Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi. Vậy mà, trong báo cáo về tự do tôn giáo quốc tế năm 2022 vừa công bố, Bộ Ngoại giao Mỹ và Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ (USCIRF), mặc dù ghi nhận một số tiến bộ của Việt Nam trong thúc đẩy tự do tôn giáo và trích dẫn một số thông tin chính thống của các cơ quan Chính phủ Việt Nam, song vẫn đưa ra những nhận định thiếu khách quan, dựa trên nhiều thông tin chưa được kiểm chứng và không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam.
Có thể thấy trong báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ và USCRIF có khá nhiều nội dung cũ mòn, mang nặng tính thành kiến và sai lệch, cho rằng luật pháp Việt Nam "sử dụng các điều khoản mơ hồ để hạn chế tự do tôn giáo"; "việc đăng ký sinh hoạt tôn giáo đông người còn gặp nhiều khó khăn". Báo cáo cũng tiếp tục xoáy sâu vào những điểm dễ gây hiểu nhầm giữa quyền tự do tôn giáo và nghĩa vụ tuân thủ luật pháp của các tín đồ tại Việt Nam khi sử dụng nhiều thông tin sai lệch do một số tổ chức, cá nhân phản động, chống đối, bất mãn cung cấp về việc "chính quyền đe dọa, sách nhiễu, bắt giữ nhiều chức sắc, tín đồ tôn giáo chưa đăng ký". Báo cáo còn viện dẫn việc xử lý các vụ đội lốt tôn giáo, lợi dụng giáo lý để trục lợi hoặc thực hiện âm mưu chia rẽ dân tộc, chống phá Nhà nước, như vụ tòa án tỉnh Tuyên Quang tuyên phạt 15 tín đồ người Hmong theo tà đạo Dương Văn Mình (tháng 5/2022) hay vụ việc tại Tịnh thất Bồng Lai (tháng 7/2022)… để lập luận rằng chính quyền một số địa phương "tiếp tục sử dụng biện pháp bạo lực đối với thành viên các nhóm tôn giáo thiểu số".
Với việc dựa vào những thông tin đã bị xuyên tác, bóp méo, cả Bộ Ngoại giao Mỹ lẫn USCIRF đều đưa ra những nhận xét sai lệch, thiếu khách quan, không có cơ sở về tình hình tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Thực tiễn đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng sôi động là minh chứng rõ ràng trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam . Cách đây 20 năm, cả nước có 6 tôn giáo với 15 tổ chức, 17 triệu tín đồ, khoảng 20 nghìn cơ sở thờ tự; 34 nghìn chức sắc, 78 nghìn chức việc. Đến năm 2022, Nhà nước đã công nhận 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo khác nhau, với khoảng 27 triệu tín đồ, trên 53 nghìn chức sắc, khoảng 135 nghìn chức việc; trên 29 nghìn cơ sở thờ tự…
Trên thực tế, các tổ chức tôn giáo hợp pháp ở Việt Nam được tạo điều kiện hoạt động thuận lợi; tín đồ các tôn giáo đều được bảo đảm quyền sinh hoạt tôn giáo theo nghi lễ truyền thống; các hoạt động đào tạo chức sắc, xây dựng, sửa chữa cơ sở thờ tự, quan hệ quốc tế,… của tổ chức, cá nhân tôn giáo diễn ra thuận lợi theo quy định của pháp luật, đã và đang đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của đông đảo quần chúng nhân dân. Trong 10 năm thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp hàng trăm hécta đất để xây dựng cơ sở thờ tự. Chỉ tính năm 2022, có 203 cơ sở thờ tự tôn giáo được cấp phép xây dựng mới, 283 cơ sở được cấp phép sửa chữa và cải tạo, tăng 60 cơ sở so với năm 2021. Thực tế này hoàn toàn trái ngược với những thông tin rằng chính quyền “cưỡng chế phá hủy nhiều cơ sở thờ tự, triển khai nhiều dự án đòi hỏi phải thu hồi quyền sử dụng đất và phá dỡ tài sản của các tổ chức và cá nhân tôn giáo trên cả nước” được nêu trong báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Việt Nam đã tích cực tham gia cơ chế đối thoại dân chủ, nhân quyền, tôn giáo hằng năm với các đối tác, trong đó có Mỹ, thành lập các đoàn công tác tới Mỹ và một số nước phương Tây để trực tiếp đối thoại, trao đổi về vấn đề tôn giáo. Việt Nam cũng đã chủ động cung cấp thông tin về thành tựu bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho những đoàn nghị sĩ, quan chức các nước vào Việt Nam làm việc, trong đó đoàn USCIRF vừa có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam từ 15 - 19/5. Tháng 3 vừa qua, Việt Nam đã công bố ‘Sách Trắng Tôn giáo và chính sách tôn giáo” nhằm cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch, chính xác về chính sách và thành tựu đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.
Những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong việc bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân là điều không thể phủ nhận. Đáng tiếc, Bộ Ngoại giao Mỹ và USCIR vẫn dựa trên nhiều thông tin chưa được kiểm chứng, xuyên tạc của các hội nhóm lưu vong phản động (như tổ chức “Ủy ban cứu người vượt biển”), hay hoạt động tôn giáo trái pháp luật của một số tổ chức như tà đạo Dương Văn Mình, Hội thánh của Đức Chúa Trời mẹ… để đưa ra những đánh giá phiến diện, quy kết Việt Nam “hạn chế tự do tôn giáo”. Cũng cần phải nhắc lại rằng ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới, quyền tự do tôn giáo đều phải thực hiện trong khuôn khổ pháp luật, như Điều 18 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị nêu rõ: “quyền tự do của cá nhân thể hiện tôn giáo hay tín ngưỡng của mình phải chịu các giới hạn, chẳng hạn như các giới hạn được luật pháp quy định và các giới hạn cần thiết để bảo vệ an toàn, trật tự, sức khỏe xã hội, hay tinh thần hoặc các quyền cơ bản và quyền tự do của những người khác”. Vụ việc cảnh sát Mỹ năm 2012 bắt giữ 7 thành viên nhóm Hutaree tự xưng là “chiến binh Thiên chúa giáo” vì có âm mưu chống lại chính quyền là một trong nhiều ví dụ cho thấy ở bất cứ quốc gia nào, mọi đối tượng lợi dụng quyền tự do tôn giáo để vi phạm pháp luật đều bị trừng trị.
Thiết nghĩ, giới chức Mỹ cần tiếp tục trao đổi thẳng thắn và tiếp nhận những thông tin chính thống của các cơ quan Chính phủ Việt Nam trên cơ sở thiện chí, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau để có những nhìn nhận, đánh giá khách quan, chính xác về tình hình tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam, tránh làm ảnh hưởng tới đà phát triển tích cực của mối quan hệ đối tác toàn diện hai nước.