Ngành Tài nguyên-Môi trường cần ưu tiên xây dựng thể chế chính sách

Ngày 7/1 tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường năm 2014. Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự và chỉ đạo hội nghị.

Kết quả nổi bật của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2013 là đã cùng các Bộ, ngành và địa phương hoàn thành việc chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) song song với quá trình sửa đổi các quy định về quản lý đất đai trong Hiến pháp 1992, đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 6 vừa qua.

Toàn Ngành Tài nguyên và Môi trường cả nước đã cấp được gần 41 triệu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích gần 23 triệu héc ta, đạt 93,8% diện tích các loại đất cần cấp giấy chứng nhận. Trong đó, 5 loại đất chính của cả nước đã cấp được gần 40 triệu giấy chứng nhận với tổng diện tích hơn 22 triệu héc ta, đạt 93,7% diện tích đất cần cấp và đạt 95,7% tổng số trường hợp sử dụng đất đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu. Ảnh: Đức Tám/TTXVN


Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng công tác quản lý tài nguyên và môi trường vẫn còn không ít tồn tại hạn chế. Tiến độ xây dựng một số văn bản pháp luật còn chậm, nhiều địa phương chưa chủ động trong việc ban hành các văn bản theo thẩm quyền để xử lý các công việc tại địa phương cho phù hợp với quy định và thực tiễn. Nguồn lực tài nguyên và môi trường chưa được phát huy đầy đủ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững của đất nước.

Các ý kiến thảo luận tại hội nghị cho thấy vẫn còn nhiều bất cập trong công tác quản lý Tài nguyên và Môi trường ở các địa phương: Tình trạng người dân “thờ ơ” với sổ đỏ vẫn diễn ra tại một số nơi do người dân không có khả năng hoặc trốn tránh thực hiện nghĩa vụ tài chính; khiếu kiện về đất đai tuy có giảm nhưng vẫn còn là vấn đề phức tạp ở nhiều địa phương. Công tác quản lý, cấp phép hoạt động khoáng sản còn nhiều tồn tại, đặc biệt là khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường…

Góp ý công tác của Ngành Tài nguyên và Môi trường, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, qua phối hợp giữa hai Ngành: Tài nguyên và Môi trường với Thanh tra, phát hiện một số vi phạm: Công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng; chuyển nhượng đất trái phép; gây thất thoát trong thu tiền sử dụng đất. Trong khai thác khoáng sản, sai phạm nổi lên là sai quy hoạch, khai thác tràn lan, gây ô nhiễm môi trường, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước. Tổng Thanh tra cũng đề nghị hai ngành cần tiếp tục phối hợp tích cực hơn nữa ngay từ đầu năm trong việc triển khai các kế hoạch thanh tra chung, thanh tra chuyên ngành để phấn đấu giảm khiếu kiện về đất đai.

Đánh giá công tác của Ngành Tài nguyên và Môi trường năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, Ngành đã bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm và hoàn thành tốt các nhiệm vụ trên các lĩnh vực được giao, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào những thành tựu chung của đất nước trong năm 2013.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, trước những vấn đề, thách thức đặt ra về khai thác, sử dụng tài nguyên, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, trong năm qua, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã thông qua 02 Nghị quyết về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật đất đai và về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Điều đó cũng đặt ra cho mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Ngành Tài nguyên và Môi trường những nhiệm vụ nặng nề trong việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, ứng phó với thiên tai.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần ưu tiên hàng đầu cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách; khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản, hoặc ban hành văn bản chưa sát với thực tế; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các tầng lớp nhân dân. Trong đó, nhiệm vụ trước mắt là khẩn trương hoàn thiện 5 nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi) và các thông tư liên quan để đảm bảo thời điểm Luật bắt đầu có hiệu lực từ 1/7/2014.

Làm tốt công tác xây dựng và giám sát việc thực thi đúng quy hoạch sử dụng và quản lý tài nguyên, khoáng sản, quy hoạch sử dụng đất đi đôi với thường xuyên thanh tra, kiểm tra để kịp thời sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách không còn phù hợp và phát hiện sai phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

Khẳng định việc quản lý và sử dụng tốt tài nguyên, khai thác tốt tiềm năng sẵn có của đất nước là nhiệm vụ quan trọng phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tuyên truyền sâu rộng những điểm mới của Luật đất đai (sửa đổi), tạo sự đồng thuận cao của nhân dân trong tổ chức thực hiện; đẩy nhanh tiến độ xây dựng và trình Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật.


Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thành các quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa mưa và cả trong mùa cạn, tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy trình vận hành; kiểm tra giám sát chặt chẽ việc tổ chức triển khai thực hiện, bảo đảm đạt được mục tiêu cắt giảm lũ vào mùa mưa, góp phần cung cấp nước cho sinh hoạt và cho sản xuất của người dân ở hạ du.

Thủ tướng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường khắc phục một bước tình trạng ô nhiễm môi trường tại các lưu vực sông, khu, cụm công nghiệp và làng nghề, sự suy thoái tài nguyên đa dạng sinh học. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường trong điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một số vụ án “điểm” về gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cộng đồng nhằm tạo sự răn đe, phòng ngừa chung trong toàn xã hội.

Đề cập đến tầm quan trọng của công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương chú trọng hoàn thành việc xây dựng các kịch bản chi tiết về biến đổi khí hậu của địa phương để có biện pháp ứng phó phù hợp, giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu tới sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và của cả nước nói chung.

Thủ tướng cũng mong muốn Bộ Tài nguyên và Môi trường nhanh chóng kiện toàn và nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước về biển, hải đảo từ Trung ương đến địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục sâu rộng về vai trò quan trọng của công tác quản lý tổng hợp thống nhất biển và hải đảo đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.


Quang Vũ
Phát triển nông nghiệp-nông thôn là nhiệm vụ chiến lược
Phát triển nông nghiệp-nông thôn là nhiệm vụ chiến lược

Ban chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã họp tổng hợp các ý kiến đóng góp vào Báo cáo sơ kết và xây dựng dự thảo Kết luận của Bộ Chính trị. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì hội nghị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN