Bảo đảm quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường của đồng bào có đạo
Cách đây 65 năm (ngày 2/8/1955), Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 566/TTg về việc thành lập Ban Tôn giáo, một đơn vị nằm trong Ban Nội chính Chính phủ, trực thuộc Thủ tướng Phủ (tiền thân của Ban Tôn giáo Chính phủ ngày nay), đồng thời thiết lập hệ thống Ban Tôn giáo trực thuộc các Ủy ban Hành chính khu, Ủy ban hành chính tỉnh (tiền thân của hệ thống ngành quản lý nhà nước về tôn giáo). Ngày 27/5/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định về việc lấy ngày 2/8 là ngày truyền thống của ngành quản lý nhà nước về tôn giáo.
Ngày 8/8/2007, Ban Tôn giáo Chính phủ được chuyển về Bộ Nội vụ, có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo trong phạm vi cả nước; thực hiện các dịch vụ công thuộc lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật.
Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng cho biết, qua 65 năm hoạt động, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, với sự nỗ lực và phấn đấu của nhiều thế hệ cán bộ làm công tác tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ và ngành quản lý nhà nước về tôn giáo đã không ngừng phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, vượt qua khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Đó là tham mưu cho Đảng, Nhà nước về chủ trương, chính sách pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; thực hiện việc quản lý nhà nước đối với các hoạt động tôn giáo tuân thủ đường lối, chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo theo pháp luật và bằng pháp luật; là đầu mối liên hệ với các tổ chức tôn giáo, vận động đồng bào theo các tôn giáo tham gia công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần đấu tranh chống các thế lực xấu lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo chống phá công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngay từ ngày mới thành lập, với đội ngũ cán bộ còn rất ít, Ban Tôn giáo đã tham mưu cho Chính phủ trong việc thực hiện tốt chính sách tôn giáo theo Sắc lệnh 234/SL của Chủ tịch nước, vận động, tuyên truyền để đồng bào Công giáo không bị mắc âm mưu, lừa gạt di cư vào Nam; bảo đảm quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường của đồng bào có đạo, tạo được sự ổn định, đoàn kết trong nhân dân, không phân biệt lương giáo, động viên đồng bào các tôn giáo hăng hái tham gia lao động sản xuất và đóng góp sức người, sức của cho công cuộc xây dựng hậu phương ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa và chi viện cho tiền tuyến. Hàng ngàn thanh niên là tín đồ tôn giáo đã lên đường nhập ngũ.
Ở miền Nam, các tổ chức tôn giáo yêu nước được thành lập, công tác tôn giáo đã động viên các tổ chức tôn giáo, chức sắc và tín đồ tham gia cuộc đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ, đấu tranh chống Mỹ - Diệm đàn áp tôn giáo, đòi độc lập và các quyền dân sinh, dân chủ, góp phần vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong chiến tranh, chức sắc, người theo đạo đã hy sinh anh dũng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Sau giải phóng, nhiều gia đình các tôn giáo được công nhận là gia đình có công với cách mạng, nhiều bà mẹ được Nhà nước tuyên dương Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Động viên các tổ chức tôn giáo "đồng hành cùng dân tộc"
Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước thống nhất, Ban Tôn giáo Chính phủ đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, xây dựng và tham mưu cho Đảng, Chính phủ từng bước hoàn thiện chính sách pháp luật đối với lĩnh vực tôn giáo, xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết 297/NQ-CP "Về một số chính sách đối với tôn giáo". Ban Tôn giáo Chính phủ đã tham mưu đề xuất với Đảng, Nhà nước và làm đầu mối giúp các tổ chức tôn giáo đi tới thống nhất về tổ chức, xây dựng Hiến chương, đường hướng hành đạo theo phương châm "tốt đời, đẹp đạo", gắn bó với dân tộc và đấu tranh có hiệu quả với âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo để hoạt động chống phá sự nghiệp thống nhất đất nước. Thời kỳ này, một số tổ chức tôn giáo được thành lập như Hội đồng Giám mục Việt Nam (1980), Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981).
