Ngành thủy sản dồn sức cho 3 ‘mũi nhọn’ chiến lược

Tôm sú, tôm thẻ chân trắng và cá tra sẽ là ba đối tượng thủy sản nuôi chủ lực của Việt Nam. Trong năm 2018, lượng xuất khẩu của ba mặt hàng này cũng chiếm tới 2/3 tổng lượng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.

Nhận diện các sản phẩm chủ lực

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định số 50/2018/QĐ-TTg quy định đối tượng thủy sản nuôi chủ lực. Danh mục đối tượng thủy sản nuôi chủ lực gồm: Tôm sú, tôm thẻ chân trắng và cá tra.

 

Chú thích ảnh
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Thủy sản Bình An, thành phố Cần Thơ. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Về việc chọn ba đối tượng này, ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết:  Qua nhiều hội thảo và tham vấn của các nhà quản lý, chúng tôi đã đề nghị đưa ba đối tượng này vào danh mục đối tượng nuôi chủ lực để xuất khẩu. Ba đối tượng này cũng đã được Thủ tướng quy định trong sản phẩm nuôi chủ lực.

Thực tế, đây cũng đều là các mặt hàng chủ lực trong xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm 2018. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt khoảng 9 tỷ USD, tăng 8,4% trong năm 2018. Trong đó, đặc biệt xuất khẩu cá tra đạt 2,26 tỷ USD, tăng 26,4%. Xuất khẩu tôm 3,58 tỷ USD, (tôm chân trắng 2,48 tỷ USD, tôm sú 810 triệu USD). Như vậy, tổng giá trị xuất khẩu của ba mặt hàng này đã chiếm gần 65% tổng sản lượng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, mặt hàng cá tra lần đầu tiên xuất khẩu vượt con số 2 tỷ USD, với tăng trưởng hơn 26%. Đó là thành tích trong bối cảnh chúng ta có nhiều khó khăn về thị trường.

Để có được thành tích này, ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng, không chỉ một vài năm làm được, mà Việt Nam đã mất nhiều năm tích lũy về thương hiệu, chất lượng, chế biến… và Việt Nam đang nằm trong “top 5” những quốc gia cung cấp thủy sản trên thế giới.

Cùng theo ông Nguyễn Hoài Nam, 10 năm vừa qua, thị trường xuất khẩu luôn có biến động, bên cạnh những thuận lợi thì còn nhiều thách thức cả mới lẫn cũ, khiến cho hệ thống từ cơ quan quản lý Nhà nước tới cộng đồng doanh nghiệp, người nuôi phải chuyển đổi về mặt ý thức.

Ông Nguyễn Hoài Nam ví dụ: như vấn đề an toàn thực phẩm, đây không phải là chuyện mới, nhưng rõ ràng nếu không duy trì và làm tốt hơn hoặc cải thiện hơn, thì khi đã bị dính cảnh báo sẽ có thể mất điểm của 10 năm nỗ lực trước đó.

Do vậy, ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng, trong những năm tới, thách thức vẫn còn, gồm các chương trình tại khu vực châu Âu, Mỹ … về kiểm soát nhập khẩu, sẽ tiếp tục là những điểm nhấn mà các doanh nghiệp phải cùng với cơ quan Nhà nước phải chung tay nhiều hơn để vượt qua. Khi vượt qua, đồng nghĩa với việc năng lực cạnh tranh của Việt Nam sẽ được cải thiện hơn.

Chú thích ảnh
Nuôi tôm sinh thái trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Ảnh: Nguyễn Thanh Liêm/TTXVN

Phát triển ba mặt hàng “mũi nhọn”

Để vượt qua các thách thức này, ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng: Trước tiên, phải triển khai tốt khâu đăng ký quản lý nuôi. Một mặt cân đối cung cầu, mặt khác tiến tới sản xuất có trách nhiệm, truy suất nguồn gốc, địa chỉ rõ ràng theo yêu cầu của nước nhập khẩu. EU hay Mỹ đều yêu cầu xác định tới vùng nuôi. Bên cạnh đó, có các chính sách hỗ trợ liên quan tới tôm và cá tra.

Cụ thể, ông Trần Đình Luân cho biết, với cá tra, Tổng Cục Thủy sản đang cùng doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cá tra phi lê chất lượng cao. Trong đó, nghiên cứu, bổ sung thêm hàm lượng các chất dinh dưỡng, để chất lượng cá tra phi lê cao hơn, cải tiến quy trình công nghệ chế biến, để sản phẩm cá tra phi lê xuất khẩu chất lượng tương đương như cá hồi Na Uy.

Thứ hai, về nghiên cứu chọn giống, cần thay thế đàn cá bố mẹ để nâng cao năng suất, chất lượng, truy suất nguồn gốc.

Thứ ba là nâng cao các sản phẩm chế biến giá trị gia tăng, tận dụng các sản phẩm còn lại của chế biến để sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng.

Tương tự đối với tôm, theo ông Trần Đình Luân, Tổng Cục thủy sản đã nghiên cứu và đề nghị các doanh nghiệp cùng phối hợp, chọn giống tôm thẻ chân trắng, tôm sú để sớm chủ động được đàn tôm bố mẹ, đây là điểm nghẽn còn tồn tại. Thứ hai là cải tiến quy trình nuôi, ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm.

“Chúng tôi đã nghiên cứu các quy mô nuôi phù hợp cho các tỉnh miền Trung, như nuôi tôm trên cát, quy trình nuôi phù hợp với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu long, ngoài ra phát triển lợi thế của Việt Nam đó là nuôi tôm sú, tôm rừng, tôm lúa… quảng canh với diện tích lớn trên 600.000 ha. Sau này sẽ phát triển những diện tích nuôi này thành tôm hữu cơ của Việt Nam.”, ông Luân nói.

Ngoài ra, theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục Thủy sản đang nghiên cứu, tận dụng những sản phẩm thừa của ngành chế biến tôm. Với 800.000 tấn tôm chế biến mỗi năm, trước mắt các sản phẩm thừa sẽ được tận dụng làm thức ăn, thực phẩm cho người, tiến tới làm thành thực phẩm chức năng, dược phẩm cho ngành y tế, sắc đẹp… rất nhiều sản phẩm có thể khai thác.

H.V/Báo Tin tức
Sản lượng khai thác thủy sản tại Bình Định vượt kế hoạch 26%
Sản lượng khai thác thủy sản tại Bình Định vượt kế hoạch 26%

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết, năm 2018, sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh tiếp tục tăng cao, đạt 243.221 tấn, tăng 4,5% so với năm 2017 và tăng 26% so với kế hoạch đề ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN