Hội nghị thu hút sự tham gia của khoảng 170 đại biểu đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 68 Trung ương, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Đỗ Văn Phới nhấn mạnh: thời gian qua hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên phạm vi cả nước diễn ra sôi động, cơ bản ổn định, đúng Hiến chương, điều lệ và tuân thủ pháp luật; xu hướng đồng hành cùng dân tộc là chủ yếu trong tất cả các tôn giáo. Những giá trị tích cực của đạo lý thờ cúng tổ tiên, tôn vinh và nhớ ơn những người có công với nước được thực hiện... Các tôn giáo tích cực tham gia các hoạt động y tế, giáo dục, xã hội, từ thiện; nguồn lực của các tôn giáo tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương được phát huy. Công tác tín ngưỡng, tôn giáo được các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị quan tâm, tham mưu thực hiện có hiệu quả; kịp thời phát hiện và xử lý các hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, tạo sự đồng thuận trong chức sắc, tín đồ và quần chúng nhân dân.
Sau hơn một năm triển khai Quyết định số 43/QĐ-TTg ngày 11/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ, công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo đã được Bộ Nội vụ và UBND các tỉnh, thành phố triển khai kịp thời. Cả nước đã tổ chức được hàng trăm hội nghị tập huấn cho cán bộ công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo nhằm trang bị những kiến thức cơ bản, cập nhật về lĩnh vực này. Thông qua các hội nghị tập huấn nghiệp vụ, nhận thức về tín ngưỡng, tôn giáo; trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác này được nâng lên, góp phần vào việc hướng dẫn các tổ chức tôn giáo hoạt động đúng quy định của pháp luật.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế là một trong những trung tâm tôn giáo của miền Trung và cả nước. Trong những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp trên địa bàn tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; hướng dẫn, giải quyết các nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của tổ chức, cá nhân tôn giáo; tuyên truyền, vận động, đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá và hoạt động trái pháp luật… Qua đó, tạo sự đồng thuận trong chức sắc, tu sỹ, tín đồ và quần chúng nhân dân, góp phần củng cố niềm tin của chức sắc, tín đồ đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của chính quyền các cấp.
Các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, gắn bó, luôn đồng hành và chia sẻ trách nhiệm với xã hội trên tinh thần sống “tốt đời, đẹp đạo”, “đạo pháp dân tộc, gắn liền chủ nghĩa xã hội”; tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào thi đua yêu nước.