Điểm cầu khánh thành cao tốc thành phần Phan Thiết - Dầu Giây tại xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận và điểm cầu khánh thành cao tốc Mai Sơn - QL45 tại xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.
Cao tốc Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây là 2 trong số 11 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn I (2017-2020) đều sử dụng vốn ngân sách Nhà nước đầu tư xây dựng.
Video Cận cảnh 2 cao tốc Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây đi vào khai thác:
Cao tốc Mai Sơn - QL45 dài hơn 63,37 km do Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ GTVT) làm đại diện chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng từ vốn ngân sách Nhà nước, đã thông xe kỹ thuật vào tháng 12/2022. Tuyến cao tốc này giai đoạn hoàn chỉnh được xây dựng quy mô 6 làn xe, nền đường 32,25m, đạt vận tốc thiết kế 120 km/giờ; giai đoạn phân kỳ đầu tư xây dựng 4 làn xe hạn chế, nền đường 17m, đạt vận tốc thiết kế 80 km/giờ.
Dự án có điểm đầu tại nút giao Mai Sơn, huyện Yên Mô (Ninh Bình) kết nối với đường cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn và điểm cuối giao với đường Nghi Sơn - Thọ Xuân tại xã Tân Phúc, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) nối tiếp với đường cao tốc QL45 - Nghi Sơn.
Việc thông xe cao tốc Mai Sơn - QL45, kết nối cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn trước đó đã giúp phương tiện tránh được những cung đường ùn tắc từ Hà Nội - Thanh Hóa - Nghệ An và rút ngắn thời gian từ khoảng 5,5 giờ, xuống còn khoảng 4 giờ, riêng cung đường Hà Nội - Thanh Hóa rút ngắn từ 2,5 giờ, xuống còn gần 2 giờ; đồng thời, tạo điều kiện đẩy mạnh cơ hội đầu tư ở cả miền Bắc và miền Trung, giảm thiểu tai nạn trên QL1A, giải quyết nhu cầu vận tải hai đầu Bắc Nam, thúc đẩy nhanh việc phát triển các khu công nghiệp, du lịch dọc tuyến, tạo đà lớn để phát triển kinh tế địa phương.
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99 km cũng do Ban Quản lý dự án Thăng Long làm đại diện chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng. Đây là dự án duy nhất trong 11 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn I (2017 - 2020) được đầu tư đồng bộ, chuẩn cao tốc. Dự án đi qua tỉnh Bình Thuận dài hơn 47 km, đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài hơn 51 km.
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây hoàn thành, đưa vào khai thác sẽ mở ra cơ hội lớn cho việc phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực tăng cường hơn nữa hiệu quả thu hút đầu tư, khai thác các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Bình Thuận; kết nối giao thông liên vùng, tạo động lực đưa toàn vùng Đông Nam Bộ bứt phá. Sau khi khánh thành, phương tiện có thể lưu thông vào cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây từ 3 nút giao chính gồm: Nút giao TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, nút giao QL1 và nút giao Ba Bàu ở cuối tuyến giao với cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết; đồng thời, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP Hồ Chí Minh đi Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) từ 5 - 6 giờ trước đây xuống còn khoảng 2 - 2,5 giờ hiện nay.
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được đầu tư hoàn chỉnh với 4 làn xe ô tô, mỗi bên có 1 làn dừng khẩn cấp. Dự án có điểm đầu tại Km 0+00 nằm trên đoạn tuyến nối QL1 đi Mỹ Thạnh (cách QL1 khoảng 2,6 km) thuộc Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; điểm cuối kết nối cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây tại Km 43+125.
Ngay sau khi cao tốc này thông xe, Bộ GTVT đã phê duyệt phương án tổ chức phân luồng giao thông, ô tô được chạy tốc độ tối đa 120 km/giờ trên tuyến, tối thiểu 60 km/giờ.
Bộ GTVT lưu ý, trong điều kiện thời tiết mưa, nhiều sương mù, mặt đường trơn trượt, người điều khiển phương tiện giao thông phải điều chỉnh tốc độ thích hợp để đảm bảo an toàn. Theo phương án tổ chức giao thông, ngoại trừ ô tô và các phương tiện được phép, cao tốc nghiêm cấm xe máy, xe mô tô hai bánh, máy kéo, xe mô tô ba bánh (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự (trừ các loại xe tuần tra tuyến); đồng thời, cấm xe máy thô sơ, người đi bộ, xe súc vật kéo… các loại xe quá tải, quá khổ, siêu trường, siêu trọng.
Để bảo đảm cao tốc Phan Thiết - Dầu Giấy khai thác hiệu quả, an toàn, thông suốt, nhất là dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2023, Bộ GTVT đã đề nghị UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận chỉ đạo Công an tỉnh, Sở GTVT và các đơn vị chức năng bố trí đủ lực lượng điều tiết, hướng dẫn người tham gia giao thông tiếp cận với tuyến đường cao tốc mới đi vào khai thác tại các nút giao, đường ngang, lối ra vào cao tốc và xử lý nghiêm vi phạm gây nguy hiểm cho phương tiện tham gia giao thông trên đường cao tốc.
Ngoài ra, Bộ GTVT chỉ đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long, Cục Đường bộ Việt Nam, Khu Quản lý đường bộ IV, các đơn vị thi công phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh để khai thác, sử dụng hiệu quả, an toàn tuyến cao tốc.
Sau khi đưa 2 tuyến cao tốc này vào khai thác, tổng số chiều dài đường bộ cao tốc của Việt Nam được nâng lên 1.579 km. Dự kiến đến năm 2025, cao tốc Bắc Nam phía Đông cơ bản được nối thông và một số dự án khác hoàn thành, sẽ nâng tổng số chiều dài cao tốc cả nước lên gần 3.000 km, tiến tới mục tiêu đột phá hạ tầng giao thông, hình thành 5.000 km đường cao tốc vào năm 2030.