Đây là kỳ họp được tổ chức sau thời gian bị gián đoạn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 kể từ kỳ họp lần thứ 4 vào năm 2019.
Tham dự kỳ họp lần này, về phía Việt Nam có sự tham dự của Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi Hoàng Văn Lợi, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi Phạm Thanh Hải cùng đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, gồm Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Công Thương địa phương, Cục Công nghiệp, Vụ Dầu khí và Than cùng một số doanh nghiệp có nhu cầu tìm hiểu thị trường Nam Phi.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Thứ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Cạnh tranh Nam Phi, Nomalungelo Gina, chào mừng đoàn đại biểu từ Bộ Công Thương Việt Nam và nhấn mạnh Nam Phi luôn coi trọng quan hệ với Việt Nam vốn đã được thiết lập từ gần 30 năm trước và luôn được cả hai bên vun đắp trong suốt thời gian qua.
Bà Gina cho biết: “Trong khu vực châu Á, Việt Nam là đối tác thương mại thứ 9 của Nam Phi, trong khi Nam Phi hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi”.
Theo bà Gina, việc ký kết và thực hiện Hiệp định Thương mại Tự do Lục địa châu Phi (AfCFTA) sẽ mang đến cơ hội đầu tư vào một thị trường lục địa rộng mở và rộng lớn hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Bà nhấn mạnh: “Chúng tôi khuyến khích các quốc gia như Việt Nam không chỉ coi lục địa châu Phi là thị trường xuất khẩu mà hãy xem đây là một điểm đến đầu tư ngày càng quan trọng”.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Quốc Khánh cho biết kỳ họp lần thứ 5 Ủy ban thương mại hỗn hợp giữa hai nước diễn ra vào thời điểm rất thích hợp và có nhiều ý nghĩa, nhất là sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cả hai nền kinh tế Việt Nam và Nam Phi đều đã hoàn toàn mở cửa trở lại, các hoạt động kinh tế, thương mại đang phục hồi mạnh mẽ.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, việc tổ chức thành công kỳ họp lần này cũng là một dấu ấn tích cực, góp phần chào mừng 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nam Phi trong năm tới (22/12/1993 - 22/12/2023). Điều này cũng sẽ góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ chính trị, ngoại giao, kinh tế tốt đẹp giữa hai nước. Bên cạnh đó, tình hình khu vực và thế giới có những thay đổi sâu sắc, đang đặt ra cả thời cơ và thách thức cho hai nền kinh tế Việt Nam và Nam Phi, đặt ra yêu cầu và cơ hội để hai nước tăng cường sự kết nối, hợp tác trên cơ sở cùng có lợi.
Tại kỳ họp, hai bên đã trao đổi ý kiến đối với báo cáo kết quả họp cấp kỹ thuật và trao đổi thêm về một số vấn đề quan tâm đồng thời nêu lên những khó khăn, thuận lợi và thảo luận cơ hội hợp tác trong tương lai.
Trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Nam Phi đạt kim ngạch cao nhất vào năm 2020 với gần 1,4 tỷ USD. Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và những khó khăn trong ngành logistics toàn cầu, trao đổi thương mại trong năm 2021 đạt gần 1,3 tỷ USD và trong 10 tháng tính từ đầu năm 2022, kim ngạch song phương đã đạt trên 1,1 tỷ USD.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, cả Việt Nam và Nam Phi đều là những nền kinh tế mở, có ngoại thương đóng vai trò quan trọng, có nhiều tiềm năng phát triển và trên thực tế đang phát triển rất năng động. Việt Nam hiện là một "mắt xích" quan trọng trong những chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu về điện tử, sắt thép, thủy sản, lương thực, dệt may, giày dép, đồ gỗ… Trong khi đó, Nam Phi được đánh giá là quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất châu Phi, với quy mô GDP gần 420 tỷ USD và cơ sở hạ tầng phát triển, là đầu tàu thúc đẩy sự phát triển của 14 nước trong Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi (SADC).
Bên cạnh đó, cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu của hai nước không cạnh tranh mà mang tính bổ sung cho nhau. Cụ thể, Nam Phi có nhu cầu nhập khẩu sản phẩm điện tử, hàng nông sản (gạo, cà phê, hạt tiêu…), thủy sản, hàng dệt may… Trong khi đó, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị, khoáng sản (than đá, titan, quặng sắt, kim loại thường khác…), gỗ, hóa chất, rượu vang, trái cây, da nguyên liệu… từ Nam Phi. Ngoài ra, hai nước có khí hậu lệch mùa nên việc xuất nhập khẩu nông sản giữa hai bên cũng có nhiều tiềm năng.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh chỉ ra những khó khăn còn tồn tại trong quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước bao gồm vấn đề trao đổi thông tin, trao đổi giữa hai Bộ, trao đổi đoàn doanh nghiệp giữa hai nước còn hạn chế và khoảng cách địa lý xa xôi làm giảm lợi thế cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu mỗi nước.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhận định kim ngạch song phương chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của hai bên. Hiện tại, xuất khẩu của Việt Nam sang Nam Phi chỉ chiếm khoảng 1,4% nhập khẩu của Nam Phi từ thế giới. Xuất khẩu của Nam Phi sang Việt Nam cũng chỉ chiếm chưa đến 0,5% nhập khẩu của Việt Nam từ thế giới.
Để khắc phục những khó khăn và tận dụng những cơ hội hợp tác, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đã có một số đề xuất bao gồm tăng cường trao đổi thông tin về chính sách thương mại, đầu tư, các quy định liên quan đến xuất nhập khẩu để hướng dẫn cho doanh nghiệp; đẩy mạnh phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau để triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư; nghiên cứu các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực logistics, nhằm tăng cường kết nối logistics giữa hai nước; tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực công nghiệp nhiều tiềm năng như khai khoáng (than, titan, đất hiếm…), cơ khí chế tạo, luyện kim, sắt thép, năng lượng tái tạo, da giày, phân bón, thực phẩm chế biến… và hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ (thuộc da, sản xuất ô tô và linh kiện ô tô…).
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng đề xuất hai Bộ tăng cường giao lưu, trao đổi giữa các đơn vị quản lý chuyên môn hơn nữa.
Cuối kỳ họp, hai bên đã thống nhất, ký kết và trao đổi Biên bản Kỳ họp lần thứ 5 Ủy ban Thương mại hỗn hợp giữa Việt Nam và Nam Phi. Trên tinh thần tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh hợp tác thương mại, công nghiệp và năng lượng song phương, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đồng ý với đề xuất tổ chức Kỳ họp lần thứ 6 tại Việt Nam trong năm 2023. Thời gian tổ chức cụ thể sẽ được hai bên trao đổi và thống nhất sau.