Ngày 27/3: Thêm 10 ca mắc COVID-19, Thủ tướng ra chỉ thị dừng các hoạt động không cần thiết đến 15/4 trong cao điểm chống dịch

Theo Bộ Y tế, tính đến 18 giờ ngày 27/3, Việt Nam ghi nhận thêm 10 ca mắc dịch bệnh COVID-19, nâng tổng số người mắc lên 163 trường hợp. Tính đến hết ngày 27/3, đã có 51 bệnh nhân điều trị tại nhiều cơ sở y tế có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1-4 lần, trong số đó có 21 bệnh nhân có kết quả âm tính lần 2.

Chú thích ảnh
Giáo viên và sinh viên Bộ môn cơ điện tử, trường Đại học kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên đã chế tạo thành công thiết bị đo thân nhiệt không tiếp xúc với giá thành rẻ, độ chính xác cao. Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN.

Tạm đình chỉ hoạt động cơ sở kinh doanh dịch vụ từ 28/3 đến hết 15/4

Để kiềm chế, kiểm soát có hiệu quả sự lây lan, chủ động ngăn chặn, ứng phó với dịch bệnh trên toàn quốc, bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe, tính mạng của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương và toàn thể nhân dân tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chấp nhận thiệt hại về kinh tế để phòng chống dịch; bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân là mục tiêu tối thượng, quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực, cố gắng hơn nữa trong thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, tăng tốc thực hiện các biện pháp phát hiện sớm nguồn lây, cách ly kịp thời, khoanh vùng nhanh gọn, dập dịch triệt để.

Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo áp dụng biện pháp hạn chế tụ tập đông người từ 0 giờ ngày 28/3 đến hết ngày 15/4/2020: Dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng. Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng. Tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cơ sở kinh doanh, dịch vụ cần đóng cửa. Hạn chế việc di chuyển của người dân, nhất là từ các tỉnh, thành phố có dịch đến các địa phương khác. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo hạn chế các chuyến bay và các hoạt động vận chuyển hành khách từ Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đến các nơi khác trên toàn quốc. Tạm dừng hoặc tổ chức lại hoạt động giao thông công cộng để hạn chế đi lại, tập trung đông người, trừ các phương tiện vận chuyển hàng hóa.

Thủ tướng Chính phủ, cấp có thẩm quyền sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm, kỷ luật nghiêm đối với người đứng đầu chính quyền địa phương để xảy ra tụ tập đông người.

Quyết tâm để không có đến 1.000 ca nhiễm COVID-19

"Nếu chúng ta thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia và khuyến cáo của cơ quan y tế thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ thành công như giai đoạn 1 và phải quyết tâm để không có đến 1.000 ca nhiễm COVID-19 ở Việt Nam". Đây là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp sáng 27/3 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã thảo luận một số vấn đề trọng tâm: Tình hình xuất nhập cảnh tại biên giới; công tác quản lý các khu cách ly tập trung dân sự; kiểm soát các ổ dịch; công tác điều trị, bảo đảm vật tư, trang thiết bị y tế cho các lực lượng làm nhiệm vụ…

Hà Nội tạm dừng toàn bộ hoạt động xe buýt đến ngày 15/4

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo chống dịch COVID-19 chiều 27/3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu tạm dừng toàn bộ hoạt động xe buýt đến ngày 15/4/2020.

Đối với các loại xe taxi và xe hợp đồng, yêu cầu: Không dùng điều hòa, hạ kính, bắt buộc đeo khẩu trang đối với lái xe và hành khách, khử khuẩn trước và sau khi đón trả khách. Các trường học, cơ sở dạy nghề tạm thời không tổ chức cho học sinh đến trường dưới mọi hình thức.

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chấp nhận thiệt hại kinh tế để phòng chống dịch, bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân là mục tiêu tối thượng, TP Hà Nội đã xử lý nhiều đối tượng với nhiều hành vi sai phạm khác nhau trong quá trình phòng chống dịch COVID-19.  

Xử lý nhiều sai phạm liên quan đến dịch COVID-19  Tại cuộc họp, lãnh đạo Công an TP Hà Nội cho biết, đã xử lý 1 trường hợp quán bar ở phường Dịch Vọng vẫn hoạt động khi thành phố đã yêu cầu đóng cửa; xử lý 68 trường hợp đăng tin bài sai sự thật về dịch bệnh COVID-19; 165 trường hợp đầu cơ tăng giá, buôn lậu, vứt khẩu trang không đúng nơi quy định… Công an thành phố cũng đã lập hồ sơ xử lý hình sự 3 trường hợp có hành vi đầu cơ mua bán khẩu trang y tế, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi ở huyện Bắc Từ Liêm, quận Cầu Giấy, Hoàng Mai.

Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thông tin tại cuộc họp, ngay sau khi có 2 điều dưỡng dương tính với vi rút SARS-CoV-2, bệnh viện đã phối hợp với Công an tổ chức cách ly 160 cán bộ y tế là F1, đến nay tất cả đều có sức khỏe tốt; xét nghiệm 2 lần âm tính. Bệnh viện đã tầm soát trên 5.000 mẫu của tất cả những người trong viện. Dự kiến 2 ngày nữa sẽ có kết quả. Tất cả bệnh nhân không được ra viện, phải chờ kết quả xét nghiệm cuối cùng.  

Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống bệnh đã rà soát và yêu cầu xấp xỉ gần 1.500 người ra viện từ 10 đến 25/3 thực hiện tự cách ly tại nhà để phòng dịch. Bên cạnh đó, trong 10 ngày qua có 14.000 người khám ngoại trú ở bệnh viện Bạch Mai. CDC đã khuyến cáo các trường hợp này cần tự thực hiện cách ly ở nhà, có dấu hiệu ho sốt phải báo ngay cho cơ quan y tế.  

Tại cuộc họp, lãnh đạo thành phố yêu cầu áp dụng biên pháp hạn chế tụ tập đông người kể từ 0 giờ ngày 28/3 đến hết ngày 15/4/2020. Theo đó, dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu đeo khẩu trang, thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người này với người khác tại các địa điểm công cộng.

Từ 0 giờ 28/3, TP Hồ Chí Minh đóng cửa toàn bộ các điểm tham quan, du lịch

Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh cho biết: Từ 0 giờ ngày 28/3, TP Hồ Chí Minh sẽ đóng cửa toàn bộ các điểm tham quan, du lịch để phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Tuy nhiên, các khách sạn tại TP Hồ Chí Minh vẫn phục vụ khách bình thường. Ngoài ra, để các điểm tham quan du lịch có sự chuẩn bị trước khi tiếp cận thông tin trên, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cũng gửi thông báo về việc yêu cầu đóng cửa đến các điểm tham quan, du lịch và gửi thông báo đến các công ty lữ hành trên địa bàn.  

Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, các điểm tham quan du lịch trên địa bàn đều trong tình trạng vắng vẻ, lượng khách tham quan các điểm này đều sụt giảm từ 50 - 70%.  

Trước đó, UBND TP Hồ Chí Minh cũng có nhiều công văn đóng cửa các địa điểm tụ tập đông người để phòng chống dịch bệnh COVID-19 như: Từ 18 giờ ngày 15/3 đến hết ngày 31/3 yêu cầu ngưng hoạt động các rạp chiếu phim, quán bar, game online, điểm massage, karaoke, vũ trường, sân khấu... để phòng chống nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19 trong cộng đồng; từ 18 giờ chiều 24/3, tất cả các điểm vui chơi giải trí, nhà hàng, quán beer club, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (công suất phục vụ từ 30 người trở lên), câu lạc bộ bida, phòng tập thể hình (Gym), cơ sở làm đẹp, uốn tóc, hớt tóc trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng tạm ngưng đóng cửa đến hết 31/3.

Chú thích ảnh
Các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên ủng hộ kinh phí phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN

Hoàn thiện phác đồ điều trị, sẵn sàng tiếp đón bệnh nhân

Về tổ chức xét nghiệm phát hiện các trường hợp nghi ngờ, đến giờ phút này, Việt Nam chưa sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh mà đang sử dụng bộ sinh phẩm xét nghiệm (test kit) do Học viện Quân y sản xuất, đã được các cơ quan quản lý, khoa học trong nước và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận.

Trên cơ sở tham khảo WHO và các nước trên thế giới và thực tiễn trong nước, ngành y tế đã cập nhật, hoàn thiện phác đồ điều trị COVID-19. Việt Nam cũng đảm bảo đủ thuốc điều trị. Các ca bệnh nặng đều được các chuyên gia y tế đầu ngành tập trung hội chẩn, chỉ đạo chuyên môn, hỗ trợ chữa bệnh. Bộ Y tế cũng đang tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng cho các y bác sĩ tuyến dưới để sẵn sàng tiếp đón bệnh nhân; chỉ đạo chuyển những bệnh nhân không nặng về điều trị tại các bệnh viện địa phương để bác sỹ các tuyến có thêm kinh nghiệm.

Chú thích ảnh
Các nhân viên Sài Gòn Co.op chuẩn bị phần cơm phục vụ người dân trong khu cách ly. Ảnh: Thanh Vũ - Tuyết Thư/TTXVN.

Ban Chỉ đạo giao lực lượng y tế cơ sở tiếp tục nắm bắt trường hợp nghi ngờ, hướng dẫn phân loại những người mắc bệnh nền, người già yếu, yếu thế… để theo dõi giám sát sức khoẻ tại nhà…

V.T/Báo Tin tức
Diễn biến COVID-19 tới 6h sáng 28/3: Thế giới gần 27.000 người tử vong, Mỹ vượt ngưỡng 100.000 ca nhiễm
Diễn biến COVID-19 tới 6h sáng 28/3: Thế giới gần 27.000 người tử vong, Mỹ vượt ngưỡng 100.000 ca nhiễm

Lại một ngày nữa đại dịch COVID-19 khiến thế giới bàng hoàng khi số ca nhiễm vọt lên trên 590.000, trong đó gần 27.000 người tử vong. Số ca tử vong tại Italy lập kỷ lục mới với 919 người/ngày, trong khi Mỹ ghi nhận thêm trên 15.000 người nhiễm mới, vượt qua ngưỡng 100.000 ca.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN