Nhiều ý kiến thống nhất rằng dù không phải là quốc gia giàu có nhất ở khu vực, song Việt Nam đã trở thành "hình mẫu" chống dịch COVID-19 khi thành công trong việc kiểm soát sự lây lan của virus SARS-CoV-2 và các nước có thể học tập kinh nghiệm của Việt Nam.
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguy cơ rất cao bùng phát dịch COVID-19 do có đường biên giới chung dài khoảng 1.100 km và khối lượng trao đổi thương mại song phương lớn với Trung Quốc, tâm dịch đầu tiên của thế giới.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 đến thời điểm hiện nay đã lây lan rộng ra toàn thế giới với khoảng 2 triệu người nhiễm và hơn 126.000 người tử vong, những nền kinh tế phát triển hàng đầu như Mỹ, Pháp, Đức, Anh… nằm trong nhóm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, giới chuyên gia và truyền thông quốc tế đang đi tìm câu trả lời cho “bí quyết” của Việt Nam, tính đến sáng 15/4 ghi nhận 267 ca mắc COVID-19, trong đó 169 người được công bố khỏi bệnh, không có ca tử vong.
“Việt Nam đã hành động mau lẹ, đưa ra quyết định nhanh chóng và kịp thời”, nhận định trên trang điện tử của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) được nhiều chuyên gia chia sẻ. Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, Tiến sĩ Ki Dong Park đánh giá Chính phủ Việt Nam đã “luôn chủ động và chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống”, xác định được những "thời điểm quan trọng" để quyết định cục diện sắp tới. Phản ứng nhanh chóng, đánh giá sớm rủi ro và chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống ngay từ khi dịch xuất hiện và kịp thời có biện pháp điều chỉnh khi tình hình thay đổi được xem là một trong những yếu tố then chốt của Việt Nam.
Hàng loạt biện pháp “rất sớm” của Việt Nam đã được truyền thông quốc tế lưu ý, bởi theo trang mạng Asia Times “Việt Nam đã phản ứng nhanh hơn hầu hết các nước châu Á khác” khi dịch bùng phát ở Trung Quốc. Đánh giá rủi ro đầu tiên của Việt Nam được tiến hành vào đầu tháng 1, ngay sau khi các trường hợp mắc COVID-19 ở Trung Quốc bắt đầu được báo cáo, song song với việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia để giám sát và phối hợp biện pháp ở các cấp. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt, ngay cả khi dịch COVID-19 vẫn giới hạn trong phạm vi Trung Quốc đại lục.
Dù số người lây còn nhiễm thấp, Việt Nam đã thực hiện cách ly toàn xã hội từ ngày 1/4 để “ngăn ngừa một cuộc khủng hoảng quốc gia có thể tránh được”, trong khi ở đa số các nước khác, chính phủ ban hành các lệnh phong tỏa để đối phó với dịch bệnh đang bùng phát mạnh… Như đánh giá của đài Sputnik (Nga) thì “Việt Nam chủ động thực hiện cách ly toàn xã hội nhằm chế ngự sớm dịch bệnh” và đây cũng là phương châm mà Việt Nam đã tuân thủ để đối phó với dịch COVID-19 ngay từ khi virus SARS CoV-2 từ tâm dịch Hồ Bắc của Trung Quốc mới chỉ lan ra 2/3 số tỉnh của quốc gia láng giềng này.
Từ việc khoanh vùng các ca lây nhiễm, kiểm soát toàn bộ những người nhập cảnh từ các vùng dịch và yêu cầu phải cách ly bắt buộc trong thời gian 14 ngày, quyết định cách ly toàn xã hội, cho tới việc điều trị và chăm sóc y tế cho các bệnh nhân, các chuyên gia cho rằng đó là minh chứng cho thấy Việt Nam đã có những bước đi bài bản trong lộ trình phòng chống và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Đó là lý do khiến các biện pháp mà Việt Nam áp dụng được truyền thông quốc tế chia sẻ như bài học kinh nghiệm để các nước khác học hỏi, mà như tờ The ASEAN Post khẳng định rằng các nước khác trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và phần còn lại của thế giới có thể rút ra bài học từ cách phản ứng mau lẹ và dứt khoát của Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, báo chí quốc tế cũng nhấn mạnh “bí quyết” giúp Việt Nam đạt thành công ban đầu trong việc làm chậm tốc độ lây lan của virus là truyền thông rõ ràng và minh bạch thông tin, với đánh giá chung rằng ở Việt Nam, “công nghệ cũng hỗ trợ đắc lực trong chống dịch”. Một nghiên cứu của chuyên trang Project Syndicate nêu rõ Chính phủ Việt Nam đã sử dụng phương tiện truyền thông xã hội và công nghệ thông tin để tuyên truyền chống COVID-19, cập nhật thông tin về sự bùng phát của dịch bệnh cũng như các biện pháp phòng bệnh, nhanh chóng chấn chỉnh thông tin sai lệch, thu thập thông tin một cách có hệ thống và xác định các cụm nghi nhiễm COVID-19 sớm nhất có thể….
