Nâng cao chất lượng công tác giám sát việc thực hiện nghị quyết về đầu tư công

Ngày 20/8, tại thành phố Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), Ban Công tác đại biểu (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) phối hợp với Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức Hội nghị giao ban Thường trực các tỉnh, thành phố khu vực miền Đông Nam Bộ lần thứ 5, nhiệm kỳ 2016-2021 với chủ đề “Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, thẩm tra các chương trình, dự án đầu tư công, việc quản lý, sử dụng tài sản công”.

Dự Hội nghị có Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, đại diện các tỉnh, thành phố Cần Thơ, Tiền Giang, Thừa Thiên - Huế, Lâm Đồng và Điện Biên.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu chỉ đạo Hội nghị. 

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị các tỉnh, thành phố trong khu vực cần nhận thức sâu sắc về vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015, Luật Đầu tư công năm 2014, nhằm để thực hiện đúng các quy định của pháp luật; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thẩm tra, giám sát của Hội đồng nhân dân đối với nội dung liên quan đến đầu tư công, việc sử dụng, quản lý tài sản công; nâng cao chất lượng công tác giám sát việc thực hiện nghị quyết về đầu tư công. Để thực hiện tốt hoạt động này cần thực hiện tốt việc lựa chọn nội dung, chuyên đề giám sát để trình Hội đồng nhân dân thông qua nghị quyết làm cơ sở thực hiện…

Thời gian qua, hoạt động giám sát, thẩm tra các chương trình, dự án đầu tư công vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể: một số quy định liên quan đến đầu tư công chưa rõ ràng, chưa quy định cụ thể nên gặp khó khăn trong quá trình giám sát. Luật Đầu tư công vừa được Quốc hội khóa XIV ban hành có nhiều điểm mới như: quy định Hội đồng nhân dân các cấp quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch đầu tư công hàng năm, cho ý kiến và quyết định chủ trương đầu tư đối với từng chương trình, dự án theo thẩm quyền.

Tuy nhiên, trong Luật cũng chưa quy định cụ thể về các trường hợp sử dụng vốn ngân sách từ nguồn sự nghiệp để đầu tư, về một số loại hình đầu tư dưới hình thức đối tác công tư (PPP), các trường hợp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia nhưng sử dụng toàn bộ vốn nhà nước tại địa phương; quy định liên quan đến khái niệm “chương trình”, “dự án” chưa chặt chẽ, chưa mang tính bao quát; chưa quy định rõ ràng về cấp có thẩm quyền quyết định việc thẩm định khả năng cân đối vốn đối với dự án có nhiều nguồn vốn thuộc các cấp ngân sách khác nhau (tỉnh, huyện, xã); các văn bản hướng dẫn Luật còn chậm.

Tại Hội nghị, Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh đã phát biểu tham luận về những cách làm, giải pháp, kinh nghiệm hay trong hoạt động giám sát, thẩm tra các chương trình, dự án đầu tư công tại địa phương. Các đại biểu cũng cho ý kiến về việc thực hiện giảm thiểu hợp lý số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; giảm số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và tăng số Phó Chủ tịch UBND cấp xã loại II; thành lập Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã cũng như xem xét về việc cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân như quy định như hiện nay đã hợp lý chưa...

Tin, ảnh: Đoàn Mạnh Dương (TTXVN)
Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long
Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 14/8, tại Vĩnh Long, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội nghị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2020 vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN