại biểu Đảng bộ khối doanh nghiệp trung ương tham luận về vai trò chủ lực, nòng cốt của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng để giữ vững vị trí then chốt trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đồng chí Trịnh Long Biên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương tham luận về chủ đề “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát - giải pháp quan trọng góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”; đồng chí Niê Thuật, Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk tham luận với nội dung “Tăng cường đoàn kết các dân tộc, tập trung phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với bảo vệ tài nguyên và môi trường”; đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hòa, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham luận về vấn đề “Thực hiện bình đẳng giới, phụ nữ Việt Nam tích cực tham gia đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước”.

Chiều 14/1, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI làm việc tại hội trường, các đại biểu tham luận, góp ý kiến vào nội dung các dự thảo Văn kiện trình Đại hội.

Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, điều khiển phiên thảo luận chiều 14/1. Ảnh: TTXVN

Thay mặt Đoàn Chủ tịch Đại hội, đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ điều khiển phiên họp.

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn đã trình bày tham luận với nội dung “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, khẳng định mục tiêu mà dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ XI của Đảng đề ra đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó có thanh niên với tư cách là “lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.


Để thanh niên thực hiện tốt vai trò xung kích trong thực hiện nhiệm vụ đó, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tuổi trẻ cả nước mong Đảng lãnh đạo và tạo điều kiện để Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thực hiện tốt những giải pháp về đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống, lý tưởng, đạo đức và lối sống cho phù hợp với đặc điểm của từng đối tượng thanh niên.


Quán triệt quan điểm “xây dựng Đoàn là góp phần xây dựng Đảng trước một bước”, Đoàn thanh niên sẽ không ngừng xây dựng, củng cố tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động, xứng đáng là đội dự bị tin cậy của Đảng, thực sự là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên.

Với chủ đề “Xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam lớn mạnh từng bước phát triển nền kinh tế tri thức”, đồng chí Châu Văn Minh, Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng để phát triển nền kinh tế tri thức cần phải có đội ngũ trí thức nhiều về số lượng và cao về chất lượng, đồng thời phải có cơ chế thích hợp để đội ngũ trí thức phát huy vai trò của mình, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.


Cần giải quyết đồng bộ một số giải pháp: Tập trung đổi mới cơ chế, chính sách phát triển KHCN, hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tăng cường sức cạnh tranh, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, chống độc quyền; tạo sự gắn kết giữa nghiên cứu, đào tạo với sản xuất, kinh doanh, đồng thời xây dựng cơ chế hiệu quả nhằm hỗ trợ các sản phẩm nghiên cứu và phát triển công nghệ trở thành sản phẩm hàng hóa, đáp ứng được nhu cầu của các lĩnh vực kinh tế - xã hội…

Nhà nước tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và triển khai ứng dụng công nghệ mới hiện đại để đến năm 2020 đạt mức trung bình trên thế giới, trong đó phấn đấu khuyến khích đẩy nhanh tốc độ tăng đầu tư từ nguồn lực xã hội ngoài ngân sách.


Nâng cao chất lượng nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, chú trọng các nghiên cứu cơ bản có trọng điểm, tập trung đầu tư để đạt trình độ và chuẩn mực quốc tế…

Đồng chí Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước, với các nữ đại biểu dự Đại hội. Ảnh: TTXVN


Đề cập vấn đề “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, sức mạnh nội sinh quan trọng của sự phát triển bền vững”, đồng chí Hoàng Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: Trong suốt chặng đường 81 năm, tiến hành thắng lợi các cuộc kháng chiến chống xâm lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, Đảng ta luôn nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò và sức mạnh văn hóa đối với sự phát triển bền vững.

Tuy nhiên, theo đồng chí Hoàng Tuấn Anh, do những tác động tiêu cực từ mặt trái của cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, lĩnh vực văn hóa cũng đã bộc lộ những hạn chế nhất định, tác động không nhỏ đến văn hóa truyền thống của dân tộc.

Đề xuất các giải pháp, đồng chí Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh tới việc coi xây dựng con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và đặc biệt là tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.


Giữ gìn và phát huy tài sản văn hóa của 54 dân tộc anh em là nhiệm vụ có ý nghĩa về văn hóa và chính trị to lớn trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.


Mặt khác, cần quan tâm phát triển ngành công nghiệp văn hóa; thực hiện đồng bộ các giải pháp của các cấp, các ngành, hoàn thiện thể chế văn hóa, xây dựng các thiết chế văn hóa từ Trung ương đến cơ sở.


Theo đồng chí Hoàng Tuấn Anh, giải pháp mang tính quyết định là nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước trên các lĩnh vực văn hóa.

Tham luận chủ đề “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới”, đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao khẳng định để thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại, Đại hội XI cần quán triệt sâu sắc phương châm chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong hội nhập quốc tế.


Sớm xây dựng chiến lược tổng thể về hội nhập quốc tế với mục tiêu và lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn, trước mắt là đến năm 2020 và đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh, văn hóa xã hội, để trên cơ sở đó các ngành, các địa phương, các tổ chức xã hội và giới doanh nghiệp có chiến lược hội nhập của mình.


Cần thực hiện đúng phương châm “triển khai đồng bộ và toàn diện” các định hướng đối ngoại được Đại hội XI thông qua; tăng cường thống nhất quản lý các hoạt động đối ngoại.

Cũng trong phiên họp chiều 14/1, các đồng chí: Nguyễn Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam đã trình bày tham luận về “Một số nhiệm vụ, giải pháp xây dựng giai cấp nông dân trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Đỗ Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam trình bày tham luận về “Một số vấn đề nhằm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới hệ thống chính trị”; Hà Ngọc Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng trình bày tham luận “Về công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng và phát triển đảng viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thực trạng và giải pháp”; Tiến sĩ Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh trình bày tham luận về “Chế độ công hữu và sở hữu toàn dân về đất đai”.

Như vậy, sau 2 ngày thảo luận, góp ý kiến vào nội dung các dự thảo văn kiện trình Đại hội XI của Đảng, đã có 27 đại biểu phát biểu, tham luận tại hội trường. Các tham luận, ý kiến còn lại sẽ được gửi tới Đoàn Chủ tịch Đại hội.

Cũng trong phiên họp chiều 14/1, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đoàn thư ký Đại hội thông báo: Đến hết ngày 13/1/2011, Đại hội XI của Đảng ta đã nhận được 158 điện mừng của các đảng, tổ chức và bạn bè quốc tế.

Hôm nay, Đại hội tiếp tục làm việc tại hội trường.

TTXVN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN