Theo ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe Giáp Bát, bắt đầu chiều tối ngày 10/2 (25 Tết), lượng người đổ về bến xe đã tăng đột biến, khiến tuyến giao thông trên đường Giải Phóng nhiều thời điểm ùn tắc kéo dài.
Nhiều hành khách không chịu vào bến mua vé xe, mà chờ đợi bắt xe trên đường, khu vực xung quanh bến xe khiến tình hình giao thông thêm lộn xộn. Nhiều nhà xe lợi dụng dịp này tăng giá gấp đôi, gấp 3 đối với hành khách “bắt xe” ngoài bến.
Nhiều nhà xe liên tục chạy quay đầu về Bến xe Giáp bát để đón khách. |
Tương tự, ghi nhận tại các Bến xe Mỹ Đình, Gia Lâm, Nước Ngầm… tình trạng nhiều hành khách xếp hàng đông mà chưa mua được vé vẫn diễn ra.
Nhu cầu hành khách đón xe về quê nghỉ Tết không ngừng tăng cao tại Bến xe Mỹ Đình. |
Hành khách từng tuyến đông, nhưng xe thiếu là tình trạng thường xuyên diễn ra trong dịp cao điểm nghỉ lễ, Tết. |
Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho biết, Tổng cục đã cử 7 đoàn làm việc với các nhà đầu tư BOT, các địa phương để tăng cường tuyên truyền và xử lý nghiêm các lái xe cố tình gây ách tắc giao thông tại trạm thu phí, đảm bảo điều kiện lưu thông thông suốt của người dân, đặc biệt dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. |
Được biết, từ ngày 10 – 14/2 (từ 25 – 29 Tết), ngành Giao thông vận tải Hà Nội đã tăng cường hàng trăm phương tiện, nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách tại các bến.
Theo ông Trịnh Hoài Lam, Quản lý bến xe Nước Ngầm, dự kiến các tuyến có khả năng khách đông là các tuyến đường dài từ Hà Nội đi Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa… Bến xe đã chủ động huy động các đơn vị vận tải chạy trên tuyến cam kết không được nghỉ vào các ngày lễ, để đảm bảo giải tỏa khách kịp thời dịp cao điểm; đồng thời bố trí lượng xe dự phòng khi có nhu cầu tăng đột biến sẽ đưa vào tăng cường. Tuy nhiên, nhiều tuyến Hà Nội đi các huyện của Nghệ An, Hà Tĩnh như Vinh, Đô Lương… lượng khách tăng đột biến, rất khó đáp ứng.
Đại tá Trần Minh Thu, Đội trưởng Đội tuần tra cao tốc số 7 (Cục Cảnh sát giao thông CSGT - Bộ Công an), phụ trách tuyến giao thông huyến mạch cửa ngõ Pháp Vân – Cầu Giẽ cho biết, Đội đã xây dựng phương án phân luồng và huy động 100% quân số ứng trực đảm bảo giao thông trên cao tốc Pháp Vân, để chủ động phối hợp với Công an các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Hà Nội và Trung tâm điều hành cao tốc sẵn sang các phương án chống ùn tắc.
Hiện nay, Đội CSGT số 8 (Phòng CSGT Hà Nội) phụ trách tuyến Quốc lộ 1 (đoạn Văn Điển - Cầu Giẽ) cũng đã huy động 100% quân số để điều tiết giao thông trên tuyến. Tổ trưởng Tổ tuần tra Đội Cảnh sát giao thông số 8 Phạm Thanh Tuấn cho biết, quân số toàn đội đã được bố trí điều tiết tại các nút giao, điểm giao thông quan trọng như: Quán Gánh, ngã 3 Thường Tín, Tía, Muộn… để chủ động phân luồng từ xa.
Tại khu vực cửa ngõ phía Tây thành phố, Đại úy Trần Quang Chinh, Phó đội trưởng Đội CSGT số 6 cũng đã bố trí nhiều tổ tuần tra trên các tuyến đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Nguyễn Khánh Toàn... Khi phát hiện điểm ùn ứ sẽ chủ động phân luồng lưu động cho các phương tiện đi đường khác, hạn chế tình trạng ùn tắc kéo dài.
Về vấn đề đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thủ đô và xử lý các đơn vị vận tải nếu có vi phạm, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, Sở đã có văn bản gửi Phòng CSGT Hà Nội, Thanh tra Giao thông tăng cường tuần tra, kiểm tra, xử lý các nhà xe vi phạm đón, trả, nhồi nhét khách.
“Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm các trường hợp xe khách nhồi nhét, đón trả khách không đúng quy định, tự ý tăng giá vé, nếu vi phạm quá một lần thì sẽ cắt lốt tuyến xe khách cố định đó…”, ông Viện khẳng định.