Mở tuyến du lịch trên kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè

Chiều ngày 1/9, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng với Công ty Thuyền Sài Gòn đã khai trương tuyến du lịch đường thuỷ nội đô trên tuyến kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết đây là một nỗ lực rất lớn của Thành phố nhằm tạo sản phẩm mới, đa dạng; đồng thời thúc đẩy, nâng cao chất lượng dịch vụ cho ngành du lịch. “Việc mở ra tuyến du lịch đường thuỷ nội đô này nhằm phục vụ du khách trong và ngoài nước tham quan, ngắm cảnh Thành phố”, bà Hồng cho biết.

Du khách trải nghiệm tour du lịch ngắm thành phố trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Theo đó, tuyến du lịch trên kênh này sẽ có lộ trình dài 4,5 km đi qua các địa bàn quận 1, quận 3, quận Bình Thạnh và quận Phú Nhuận. Du khách tham quan sẽ có hai lựa chọn thuyền: Với sản phẩm cao cấp sẽ có 10 chiếc thuyền phụng (Gondola) có sức chứa trung bình từ 2 đến 6 khách/chiếc đi cùng 1 người chèo thuyền, chèo ngược xuôi theo dòng kênh, trên thuyền có phục vụ nước uống và âm nhạc; với sản phẩm số đông là thuyền chống có sức chứa trung bình từ 7 đến 20 khách (trong đó tập trung phục vụ cho khách nhóm là các gia đình, công ty...) đi cùng 1 thuyết minh viên và 1 nhân viên chống thuyền; thuyền có phục vụ âm nhạc và khách có thể mang thức ăn, đồ uống lên thuyền. Giá vé dự kiến khi đi vào khai thác là 220.000 đồng/khách.


Khi ngồi trên những chiếc thuyền xuôi ngược chầm chậm trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, du khách sẽ được chiêm ngưỡng và nghe những câu chuyện về những kiến trúc đã gắn chặt với sự hình thành và phát triển của tuyến kênh cũng như lịch sử phát triển của Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, du khách sẽ nghe thuyết minh viên kể về nguồn gốccầu Thị Nghè(nối liền quận 1 với quận Bình Thạnh), cầu Bùi Hữu Nghĩa (cầu Sắt, cầu Đa Kao với thiết kế ban đầu là sàn gỗ vào năm 1896 bởi công ty Eiffel dành cho tuyến xe lửa Saigon Gò Vấp qua Đakao xuống đường L’Eglise), cầu Bông (theo cố nhà văn Sơn Nam, cầu Bông được xây dựng vào khoảng thế kỷ 18, có sách ghi năm 1736. Đây là một trong những cầu được xây dựng đầu tiên ở vùng đất Sài Gòn. Cầu này được làm bằng gỗ, nhỏ và ngắn nhưng khá nổi tiếng của đất Sài Gòn - Gia Định); hay Chùa Candaransi (nghĩa là chùaTrăng của người Khmer - một trong hai ngôi chùa của người Khmer tại Thành phố Hồ Chí Minh nằm trên đường Hoàng Sa thuộc phường 7, quận 3 - ngôi chùa do những người Khmer ở các tỉnh miền Tây tụ về Sài Gòn thỉnh hòa thượng Lâm Em xây dựng vào năm 1946 và hoàn tất năm 1948).

Nhiều người dân thành phố đã đến xem loại hình du lịch mới trong ngày khai trương


Cùng với sông Sài Gòn và rạch Bến Nghé thì tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là 1 trong 3 tuyến đường thủy tự nhiên quan trọng nhất của đất Sài Gòn Gia Định xưa. Rạch uốn lượn qua hàng loạt khu dân cư lâu đời của thành phố như quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình và là con rạch đổ bóng sâu đậm vào 300 năm lịch sử sông nước đầy thi vị của thành phố.



Năm 1994, Ủy ban nhân dân Thành phố quyết tâm cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Để thực hiện dự án Vệ sinh môi trường Thành phố Hồ Chí Minh lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, hàng ngàn căn hộ ven kênh đã được giải tỏa. Một tuyến cống bao dài 9km, đường kính 2,5-3 m được xây dựng, với nhiều công trình tách dòng và kiểm soát xả tràn phân bố dọc bờ kênh. Một trạm bơm có thiết bị lược rác với công suất 64.000 m3/giờ cũng hoàn thành. Dự án còn xây bờ kè đứng dọc hai bờ kênh; nạo vét giai đoạn hai khoảng 1,1 triệu m3 bùn; đóng hơn 16.000m cừ bê tông kè hai bên bờ kênh và xây dựng hai tuyến đường Hoàng Sa –Trường Sa chạy dọc hai bên bờ kênh giúp giao thông thông thoáng.


Tuyến kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè sau khi được Thành phố cải tạo.


 Tháng 8/2012, dự án được khánh thành trong niềm vui của hàng triệu người dân. Sau khi dự án thành công, dòng kênh đã thay đổi rõ rệt, những ngôi nhà lụp xụp và tạm bợ ven hai bên bờ nay không còn nữa nhường chỗ cho những ngôi nhà xây thông thoáng, những thiết bị tập thể dục và những hàng cây xanh. Đây cũng là tuyến kênh đầu tiên Thành phố thực hiện cải tạo, làm tiền đề cho việc cải tạo các tuyến kênh khác và nằm trong chiến lược phát triển một thành phố hiện đại, văn minh, nghĩa tình.


M.T (Tin Tức)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN