Cụ thể, tại Nghị quyết số 57/2013/QH13 ngày 12/11/2013, Quốc hội quyết định mức bội chi NSNN 224.000 tỷ đồng, bằng 5,69% GDP thực hiện. Tuy nhiên, Quyết toán NSNN năm 2014 do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày cho thấy, quyết toán số bội chi là 249.362 tỷ đồng, vượt 25.362 tỷ đồng so với dự toán Quốc hội quyết định đầu năm, bằng 6,33% GDP thực hiện.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng lý giải, bội chi tăng là do tăng chi từ vốn vay ngoài nước ODA 26.169 tỷ đồng, chủ yếu cho các dự án cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư nên giải ngân cao hơn dự kiến và tập trung vào các lĩnh vực giao thông, thủy lợi,... dẫn đến phải tăng mức bội chi ngân sách tương ứng. “Những năm qua và năm 2014 nhu cầu vốn ODA rất lớn; cân đối NSNN khó khăn, dự toán Quốc hội quyết định chỉ bố trí được 15.484 tỷ đồng. Trước sức ép của các nhà tài trợ, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương giải ngân theo đúng tiến độ ký kết với nhà tài trợ để sớm đưa công trình vào sử dụng, vì thế số giải ngân thực tế là 41.653 tỷ đồng, vượt so với dự toán là 26.169 tỷ đồng”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.
Báo cáo thẩm tra về quyết toán NSNN do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày cũng cho biết, việc tăng bội chi so với dự toán đã được Quốc hội quyết định là do giải ngân vốn ODA năm 2014 cao hơn dự kiến 26.169 tỷ đồng, chủ yếu cho các dự án giao thông, thủy lợi... cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư. Việc giải ngân vốn ODA tăng nhanh là tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng và tăng trưởng kinh tế, bảo đảm thực hiện theo các cam kết quốc tế.
“Tuy nhiên, đến ngày 7/7/2016, Chính phủ mới có Tờ trình với Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc giải ngân vốn ODA tăng và đề nghị Quốc hội cho phép điều chỉnh dự toán (theo quy định tại Điều 49 của Luật NSNN) là chưa bảo đảm tính kịp thời theo quy định. Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm trong điều hành NSNN những năm tiếp theo”, ông Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.