Phó trưởng ban Dân vận Trung ương Đỗ Văn Phới và Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam Bùi Quang Huy đồng chủ trì hội nghị.
Hội nghị tập trung trao đổi, thảo luận và cho ý kiến góp ý vào các nội dung: dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng; dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam Bùi Quang Huy cho biết, việc tham gia góp ý Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là tập hợp và phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của đội ngũ trí thức trẻ, những người làm công tác giáo dục nói riêng và của toàn dân nói chung trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, xa hơn là năm 2045, góp phần nâng cao chất lượng dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; làm cho ý Đảng hợp với lòng dân… tạo sự thống nhất cao về nhận thức, hành động và ý chí quyết tâm trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra.
Tại hội nghị, các đại biểu đều khẳng định dự thảo văn kiện Đại hội Đảng được xây dựng công phu, chặt chẽ, kết cấu, bố cục rõ ràng, có sức thuyết phục, thể hiện tính khoa học cao; đưa ra được những định hướng và giải pháp trọng dụng nhân tài, là bước đột phá, thể hiện tầm nhìn và sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, mở ra cơ hội cho nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao được cống hiến và đóng góp trí tuệ, tài năng cũng như thực hiện trách nhiệm của những người trẻ đối với đất nước.
Góp ý vào dự thảo văn kiện, các đại biểu đề xuất thêm một số từ, cụm từ vào nội dung văn kiện để khẳng định và làm rõ hơn vai trò lãnh đạo của Đảng, tăng cường sự đoàn kết trong Đảng; bổ sung đánh giá một số tồn tại trong công tác quản lý, cải cách hành chính, cơ chế chính sách đào tạo nguồn lực đầu tư cho các địa phương; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ; các nhiệm vụ trọng tâm đột phá… Trong đó, các vấn đề liên quan đến công tác giáo dục, đào tạo cả về tri thức và đạo đức, tư tưởng, lối sống của thanh thiếu niên, sinh viên, học sinh được các đại biểu đặc biệt quan tâm.
Anh Hồ Hữu Nhương, Bí thư Đoàn Trường Trung học phổ thông Đồng Phú (huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) cho rằng, trong dự thảo Xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 nên bổ sung chủ trương đa dạng hóa các loại hình giáo dục và đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân, ở mọi lứa tuổi được học thường xuyên, liên tục, suốt đời để hướng đến phát triển nguồn nhân lực trình độ cao. Ngoài ra, bên cạnh việc “sắp xếp, đổi mới căn bản hệ thống các cơ sở đào tạo sư phạm” như trong dự thảo Báo cáo chính trị đã xác định, cần bổ sung chủ trương, giải pháp về cơ chế, chính sách để hình thành một số cơ sở đào tạo sư phạm đạt chất lượng cao trong khu vực, bởi đây là đòi hỏi của quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, phù hợp với đặc thù của lĩnh vực đào tạo sư phạm.
Anh Hà Thanh Đạt, Bí thư Đoàn Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (Thành phố Hồ Chí Minh) đề xuất, văn kiện Đại hội cần lưu ý đề cập đến việc tăng cường học ngoại ngữ, xây dựng xã hội học tập chủ động và tăng cường bồi dưỡng tư tưởng chính trị cho đội ngũ sinh viên, trí thức trẻ. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng môi trường giảng dạy và học tập tại hệ thống các trường đại học dân lập, tránh đào tạo đại trà mà không chất lượng; cần có sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc định hướng nghề, giải quyết việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp.
Đối với đội ngũ những người làm công tác giảng dạy, anh Phạm Văn Toàn, Bí thư Đoàn Trường Cao đẳng Cần Thơ (Thành phố Cần Thơ) đề xuất, trong dự thảo Xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 cần quy định chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát đối với giảng viên, giáo viên từ giáo dục mầm non đến đại học; có phương hướng nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên, giảng viên, hạn chế tối đa bị tác động lối sống không lành mạnh, không để xảy ra tiêu cực làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục Việt Nam. Ngoài ra, anh Toàn cũng đề xuất văn kiện bổ sung chủ trương nâng cấp cơ sở vật chất, đặc biệt là thiết bị tin học công nghệ cao cho đơn vị trường học các cấp nhằm chuyển đổi hình thức giảng dạy từ truyền thống “bảng đen - phấn trắng” sang “giảng dạy 4.0” phù hợp với tình hình mới.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Khánh, Bí thư Đoàn Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, dự thảo Báo cáo chính trị nên lưu ý cụ thể hơn về việc củng cố giá trị, văn hoá dân tộc cho thanh thiếu niên, thiếu nhi Việt Nam thông qua các hình thức đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư cho điện ảnh và âm nhạc như hai kênh quảng bá văn hóa hiệu quả, trong bối cảnh nhiều giá trị truyền thống của đất nước đang dần bị mai một trong khi luồng văn hóa của nước ngoài lại được thế hệ trẻ đón nhận nhiệt liệt. Bên cạnh đó, chị Khánh cũng đề xuất bổ sung trong dự thảo Báo cáo chính trị chủ trương thực hiện nghiên cứu mang tính tổng thể trên toàn quốc về xu hướng, tâm sinh lý của thế hệ thanh niên Việt Nam đang trưởng thành song song với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với sự tham gia, vào cuộc của các tổ chức, hệ thống chính trị nhằm tìm ra giải pháp giúp tổ chức Đảng, Đoàn tiếp cận với thanh niên dễ dàng hơn.
Chị Cao Hoàng Uyên, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học An Giang kiến nghị trong văn kiện Đại hội cần có giải pháp chiến lược nhằm đào tạo nguồn nhân lực trẻ chủ động tham gia phát triển kinh tế - xã hội và thích ứng cao với phát triển của khoa học công nghệ; bổ sung các giải pháp cụ thể để chăm lo, giáo dục, bảo vệ thiếu niên, nhi đồng; xây dựng các chương trình, nghị quyết liên quan đến Đoàn Thanh niên và công tác thanh niên, sớm đưa Luật Thanh niên vào cuộc sống. Chị Uyên cũng đề xuất Đại hội có hướng hỗ trợ, chăm lo cho những thanh niên bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 trong năm nay, đặc biệt là bộ phận thanh niên, sinh viên sau tốt nghiệp không tìm được việc làm.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, ông Đỗ Văn Phới, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương đánh giá cao những ý kiến góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội XIII của trí thức trẻ, giảng viên trẻ, học sinh, sinh viên tiêu biểu; nhiều ý kiến vừa cụ thể vừa có tầm khái quát, tiếp cận nghiêm túc những vấn đề của dự thảo văn kiện, phản ánh những điểm căn cốt của dự thảo văn kiện Đại hội sắp tới, đặc biệt là về công tác giáo dục, đào tạo thanh thiếu niên. Qua đó, có thể thấy đối tượng trí thức, giáo viên, giảng viên trẻ, đoàn viên, học sinh, sinh viên không thờ ơ, không tiếp cận các dự thảo văn kiện một cách chung chung mà có sự quan tâm một cách sâu sắc các nội dung, bằng nhận thức, trí tuệ của mình tập trung nghiên cứu để đề xuất, góp ý vào dự thảo văn kiện những vấn đề liên quan đến đời sống sinh hoạt, học tập và nghề nghiệp của mình.
Ông Phới cho biết, những ý kiến, đề xuất của trí thức trẻ sẽ được tổng hợp đầy đủ cả về tinh thần cũng như câu chữ, chuyển tải đầy đủ đến các cơ quan chức năng của Đảng để tiếp thu, hoàn thiện các dự thảo văn kiện thời gian tới.