Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu chỉ rõ, nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nhà nước pháp quyền định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền tự do, dân chủ của công dân, thời gian qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương rất quan tâm đến công tác xây dựng pháp luật.
Sau ha năm áp dụng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho thấy tính đúng đắn của các quy định trong Luật, góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật.
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 lần đầu tiên có quy định tách bạch rõ hai công đoạn gồm xây dựng chính sách, đánh giá tác động chính sách và soạn thảo văn bản, quy phạm hóa các chính sách đã được thông qua. Hội thảo nhằm quán triệt, tập huấn chuyên sâu nghiệp vụ, kỹ năng cho cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật, góp phần đưa luật vào cuộc sống.
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác soạn thảo văn bản còn tồn tại một số hạn chế như kỹ năng của cán bộ tham gia công tác soạn thảo còn yếu, chưa được đào tạo bài bản về kỹ thuật lập pháp. Việc lấy ý kiến nhân dân, lấy ý kiến đối tượng tác động, đặc biệt tổng hợp và tiếp thu ý kiến còn hình thức, ảnh hưởng đến chất lượng dự thảo văn bản. Ngoài ra, sự phối kết hợp giữa các bộ, ngành với nhau trong công tác xây dựng pháp luật chưa chặt chẽ...
Theo ông Võ Văn Tuyển, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp), trong năm 2017, các bộ, cơ quan ngang bộ đã kiểm tra 10.772 văn bản quy phạm pháp luật, các địa phương kiểm tra được 17.084 văn bản; phát hiện hơn 1.200 văn bản trái pháp luật về thẩm quyền ban hành và nội dung, trên 3.000 văn bản sai sót về căn cứ pháp lý, thể thức, kỹ thuật trình bày.
Nguyên nhân của tình trạng này là do trình độ của cán bộ tham mưu ban hành văn bản của một số cơ quan còn hạn chế, nhiều đề xuất ban hành không xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, không phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam. Bên cạnh đó, các bộ, ngành chưa thực hiện nghiêm một số quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về trình tự, thủ tục xây dựng đặc biệt là việc đánh giá tác động, khảo sát, tổng kết thực tiễn; công tác kiểm tra, xử lý vi phạm chưa kịp thời...
Từ thực tế này, để nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian tới, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Võ Văn Tuyển cho rằng cần quan tâm đúng mức đến nguồn nhân lực trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, coi đây là khâu then chốt; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật.
Các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các quy định về ban hành văn bản, kịp thời xử lý những cơ quan, cá nhân liên quan đến việc ban hành văn bản trái luật; tăng cường cơ chế phối hợp giữa cơ quan, tổ chức trong quá trình xây dựng và ban hành văn bản; tăng cường cơ chế kiểm soát trước đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát sau đối với văn bản quy phạm pháp luật.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi những hạn chế, tồn tại của công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật; phân tích, làm rõ các tiêu chí đánh giá chất lượng công tác soạn thảo văn bản của bộ, ngành, địa phương đồng thời đề xuất nhiều biện pháp thiết thực để nâng cao chất lượng công tác này trong thời gian tới.