Tờ "The Washington Times" số ra ngày 7/7 đã đăng bài viết với tiêu đề "Một kỷ nguyên mới trong quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam: Chuyến thăm của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam báo hiệu tầm quan trọng của quan hệ đối tác". Bài báo được đăng trên trang nhất, phát hành đúng vào ngày Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng có cuộc hội đàm với Tổng Thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng. Trang báo của tờ The Washington Times. |
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, bài báo nhận định cuộc gặp giữa Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Mỹ Obama đã đặt dấu mốc quan trọng cho một câu chuyện mới đang được mở ra. Vượt qua quá khứ và sự khác biệt về tư tưởng, giờ đây Việt Nam và Hoa Kỳ đang sẵn sàng mở rộng quan hệ đối tác toàn diện.
Bài báo nhấn mạnh đến mối quan hệ đối tác mới và đang được mở rộng này thúc đẩy các sáng kiến nhằm tăng cường mối quan hệ song phương và chiến lược tái cân bằng tại với khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Chính phủ Hoa Kỳ. Mối quan hệ đối tác đang phát triển tạo ra một cơ chế thúc đẩy hợp tác trong quan hệ chính trị và ngoại giao, thương mại và kinh tế, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, môi trường và sức khỏe, các vấn đề về di chứng chiến tranh, quốc phòng và an ninh.
Bài báo nhắc lại thời gian đầu trong quan hệ Việt Nam -Hoa Kỳ sau khi hai nước nối lại quan hệ song phương, vào thời điểm đó, kim ngạch thương mại song phương chỉ đạt 450 triệu USD. Năm 2014, con số này đã vọt lên gần 39 tỷ USD.
Cũng trong thời kỳ đó, thu nhập của người dân Việt Nam cũng tăng lên 6 lần, từ 560 USD vào năm 1988 lên tới gần 3.354 USD như hiện nay, và người dân ở tầng lớp trung lưu trong vòng 5 năm qua cũng tăng gấp đôi. Hơn thế nữa, việc 17.000 du học sinh đang theo học tại Hoa Kỳ càng củng cố hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực giáo dục giữa hai nước.
Theo "The Washington Times", ngày nay, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa tới Hoa Kỳ nhiều hơn bất kỳ một quốc gia nào trong khối ASEAN. Mối quan hệ kinh tế này đã tạo ra hàng nghìn việc làm tại Việt Nam cũng như Hoa Kỳ. Với dân số 90 triệu người, 1/3 trong số đó ở độ tuổi dưới 20, và mức tăng trưởng GDP trung bình là 7% trong vòng 25 năm qua, Việt Nam được các doanh nghiệp Hoa Kỳ biết đến như một trong những thị trường tiềm năng nhất tại khu vực Đông Nam Á.
Cùng với 10 quốc gia khác, Việt Nam và Hoa Kỳ đang đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhằm thiết lập một khu vực thương mại tự do chiếm 40% GDP và 1/3 kim ngạch thương mại của toàn thế giới. Hiệp định này sẽ tạo ra nhiều việc làm có chất lượng hơn cũng như sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở cả Hoa Kỳ, Việt Nam và các nước tham gia TPP khác. Mối quan hệ đang mở ra này được công nhận như là một trong những mối quan hệ song phương quan trọng nhất trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Bài báo còn dẫn một khảo sát gần đây do Nhóm tư vấn Boston (BCG) tiến hành đối với 2000 người tiêu dùng thành thị của Việt Nam cho thấy Việt Nam là nước có tầng lớp trung lưu phát triển nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á. Đất nước Việt Nam mới giờ đây đang sản xuất giày cho Nike, chip máy tính cho Intel, máy ảnh cho Cannon, xe máy cho Honda, điện thoại thông minh cho Samsung và thị trường tiêu dùng đang mở rộng.
Trong năm vừa qua, đã có một chiến dịch ngoại giao của Hà Nội đối với Washington thể hiện qua các chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cách đây chưa lâu. Mùa xuân năm nay, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam Trần Đại Quang cũng đã có các cuộc hội đàm song phương với giới chức Hoa Kỳ về việc mở rộng các vấn đề an ninh.