Theo thông tin ban đầu, tại huyện Phù Yên (Sơn La), từ chiều 7 đến sáng 8/9, mưa lũ đã làm thiệt hại 36 nhà ở. Mưa to còn gây sạt lở đất đá làm tắc nhiều tuyến đường như từ xã Tường Tiến đi xã Kim Bon; Quốc lộ 32B bị sạt lở 1 điểm tại bản Suối Lèo, xã Tân Lang; Quốc lộ 43 bị sạt lở từ cây xăng xã Tân Phong đi vào hướng xã Gia Phù bị tắc. Nước lũ trên các suối thuộc khu vực các xã Mường Do, Mường Bang dâng cao gây nguy hiểm cho người dân và gây ngập úng nhiều diện tích lúa vụ mùa, hoa màu của người dân.
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Phù Yên đã và đang tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện phương châm “4 tại chỗ”. Trong đó, các địa phương tập trung rà soát kỹ các điểm có nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất đá; di chuyển người và tài sản của những hộ có nguy cơ bị ảnh hưởng đến nơi an toàn; tổ chức cắm biển cảnh báo những nơi nguy hiểm; lập chốt kiểm soát, ngăn chặn người dân di chuyển các cầu qua suối khi nước lũ dâng cao; nghiêm cấm người dân ra ngoài đường khi không thật sự cần thiết trong thời gian hoàn lưu bão đổ bộ...
Tại huyện Mộc Châu, mưa lớn từ đêm 7 và sáng 8/9, gây ngập nước ở nhiều điểm, nhất là trên tuyến đường Quốc lộ 6, Quốc lộ 43 qua địa phận thị trấn Mộc Châu; đồng thời, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hỏng các công trình... Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Mộc Châu đã chỉ đạo các xã, thị trấn huy động các lực lượng và phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả; di chuyển người và tài sản ra khỏi khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn xã Ngọc Chiến (huyện Mường La) đã xảy ra mưa to kèm gió lốc đã gây ra lũ quét, lũ ống khiến 2 nhà bị lũ cuốn trôi hoàn toàn, 1 nhà phải di dời khẩn cấp, 20 ha lúa bị vùi lấp, thiệt hại 5 ha ao cá,...
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Mường La đã chỉ đạo xã Ngọc Chiến di dời những hộ có nhà bị lũ cuốn trôi đến trường học, nhà văn hóa bản an toàn. Huyện đã tăng cường tuyên truyền, cảnh báo để người dân chủ động các phương án phòng, chống thiên tai; đồng thời, nhắc nhở người dân không được chủ quan, không cố tình vượt qua các đập tràn, suối khi nước đang dâng cao; chỉ đạo di dời người dân và tài sản đến nơi an toàn, tổng hợp thống kê thiệt hại.
Theo Đài khí tượng Thủy văn tỉnh Sơn La, dự báo trong 6 giờ tới khu vực tỉnh Sơn La có mưa to đến rất to lượng mưa phổ biến 30 - 50mm, có nơi trên 70mm; đồng thời, nguy cơ xảy ra lũ trên các sông, suối nhỏ vùng núi; sạt lở đất trên sườn dốc, sụt lún đất tại khu vực các huyện Bắc Yên, Mai Sơn, Mộc Châu, Mường La, Phù Yên, Quỳnh Nhai, Sông Mã, Sốp Cộp, Vân Hồ, Yên Châu...
* Thông tin từ cơ quan chức năng tỉnh Tuyên Quang cho biết, do chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3, đến 8 giờ sáng ngày 8/9, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang ghi nhận có 44 ngôi nhà bị tốc mái (huyện Sơn Dương 41 nhà, còn lại thuộc các huyện Hàm Yên và Chiêm Hóa). Mưa lớn cũng gây ngập úng, gãy đổ 200 ha lúa, cây màu; 22 ha cây lâm nghiệp. Ngoài ra, mưa kèm gió lớn khiến 8 cột điện 0,4 Kv bị gẫy.
UBND tỉnh Tuyên Quang yêu cầu các huyện, thành phố thực hiện nghiêm văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Lãnh đạo các địa phương trực tiếp xuống các địa bàn trọng điểm có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đá để chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống ảnh hưởng do mưa, lũ gây ra theo phương châm "bốn tại chỗ" với tinh thần chủ động, kịp thời, quyết liệt nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ, thường xuyên cập nhật thông tin về mưa lũ; chủ động kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn; tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở.
Đặc biệt, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn công trình: cầu, ngầm tràn, đê, kè, hồ chứa thủy điện, thủy lợi... và các biện pháp bảo vệ sản xuất nông nghiệp, thủy sản, chống ngập úng khu đông dân cư và khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Lực lượng vũ trang trực 100% quân số, huy động phương tiện cứu hộ, cứu nạn thường trực 24/24 giờ để tiếp nhận và xử lý kịp thời mọi tình huống có thể xảy ra…
Đài Khí tượng và Thủy văn tỉnh Tuyên Quang dự báo từ ngày 8/9 đến đêm 9/9, các khu vực trong tỉnh có mưa vừa, mưa to với tổng lượng mưa phổ biến từ 50 - 150mm/đợt, có nơi trên 200mm/đợt. Mưa lớn có khả năng gây lũ quét, lũ ống trên sông suối nhỏ; sạt lở đất đá ở các sườn đồi, núi và các taluy dương có độ dốc lớn; sạt lở ở các công trường xây dựng, đường giao thông đang thi công trên địa bàn các huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa, Sơn Dương. Mưa lớn làm tăng nguy cơ ngập úng vùng trũng thấp, ven sông suối và ngập úng đô thị cục bộ. Đồng thời, cảnh báo người dân tuyệt đối không đi qua các ngầm tràn khi nước lũ đang lên./
* Do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã có mưa to đến rất to, cục bộ có dông. Lượng mưa từ ngày 7/9 đến 8/9 phổ biến từ 100 - 150mm, có nơi 153,6mm. Bước đầu, tỉnh Ninh Bình xác định không có thiệt hại về người do bão số 3 nhưng có thiệt hại về công trình, tài sản và sản xuất nông nghiệp.
Theo báo cáo sơ bộ của Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình, bão số 3 đã gây thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp với khoảng 544 ha lúa bị đổ (huyện Yên Mô 178 ha, huyện Nho Quan 366 ha); 65 ha rau màu bị dập nát tại huyện Nho Quan, Yên Khánh và thành phố Ninh Bình; nhiều cây ăn quả, cây phân tán bị gãy, đổ, nghiêng.
Về công trình có 2 nhà bị tốc mái; 100m tường rào bị đổ và một số biển quảng cáo bị gãy đổ. Bên cạnh đó, có 1 trạm biến áp bị cháy, một số đường dây điện bị đứt khoảng cột gây mất điện cục bộ ở một số khu dân cư, đến thời điểm này cơ bản đã khắc phục xong... Ước tính thiệt hại ban đầu khoảng 20 tỷ đồng. Tại các địa phương trong tỉnh Ninh Bình, lực lượng chức năng khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại.
Từ ngày 8 - 10/9, do ảnh hưởng của mưa bão số 3, trên các sông thuộc tỉnh Ninh Bình có xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 1,5 - 3,0m. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ trên sông Hoàng Long tại Bến Đế, Gián Khẩu ở mức báo động III; sông Đáy tại Ninh Bình ở mức báo động 1 đến báo động 2. Tỉnh Ninh Bình tiếp tục theo dõi sát diễn biến của hoàn lưu cơn bão số 3 mưa, lũ sau bão. Đồng thời tập trung huy động tối đa các trạm bơm tiêu úng trong trường hợp mưa lớn xảy ra; rà soát các điểm có nguy cơ xảy ra sự cố trên địa bàn, sẵn sàng lực lượng, phương tiên, vật tư ứng phó và tổng hợp thiệt hại, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.