Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội Nguyễn Duy Ánh cho biết: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội gồm một cơ sở chính và ba cơ sở vệ tinh. Bệnh viện có 34 khoa phòng trung tâm (15 khoa lâm sàng, 8 khoa cận lâm sàng, 3 trung tâm và 9 phòng chức năng). Năm 2017, bệnh viện đã thực hiện hơn 680.000 lượt khám bệnh, gần 40.000 ca đẻ, hơn 27.000 ca phẫu thuật.
Bệnh viện hiện đang tập trung phát triển các mũi nhọn chuyên sâu như: sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, áp dụng chẩn đoán hình ảnh, chọc ối... Đồng thời, bệnh viện thực hiện những hoạt động khác như nghiên cứu khoa học, chỉ đạo tuyến và hợp tác quốc tế...
Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức là bệnh viện hạng II, được thành lập ngày 20/7/1965. Khi mới thành lập, bệnh viện chỉ có 50 giường bệnh với 13 cán bộ, viên chức. Đến nay, Bệnh viện có hơn 200 giường bệnh kế hoạch, 24 khoa, phòng chức năng và tổng số 293 cán bộ. Mỗi ngày, Bệnh viện khám và điều trị cho khoảng 600 bệnh nhân. Bệnh viện đang tập trung phát triển nội ngoại sản nhi, thay khớp háng, chấn thương chỉnh hình...
Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị: Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, thời gian tới, các bệnh viện cần cử cán bộ đi đào tạo, tìm mũi nhọn và nhu cầu thực tế để phát triển kỹ thuật; khuyến khích phát triển dịch vụ; chuyển giao công nghệ.
Trong đó, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiếp tục tập trung phát triển hoạt động sàng lọc và chẩn đoán trước sinh, sơ sinh; dự phòng, sàng lọc ung thư phụ khoa; quản lý bệnh viện theo quy trình chuẩn gắn với ứng dụng công nghệ thông tin; thành lập trung tâm tế bào gốc; nghiên cứu để thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức cần bố trí khoa khám bệnh rộng rãi hơn; rà soát lại danh mục kỹ thuật của bệnh viện hạng II để bổ sung đúng quy định; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để thu hút bệnh nhân đến khám và điều trị…
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến thăm, tặng quà nhiều bệnh nhân đang điều trị tại hai bệnh viện.