Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và các đồng chí lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương chủ trì Hội nghị; đại diện thường trực các tỉnh ủy, thành ủy đồng chủ trì các điểm cầu tại địa phương.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội và các điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có gần 1.500 cán bộ, công chức ngành Nội chính Đảng, đại diện thường trực tỉnh ủy, thành ủy và lãnh đạo một số cấp ủy, cơ quan nội chính tại địa phương.
Hội nghị đã tập trung phổ biến, quán triệt về những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm từ nhiệm kỳ Đại hội XII và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, cải cách tư pháp được nêu trong các Văn kiện Đại hội XIII. Trên cơ sở các nội dung cơ bản trong văn kiện, Hội nghị đã mở rộng làm rõ các quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, cải cách tư pháp cần quán triệt, triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Chương trình hành động của ngành Nội chính Đảng thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về nhiệm vụ công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp với 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, bám sát, cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội XIII về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp.
Trên cơ sở tổng kết thi đua chuyên đề giai đoạn 2019-2020, Ban Nội chính Trung ương phát động phong trào thi đua đối với các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy nhằm nâng cao chất lượng công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng cải cách tư pháp giai đoạn 2021-2025 với chủ đề: “Phát hiện và tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng; chủ trì tham mưu xử lý các vấn đề phức tạp, nổi cộm về an ninh trật tự trên địa bàn”.
Chuyên đề thi đua được phát động thực hiện trong 05 năm, từ đầu năm 2021 đến hết năm 2025, chia làm 2 đợt: Đợt 1: Sơ kết, khen thưởng những tập thể có thành tích xuất sắc trong 03 năm, tổ chức vào cuối năm 2023; Đợt 2: Tổng kết, đánh giá kết quả và khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 05 năm, tổ chức vào cuối năm 2025. Hằng năm có đánh giá kết quả, trao đổi học tập kinh nghiệm, tổ chức vào cuối năm trong phạm vi các cụm.
Các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy thông qua công tác nghiên cứu báo cáo, văn bản; xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo; nắm bắt dư luận xã hội và báo chí; công tác theo dõi, nắm tình hình; kiểm tra, giám sát; kiến nghị, đề xuất của các cơ quan có liên quan… để phát hiện và tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo xử lý hiệu quả các vụ án, vụ việc tham nhũng; đề xuất với cấp ủy giao ban nội chính chủ trì tham mưu xử lý các vấn đề phức tạp, nổi cộm về an ninh, trật tự trên địa bàn, gồm: Các vụ án, vụ việc tham nhũng xảy ra trên địa bàn chưa được phát hiện; các vấn đề phức tạp, nổi cộm có liên quan đến dân tộc, tôn giáo; có yếu tố nước ngoài; khiếu kiện phức tạp, đông người, vượt cấp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm… về an ninh trật tự tại địa phương.
Kết luận Hội nghị, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc nhấn mạnh toàn ngành tập trung làm tốt nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các quan điểm, chủ trương, định hướng lớn của Đảng về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, cải cách tư pháp và hoàn thiện thể chế, pháp luật về nội chính, phòng, chống tham nhũng, cải cách tư pháp theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Ngành chú trọng nghiên cứu, tham mưu chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng để "không thể tham nhũng". Trọng tâm là hoàn thiện các quy định về kiểm soát quyền lực; trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm giải trình, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; cơ chế bảo vệ, khuyến khích mạnh mẽ người đứng đầu kiểm tra, phát hiện xử lý tham nhũng và cơ chế bảo vệ, khuyến khích người tố cáo, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, đồng thời xử lý nghiêm những người lợi dụng chống tham nhũng để vu khống, gây mất đoàn kết nội bộ; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý; hoàn thiện thể chế và hệ thống cơ sở hạ tầng để thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt...
Ngành tích cực, chủ động, sâu sát, kiên trì, quyết liệt, bản lĩnh trong tham mưu chỉ đạo phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn để "không dám tham nhũng". Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp; Chú trọng kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở các cơ quan nội chính, nhất là kiểm tra, giám sát hoạt động thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Ngành chủ động phối hợp, tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội đã đề ra theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nội chính; chủ trì tham mưu chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chiến lược cải cách tư pháp, góp phần xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đồng thời tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Nội chính Đảng thật sự "Trung thành- Liêm chính- Bản lĩnh- Sáng tạo"...