Đặc biệt, trong thời kỳ thực hiện công cuộc đổi mới từ những năm 1990 đến nay, Ban Tôn giáo Chính phủ và ngành quản lý nhà nước về tôn giáo đã có những đóng góp quan trọng tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương ban hành nhiều nghị quyết về lĩnh vực công tác tôn giáo. Trong đó, phải kể đến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội thông qua có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018; Nghị định 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã đánh dấu mốc quan trọng cho quá trình hoàn thiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam, cụ thể hóa đầy đủ nội dung, tinh thần của Hiến pháp năm 2013, tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc để bảo đảm tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi người; các chủ trương, chính sách đối với từng tôn giáo cụ thể như công tác đối với đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Tin lành, Công giáo. Thời kỳ này, có 16 tôn giáo, 38 tổ chức tôn giáo được công nhận, thừa nhận; 4 tổ chức và 1 pháp môn được cấp đăng ký hoạt động tôn giáo.
Theo ông Vũ Chiến Thắng, Ban Tôn giáo Chính phủ đã phối hợp với các bộ, ban, ngành chức năng hướng dẫn Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức thành công ba Đại lễ Vesak Liên hợp quốc (năm 2008, 2014 và 2019) tại Việt Nam, đã góp phần nâng cao uy tín và vị thế của đất nước Việt Nam trong việc tổ chức các sự kiện quốc tế, tạo ấn tượng tích cực mạnh mẽ với bạn bè thế giới và quảng bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam đồng thời khẳng định chính sách đúng đắn về tôn giáo và công tác tôn giáo của Việt Nam; chủ động đối thoại với Tòa thánh Vatican, góp phần nâng cấp quan hệ giữa Việt Nam - Vatican từ mức đặc phái viên không thường trú lên mức đặc phái viên thường trú. Ban Tôn giáo Chính phủ đã xây dựng lập luận phản bác những đánh giá thiếu khách quan, không thiện chí về tình hình tôn giáo và bảo vệ thành công tại các cuộc đối thoại nhân quyền giữa Việt Nam với các nước Hoa Kỳ, Thụy Sĩ, Na Uy, Australia; tích cực trong việc vận động không đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC) và danh sách Theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo (Watch list); chủ trương xử lý hoạt động của các nhóm, tổ chức tôn giáo cực đoan, giải quyết vấn đề nhà đất liên quan đến tôn giáo... góp phần đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội.
Tổ chức bộ máy của Ban Tôn giáo Chính phủ và ngành quản lý nhà nước về tôn giáo ngày càng lớn mạnh về cơ cấu tổ chức và đội ngũ cán bộ. Hệ thống Ban Tôn giáo các địa phương cũng không ngừng được củng cố trong suốt 65 năm qua. Đến nay có 56/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ; 2/63 tỉnh, thành phố thành lập Ban Dân tộc – Tôn giáo trực thuộc UBND tỉnh; 5 tỉnh thành lập Phòng Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ, ở cấp huyện đều có cán bộ thuộc Phòng Nội vụ và cơ quan chuyên môn cấp huyện làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo.
Những nỗ lực của Ban Tôn giáo Chính phủ nói riêng, ngành quản lý nhà nước về tôn giáo nói chung đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận với nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Hồ Chí Minh, hai lần được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất và Huân chương Lao động các hạng…
Tiếp tục nỗ lực hơn nữa để xây dựng đội ngũ làm công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo đảm bảo về chất lượng, có đạo đức, có "tư tưởng sự nghiệp", đó là nhiệm vụ đặt ra cho toàn ngành nhằm đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới, trong thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Bên cạnh đó, theo Trưởng ban Vũ Chiến Thắng, trọng tâm là phải tiếp tục tham mưu xây dựng hoàn thiện hơn nữa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo trên tinh thần tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người và đảm bảo phù hợp với các công ước, điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia; quản lý nhà nước đối với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước; vận động, động viên các tổ chức tôn giáo hoạt động theo phương châm "đồng hành cùng dân tộc", góp phần củng cố khối đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.