Chiều 20/3 (giờ địa phương), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân cùng đoàn đại biểu Việt Nam rời thành phố Auckland của New Zealand về Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Australia (từ ngày 17-18/3) và thăm chính thức New Zealand (từ ngày 19-20/3) theo lời mời của Thủ tướng Australia Tony Abbott và Thủ tướng New Zealand John Key.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Australia Tony Abbott (phải). Ảnh: Đức Tám – TTXVN |
Theo đặc phái viên TTXVN, chặng dừng chân đầu tiên tại thành phố cảng Sydney, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến với Toàn quyền Australia Peter Cosgrove và Thống đốc bang New South Wales David Hurley, tham dự Đối thoại doanh nghiệp Việt Nam – Australia, tiếp một số lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu của Australia, gặp mặt thân mật với đại diện kiều bào, sinh viên Việt Nam đang sinh sống và học tập tại Australia…
Cũng tại Sydney, Thủ tướng Chính phủ đã có bài phát biểu và thảo luận với các học giả, nhà nghiên cứu hàng đầu Australia tại Viện Lowy - Trung tâm nghiên cứu chính sách đối ngoại độc lập nằm trong Top 30 trung tâm hàng đầu thế giới.
Với chủ đề “Quan hệ Việt Nam-Australia: Hướng tới một tương lai tươi sáng vì sự thịnh vượng của hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực”, phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chia sẻ tầm nhìn về quan hệ Việt Nam-Australia, tầm nhìn phát triển của Việt Nam và những vấn đề an ninh khu vực đang nổi lên.
Vấn đề an ninh khu vực là một trong những vấn đề lớn được các học giả đặc biệt quan tâm. Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Khu vực châu Á-Thái Bình Dương đóng góp gần 55% GDP toàn cầu và là động lực tăng trưởng của kinh tế thế giới, đồng thời có vai trò rất quan trọng trong tiến trình hình thành trật tự thế giới trong tương lai. Tuy nhiên, khu vực này đang tiềm ẩn những bất ổn do những diễn biến phức tạp của các điểm nóng và hiện vấn đề đang nhận được nhiều sự quan tâm của công luận quốc tế, khu vực là tình hình diễn biến phức tạp ở Biển Đông.
“Chúng tôi cho rằng hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực. Đây là nơi có tuyến hàng hải quốc tế, với khoảng 50% hàng hóa vận chuyển đường biển của toàn cầu. Những bất ổn, căng thẳng hiện nay chỉ có thể giải quyết khi tất cả các nước, nhất là các nước trực tiếp có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, đều phải nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, kiềm chế không có hành động đơn phương làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC)”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ quan điểm, để duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực một cách bền vững, mỗi quốc gia, dù lớn, hay nhỏ, bên cạnh việc chăm lo lợi ích của riêng mình, đều phải quan tâm đến các vấn đề chung của khu vực, thế giới và lợi ích chính đáng của các nước khác.
Một lần nữa khái niệm về “Lòng tin chiến lược” đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập tại đây. “Hòa bình, ổn định là mong muốn tha thiết, là khát vọng cháy bỏng của mỗi con người, mỗi quốc gia và cả nhân loại. Để có hòa bình, ổn định thì một nhân tố có ý nghĩa quyết định là phải xây dựng được lòng tin chiến lược. Nếu không xây dựng được lòng tin chiến lược thì việc bảo đảm cho hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn của nhân loại là rất mong manh”, Thủ tướng phát biểu.
Rời thành phố cảng Sydney tươi đẹp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới Thủ đô Canberra. Sau lễ đón chính thức được tổ chức trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc Hội đàm với Thủ tướng Australia Tony Abbott tại Nhà Quốc hội. Cuộc hội đàm đã diễn ra thành công tốt đẹp, hai bên đạt được những nhận thức chung quan trọng về phương hướng phát triển quan hệ song phương cũng như hợp tác ở khu vực trong thời gian tới. Đồng thời nhấn mạnh sự phát triển cả về bề rộng và bề sâu của mối quan hệ Việt Nam – Australia, nhất trí làm sâu sắc hơn và tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện hiện nay, phù hợp với bản chất chiến lược ngày càng gia tăng của quan hệ hai nước.
Bên cạnh hợp tác song phương, hai bên cũng đã trao đổi sâu rộng các vấn đề quốc tế và khu vực. Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ và hiệu quả với nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế mà hai bên là thành viên; ủng hộ và hỗ trợ lẫn nhau trong đàm phán và thực hiện Hiệp định Đối tác khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Hai bên khẳng định về tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông cũng như giải quyết các tranh chấp trên biển dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982; kêu gọi tất cả các bên thực hiện đầy đủ Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), kiềm chế và không có những hành động làm gia tăng căng thẳng thêm tình hình khu vực, trong đó có việc cưỡng ép hoặc sử dụng vũ lực để đơn phương thay đổi nguyên trạng; nhất trí cần cấp thiết xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).