Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 99/2019/QH14 về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.

Chú thích ảnh
Diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ phối hợp nhiều lực lượng, phương tiện tại Công ty TNHH điện tử Foster, Khu công nghiệp VSIP, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, ngày 27/11/2019. Ảnh: Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN

Theo đó, Quốc hội tán thành Báo cáo số 41/BC-ĐGS ngày 17/10/2019 của Đoàn giám sát của Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018 với các kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập trong công tác phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018 và các đề xuất, kiến nghị của Đoàn giám sát.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu những tồn tại, hạn chế, xem xét tiếp thu, triển khai thực hiện có hiệu quả những đề xuất, kiến nghị được nêu trong Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân vào việc thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Chính phủ tổng kết, rà soát, nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Phòng cháy và chữa cháy, các quy định của pháp luật có liên quan; chủ động rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kịp thời tham mưu xây dựng, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan đến phòng cháy, chữa cháy; quy chuẩn kỹ thuật địa phương về phòng cháy, chữa cháy đối với một số loại hình cơ sở đặc thù của mỗi địa phương; quy định chế độ, chính sách hỗ trợ cho lực lượng làm công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tương xứng với tính chất, yêu cầu nhiệm vụ; có chính sách cụ thể để khuyến khích, động viên mọi tầng lớp nhân dân tham gia hoạt động phòng cháy, chữa cháy.

Chính phủ đôn đốc các địa phương xây dựng, ban hành quy định về việc xử lý các cơ sở trên địa bàn không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực, hoàn thành trong năm 2021.

Các bộ, ngành, địa phương có giải pháp tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức về phòng cháy, chữa cháy; đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp, phương pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức pháp luật, kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy; trang bị cho người dân những kiến thức, kỹ năng thực sự cần thiết, nhất là kiến thức về phòng cháy, kỹ năng thoát nạn, sử dụng các phương tiện, thiết bị chữa cháy ban đầu; tăng cường thời lượng, ưu tiên bố trí khung giờ tuyên truyền về công tác phòng cháy, chữa cháy và kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, thoát hiểm, thoát nạn; chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện giáo trình, bài giảng bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, đưa vào chương trình học tập, hoạt động ngoại khóa trong nhà trường và các cơ sở giáo dục phù hợp với từng cấp học, ngành học theo quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy bắt đầu từ năm học 2021 - 2022.

Trong công tác phòng cháy và chữa cháy, lấy phòng ngừa là chính; tập trung chỉ đạo xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy sâu rộng, với phương châm “bốn tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ), nòng cốt là lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở và lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành; nghiên cứu thí điểm giao một số nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng bảo vệ dân phố, lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở phù hợp với quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Các đơn vị kiện toàn ban chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các bộ, ngành, địa phương phù hợp với yêu cầu thực tế; xác định rõ cơ chế phối hợp giữa chính quyền địa phương với các cơ quan, tổ chức về thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” trong phòng cháy, chữa cháy; chú trọng xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến theo hướng tự phòng, tự quản về an toàn phòng cháy, chữa cháy tại cụm dân cư, cụm doanh nghiệp; giải quyết chế độ, chính sách kịp thời, thỏa đáng đối với người bị thương, hy sinh hoặc thiệt hại về tài sản khi tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; kịp thời động viên, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác phòng cháy và chữa cháy.

Các bộ, ngành, địa phương xây dựng chiến lược, kế hoạch, phương án phòng cháy, chữa cháy, chú trọng địa bàn, công trình trọng điểm quốc gia, khu đô thị, khu công nghiệp, khu thương mại có nguy cơ cháy, nổ cao, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; thực hiện đồng bộ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương gắn với quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy, chú trọng xây dựng mạng lưới giao thông và hệ thống cấp nước đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác chữa cháy; sớm thực hiện việc bố trí, di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa, hóa chất độc hại, nguy hiểm, có nguy cơ cháy, nổ cao ra khỏi khu dân cư, nơi đông người theo quy định của pháp luật.

Các đơn vị nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra phòng cháy, chữa cháy; có giải pháp xử lý dứt điểm các công trình đang tồn tại vi phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; công khai các dự án, công trình vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trên phương tiện thông tin đại chúng; kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ công trình, dự án đang triển khai có vi phạm pháp luật về phòng cháy cho đến khi khắc phục hoàn toàn các sai phạm; chấm dứt tình trạng cơ sở, công trình xây dựng mới đưa vào sử dụng khi chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và xem xét trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật; nghiên cứu xây dựng cơ chế quản lý về bảo đảm an toàn điện, nhất là trong lắp đặt, sử dụng các thiết bị điện tại cơ sở, hộ gia đình theo quy định của Luật Điện lực, đáp ứng yêu cầu phòng cháy và chữa cháy.

Các bộ, ngành, địa phương nâng cao hiệu quả công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy; thường xuyên tổ chức tập huấn, diễn tập, thực tập các phương án, tình huống xử lý sự cố cháy, nổ và cứu nạn, cứu hộ; nghiên cứu các giải pháp đồng bộ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy, nổ, nhất là số vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản; tăng cường xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, chú trọng phát triển mạng lưới các đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tại các địa bàn, khu vực trọng điểm; bố trí quỹ đất xây dựng trụ sở làm việc, doanh trại, trung tâm huấn luyện cho các đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tại địa điểm phù hợp với yêu cầu của công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ...

Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, điều chỉnh, bổ sung Đề án quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; xây dựng, ban hành quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật; bảo đảm ngân sách nhà nước cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy và lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy ở các cấp ngân sách đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; thực hiện quy định về hỗ trợ thường xuyên cho đội trưởng, đội phó đội dân phòng và đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở không chuyên trách.

Các đơn vị đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng cháy, chữa cháy, có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; thực hiện nghiêm quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế, tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ hiện đại và nâng cao trình độ chuyên môn về phòng cháy, chữa cháy...

Nghị quyết nêu rõ: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chỉ đạo tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết này. Hằng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết này tại kỳ họp cuối năm.

TTXVN/Báo Tin tức
Quốc hội thông qua 3 Nghị quyết về: Phòng cháy chữa cháy, Hoạt động chất vấn và Kỳ họp thứ 8
Quốc hội thông qua 3 Nghị quyết về: Phòng cháy chữa cháy, Hoạt động chất vấn và Kỳ họp thứ 8

Với 92,96% đại biểu tán thành, chiều 27/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN