Nâng cao chất lượng thực hiện dân chủ ở cơ sở

Chiều 31/7, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo quy chế dân chủ Trung ương tổ chức Hội nghị sơ kết việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.

Chú thích ảnh
Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Phát biểu kết luận Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, Bộ Chính trị khóa VIII đã ban hành Chỉ thị 30-CT/TW về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở (Chỉ thị 30); sau khi tổng kết 10 năm thực hiện, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 65-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 30. Đến nay, Quốc hội vừa thông qua Luật thực hiện Dân chủ ở cơ sở.

“Sau 25 năm triển khai, đề nghị Bộ Chính trị tổng kết Chỉ thị 30. Đây là việc làm cần thiết để đánh giá những kết quả đã đạt được, điều chỉnh những vấn đề chưa phù hợp với thực tế”, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội nói.

Nhất trí với những nhiệm vụ đặt ra trong 6 tháng cuối năm 2023, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội nhấn mạnh nhiệm vụ triển khai thực hiện hiệu quả Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; Quyết định số 346/QĐ-TTg ngày 6/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đồng thời, tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản liên quan đến việc cụ thể hóa Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đảm bảo đồng bộ, thống nhất; qua đó phát huy tốt vai trò làm chủ, khơi dậy sức sáng tạo, hiến kế và nguồn lực trong nhân dân.

Theo báo cáo tại Hội nghị, 6 tháng đầu năm 2023, công tác xây dựng, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tiếp tục được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện đồng bộ, đạt được nhiều kết quả rõ nét.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được chỉ đạo triển khai đồng bộ, kịp thời theo hướng tôn trọng, phát huy quyền làm chủ trực tiếp của người dân. Việc thực hiện dân chủ trong các loại hình cơ sở có nhiều chuyển biến thực chất, hiệu quả hơn. Ban Chỉ đạo quy chế dân chủ các cấp có nhiều đổi mới, sáng tạo trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Tổ chức bộ máy và hoạt động của Ban Chỉ đạo thường xuyên được củng cố, tăng cường, phát huy với tinh thần, trách nhiệm của các thành viên. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội đã bám sát nhiệm vụ chính trị, gắn liền với thực tiễn cuộc sống, quyền dân chủ của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân được thể hiện và phát huy.

Việc thực hiện quy chế dân chủ đã tạo điều kiện cho nhân dân tham gia bàn bạc, giám sát theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Phát huy dân chủ trực tiếp và gián tiếp của nhân dân được thực thi có hiệu quả trong mọi hoạt động của đời sống xã hội. Nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, người đứng đầu đơn vị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần phát huy vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân tham gia bàn bạc những công việc của địa phương, góp ý xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh.

Để tiếp tục quán triệt những quan điểm chỉ đạo của Trung ương về mở rộng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; nâng cao chất lượng thực hiện dân chủ ở cơ sở, 6 tháng cuối năm 2023, Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ các cấp, ngành tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh việc quán triệt, tuyên truyền, tổ chức thực hiện các văn bản của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực này, trọng tâm là Kết luận số 120 -KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI “Về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”.

Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ các cấp, ngành nghiên cứu, cụ thể hóa, thể chế hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”; triển khai thực hiện hiệu quả Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

Bên cạnh đó là đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 toàn diện, đồng bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; thực hiện nghiêm việc tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo theo quy định; tăng cường tiếp xúc, đối thoại, gặp gỡ, tiếp xúc giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân…; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở…

Diệp Trương (TTXVN)
Triển khai thi hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Triển khai thi hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định 346/QĐ-TTg ngày 6/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN