Theo quan sát của phóng viên tại hiện trường, mưa lớn và thủy điện xả trà đã khiến hàng ngàn ngôi nhà tại các địa phương như Đại Lộc, Duy Xuyên, Tam kỳ, Thăng Bình, thành phố Hội An… chìm trong lũ dữ.
Nước lũ dâng cao ở xã Quế Lộc. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN |
Tại huyện Nông Sơn, tất cả các tuyến đường từ trung tâm huyện đi các xã bị chia cắt. Cầu Khe Rinh, cầu Khe Phốc, cầu khe Sé, cầu Nà Manh ngập từ 1,0-1,5 m. Đoạn đường ĐT 611 từ Quế Trung đi Quế Lộc ngập trên 1m, giao thông bị chia cắt. Hiện nay nước xuống chậm. Tuyến đường ĐT 611 đoạn qua đèo Le sạt lở 15m bê tông, đoạn cầu treo đi thôn Thạch Bích sạt lở khoảng 50m với khối lượng đất khoảng 4.000 m. Về thủy lợi, kênh chính đập Nà Bò bị sạt lở 80m bê tông, bồi lấp nhiều tuyến kênh với khối lượng trên 200m3 đất. Diện tích lúa nước trời bị ngập 31 ha. Diện tích hoa màu bị ngập 5ha…
Tại thành phố Hội An, từ đêm 14/12 nước lũ đã nhấn chìm các tuyến đường chính như Nguyễn Thái Học, Trần Phú…, có những đoạn đường nước ngập lên đến 1m nước. Lãnh đạo thành phố Hội An đã chỉ đạo hệ thống truyền thanh cơ sở cũng như hệ thống xe lưu động của Trung tâm Văn hóa thể thao thành phố thông tin đến các địa phương để người dân kịp thời phòng tránh mưa lũ theo phương án đã phê duyệt. Các đội xung kích sẵn sàng để ứng cứu kịp thời khi có tình huống khẩn cấp xảy ra. Lãnh đạo Hội An cũng đã thông báo cấm các phương tiện qua lại các vùng trũng, nước chảy xiết; nghiêm cấm người dân vớt củi trên sông, sử dụng ghe thuyền chở khách đi trong lũ. Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, nhiều người dân Hội An lo sợ nước tiếp tục lên cao nên đã di chuyển đồ đạc, vật dụng trong nhà đến tránh trú ở những nơi cao hơn. Nhiều nhà hàng, quầy hàng lưu niệm đã đóng cửa vì lũ dâng cao. Người dân cũng phải lội nước đi mua thức ăn để đối phó với mưa lũ kéo dài.
Ông Phạm Minh Hải (trú xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An) cho biết: Mưa lũ đã ngập sâu vào nhà tôi khoảng 50cm từ đêm 14/12. Được UBND thành phố cảnh báo tình hình lũ có khả năng sẽ lên cao hơn, gia đình tôi đã chuyển đồ đạc gác lên cao, tranh thủ đi mua mì tôm cùng đèn pin để ứng phó với mưa lũ.
Không những chia cắt địa bàn các huyện, thị xã, trong sáng 15/12, mưa lũ lớn đã chia cắt các tuyến đường liên huyện. Con đường nối thị xã Điện Bàn đi thành phố Hội An cũng như đường nối Điện Bàn và huyện Đại Lộc đã bị nước lũ chia cắt; đường nối từ huyện Quế Sơn đi Nông Sơn bị lũ tràn qua ở nhiều đoạn khiến huyện Nông Sơn bị cô lập hoàn toàn. Tại huyện Đại Lộc, mặc dù nước lũ có rút, song đầu giờ chiều 15/12 vẫn còn hàng trăm ngôi nhà ở các vùng trũng thấp, ven sông ngập sâu….
Hiện chưa thể thống kê được mức độ thiệt hại nhưng lãnh đạo tỉnh Quảng Nam vẫn đang tích cực triển khai các phương án chủ động phòng chống mưa lũ, trong đó chủ yếu là theo phương châm “4 tại chỗ”.
Ông Nguyễn Hồng Quang, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Hiện lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã tổ chức bám địa bàn để chủ động chỉ đạo ứng phó với mưa lũ; kiên quyết ngăn không cho người dân lưu thông qua những đoạn đường ngập nước, nguy cơ cao xảy ra tai nạn; chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương tổ chức san lấp mặt bằng để thông xe trên những tuyến đường bị sạt lở; tổ chức trực 24/24 giờ để kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra.
Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, lũ trên các sông ở Quảng Nam còn diễn biến phức tạp, có khả năng lên lại, mực nước ở các sông còn biến đổi. Nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng, ven sông là rất cao…