Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV:

Nâng cao hiệu quả thực hiện các kết luận của Kiểm toán

Sáng 5/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực kiểm toán. Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đã trả lời các vấn đề được đại biểu Quốc hội nêu.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Thuý đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn Tuyên Quang) đặt câu hỏi về giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện các kết luận của Kiểm toán trong thời gian tới. Theo đại biểu Ma Thị Thúy, Báo cáo số 599 của Kiểm toán Nhà nước cho thấy số tiền kiến nghị chưa thu được nguyên nhân thuộc về đơn vị được kiểm toán chiếm tỷ lệ còn cao (59%). Đại biểu đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết lý do, giải pháp khắc phục của ngành cũng như kiến nghị Tổng Kiểm toán để nâng cao hiệu quả thực hiện các kết luận của Kiểm toán trong thời gian tới.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang Nguyễn Danh Tú đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Đoàn Kiên Giang) chia sẻ, đến nay, số lượng kết luận kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện còn lớn; các giải pháp khắc phục tình trạng kết luận kiến nghị kiểm toán không thực hiện được do chính trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước?

Trả lời các đại biểu về nội dung này, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, hiện nay việc thực hiện kết luận của kiểm toán được các cơ quan quan tâm; đặc biệt sau khi Quốc hội thực hiện giám sát tối cao thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến thực hành, tiết kiệm chống lãng phí, tiến độ và ý thức chấp hành trong thực hiện kết luận của Kiểm toán cao hơn. Tuy nhiên, theo thống kê vẫn còn hơn 67.000 tỷ đồng liên quan đến kết luận kiểm toán chưa được thực hiện, trong đó nguyên nhân từ đơn vị được kiểm toán chiếm 59,46%.

Ông Ngô Văn Tuấn cho biết, kiến nghị kiểm toán chậm được thực hiện có 4 nhóm nguyên nhân, trong đó có trên 59% thuộc về đơn vị được kiểm toán, 24% thuộc về bên thứ ba, 16% thuộc về nguyên nhân khác và 0,4% thuộc về kiểm toán. Theo Nghị quyết 74 của Quốc hội thì nguyên nhân chậm trễ thực hiện kiến nghị kiểm toán nói riêng và kỷ cương kỷ luật tài chính nói chung, ngoài nguyên nhân cơ chế, chính sách…, cơ bản vướng ở khâu tổ chức thực hiện; thể hiện ở ý thức, tinh thần trách nhiệm, tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, công tác phối hợp...

Trong những nguyên nhân chậm thực hiện kết luận, kiến nghị của kiểm toán, lý do thứ nhất là kiến nghị của kiểm toán chưa tâm phục, khẩu phục và đơn vị được kiểm toán đang khiếu nại theo quy định của luật; thứ hai là có những kết luận, kiến nghị kiểm toán đúng nhưng không thể thực hiện được; thứ ba là đơn vị chưa thực hiện.

Thời gian tới Kiểm toán Nhà nước sẽ nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán. Trong đó có việc tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; nâng cao năng lực, trình độ của kiểm toán viên; tăng cường kiểm tra, giám sát; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu các đoàn kiểm toán. 

Chú thích ảnh
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trả lời chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Với kiến nghị kiểm toán đến nay vẫn chưa thực hiện, do có những kiến nghị mà đơn vị được kiểm toán đã giải thể, phá sản, pháp nhân về hưu, chết hoặc mất tích -  đây cũng là một trong những tồn tại, hạn chế. Luật Kiểm toán đang được tiến hành tổng kết theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh toàn khóa, hy vọng sau khi Luật được sửa đổi, bổ sung sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế vừa nêu.

Cũng theo ông Ngô Văn Tuấn, thời gian tới Kiểm toán Nhà nước sẽ quyết tâm, quyết liệt nâng cao kết luận kiến nghị, làm sao để kiến nghị thật đúng, thật trúng; tăng cường việc đôn đốc, công khai; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan, nâng cao ý thức tinh thần trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu. 

Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn Hà Giang về thực hiện  kiến nghị kiểm toán để hoàn thiện cơ chế, chính sách, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định: Việc thực hiện kiến nghị về sửa đổi cơ chế, chính sách trong thời gian vừa qua đúng là chậm so với yêu cầu. Trong giai đoạn từ năm 2019-2023, cơ quan Kiểm toán kiến nghị sửa đổi 1.069 văn bản; tỷ lệ sửa là khoảng 31,6%. Tuy nhiên, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 74 thì tiến độ sửa chữa văn bản cũng được thúc đẩy nhanh hơn; riêng năm 2023 là 98/270 văn bản, đạt 36%, cao hơn bình quân của 5 năm gần đây.

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn, việc tiến hành sửa đổi một văn bản quy phạm pháp luật cần thời gian, xuất phát từ hệ thống pháp luật. Khi Quốc hội ban hành Luật, thì cần có nghị định quy định chi tiết và khi có nghị định quy định chi tiết rồi thì cần có thông tư hướng dẫn thực hiện cụ thể. Có những luật cần sửa đổi, bổ sung nên cần phải có thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng, tổng hợp, đánh giá trong quá trình hoàn thiện. Trong thời gian tới, với trách nhiệm của mình, Tổng Kiểm toán Nhà nước tiếp tục thực hiện chức năng phát hiện những "kẽ hở", bất cập để kiến nghị sửa đổi và đôn đốc, theo dõi việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán…

TTXVN/Báo Tin tức
Thông cáo báo chí số 14, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV
Thông cáo báo chí số 14, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Thứ Ba, ngày 4/6/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ mười ba của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội, bắt đầu tiến hành nội dung chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội dưới sự chủ trì điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN