Đây là chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2020 tổ chức sáng 24/12, tại Hà Nội. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cùng dự Hội nghị.
Năm 2019, công tác chỉ đạo, điều hành của ngành Tư pháp tiếp tục đổi mới, theo đúng phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” của Chính phủ, bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Ngành Tư pháp đã tập trung nguồn lực tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng; đặc biệt tham mưu tổng kết, sơ kết nhiều nghị quyết, văn bản quan trọng.
Ngành đã tham mưu Chính phủ, trình Quốc hội thông qua 18 dự án Luật và nhiều nghị quyết; xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 881 văn bản, ban hành được 49 văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh.
Bên cạnh đó, chất lượng, tiến độ thẩm định văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được cải thiện. Công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã phát hiện, đề xuất, kiến nghị xử lý kịp thời các văn bản có dấu hiệu trái nội dung, thẩm quyền, được dư luận xã hội hoan nghênh.
Đặc biệt, hệ thống cơ quan thi hành án dân sự đã hoàn thành và vượt các chỉ tiêu được giao. Số tiền đã thi hành xong tăng cao so với năm 2018 và đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay. Cụ thể, đã thi hành xong trên 579.000 việc với số tiền lên đến hơn 52.700 tỷ đồng (tăng đến 52,77% so với năm 2018)...
Chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ: Năm 2019, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục đạt những kết quả khá toàn diện, kinh tế vĩ mô ổn định, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên. Trong thành tựu chung đó, có đóng góp trực tiếp, quan trọng của công tác xây dựng thể chế, tổ chức thi hành pháp luật và các mặt của công tác tư pháp. Với những nỗ lực, cố gắng, nhiều kết quả của ngành Tư pháp đã góp phần quan trọng vào quá trình hình thành, củng cố, hoàn thiện những nền tảng chính trị - pháp lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Theo Phó Thủ tướng, năm 2020 là năm có nhiều sự kiện chính trị, ngoại giao rất quan trọng của nước ta như tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh... Đây cũng là năm kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp. “Bối cảnh trên đặt ra yêu cầu mới, thách thức mới cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế là rất nặng nề”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng đề nghị, ngành Tư pháp tiếp tục làm tốt hơn vai trò của mình trong thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng thành quy định pháp luật để phục vụ mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, quản lý mọi mặt kinh tế - xã hội bằng pháp luật. Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật cần đảm bảo việc hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế, thực hiện đầy đủ trách nhiệm của quốc gia thành viên và khai thác những lợi thế từ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, hạn chế những tác động tiêu cực thông qua việc xây dựng các biện pháp phòng vệ, hàng rào pháp lý. Đồng thời, Bộ Tư pháp cần chủ động tham gia và tích cực đóng góp vào việc định hình “luật chơi” tại các thể chế pháp lý quốc tế đa phương.
“Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, các đồng chí cần tiếp tục làm tốt vai trò “gác gôn” để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Trong quá trình xây dựng chính sách, cụ thể hóa chính sách cần phải nghiên cứu kỹ các nghị quyết của Đảng để đề xuất, cụ thể hóa thành chính sách pháp luật, tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; cần có giải pháp truyền thông mạnh mẽ các chính sách mới, dự kiến ban hành để đồng bào cử tri, doanh nghiệp hiểu, tham gia xây dựng chính sách, bảo đảm tính khả thi của quy phạm”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Các đơn vị tiếp tục hoàn thiện thể chế, đổi mới phương thức thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, trong đó tập trung chỉ đạo ra quyết định thi hành án đúng quy định của pháp luật 100% đối với các bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực; nâng tỷ lệ thi hành án dân sự xong trên tổng số án có điều kiện thi hành năm sau cao hơn năm trước; xử lý nghiêm trách nhiệm Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp không chấp hành án hành chính nhằm bảo đảm kỷ cương, kỷ luật hành chính.
Bộ Tư pháp tiếp tục tập trung nguồn lực, trí tuệ giúp Chính phủ xử lý tốt các vấn đề pháp lý quốc tế, trong đó có việc giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế, phối hợp cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu các khiếu nại, tranh chấp đầu tư. “Cần chú trọng hơn nữa công tác tổ chức, xây dựng Ngành, đào tạo cán bộ trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và những chuyển biến rất nhanh của tình hình thực tiễn trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nâng cao nhận thức chính trị, phòng ngừa các biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa, đẩy mạnh công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, các biểu hiện tiêu cực; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính công vụ”, Phó Thủ tướng yêu cầu.