Truyền thông quốc tế đánh giá “ Việt Nam tận dụng tốt cơ hội” khi gần 90% dân số có điện thoại thông minh hoặc điện thoại di động. Với 65% trong số khoảng 96 triệu dân Việt Nam có khả năng tiếp cận Internet, các kênh thông tin chính thống và truyền thông xã hội (60% là tài khoản Facebook) đã chia sẻ hữu hiệu thông tin về chủng virus mới. Theo thống kê của Project Syndicategay, từ ngày 9/1 đến ngày 15/3, trung bình mỗi ngày có 127 bài báo về chủ đề COVID-19 đăng tải trên 13 trong số các trang báo điện tử phổ biến nhất của Việt Nam, khiến “tin giả gần như không còn đất sống”.
Do đó, người dân Việt Nam không coi COVID-19 chỉ là cúm mùa, mà là một căn bệnh nguy hiểm như dịch SARS năm 2003 và sớm cảnh giác với COVID-19, khiến họ luôn sẵn sàng tinh thần chống dịch. Những ứng dụng như NCOV để công dân tự giác khai báo sức khỏe cá nhân, hay ca khúc “Ghen Co Vy”, hiện tượng truyền cảm hứng toàn cầu giúp xây dựng nhận thức cộng đồng về COVID-19 và tầm quan trọng của việc rửa tay, đã được nêu như những ví dụ điển hình của công nghệ hỗ trợ chống dịch ở Việt Nam. Báo Toàn cảnh Frankfurt (FAZ) của Đức cho rằng việc huy động sức mạnh của người dân thông qua các chiến dịch quần chúng, qua tin nhắn và mạng truyền thông, để truyền những thông điệp như: “Ở yên trong nhà chính là yêu nước!” đã phát huy hiệu quả.
Truyền thông quốc tế cũng nhiều lần nhắc lại khẩu hiệu “chống dịch như chống giặc” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra như một minh chứng cho tinh thần quyết liệt chống dịch ở Việt Nam. Đây cũng được coi như lời hiệu triệu khơi dậy ý thức dân tộc và sức mạnh đoàn kết trong mỗi người dân Việt Nam. Trang Financial Times (Anh) gọi đây là “cuộc tổng tấn công” chống COVID-19 mà Việt Nam huy động cả xã hội tham gia với sự chung tay của đội ngũ y, bác sĩ và quân đội, đồng thời có sự ủng hộ của người dân. Bài viết trên trang liberationnews.org Mỹ còn đề cập tinh thần hợp tác của người dân Việt Nam bắt nguồn từ một hệ thống xã hội nhấn mạnh vào nỗ lực tập thể và sự thống nhất của các quyết sách, trong khi hãng tin Đức DPA đánh giá một phần lớn thành công của Việt Nam trong ứng phó với đại dịch là nhờ sự đoàn kết một lòng của toàn xã hội.
Kết quả một cuộc khảo sát do trang daliaresearch.com thuộc tổ chức Dalia (trụ sở tại Berlin, Đức) thực hiện cho thấy Việt Nam có tỷ lệ người dân tin tưởng vào các biện pháp của chính phủ ứng phó dịch COVID-19 cao nhất thế giới. Lý giải cho sự tin tưởng đó, có thể dẫn quan điểm của trang Times of India là “Chính phủ Việt Nam đã chủ động bảo vệ người dân trước dịch bệnh”, đi kèm với những biện pháp như “bổ sung 190.000 tấn gạo vào kho dự trữ nhằm đảm bảo cung cấp đủ lương thực cho nhân dân cả nước trong thời gian bùng phát đại dịch” hay “gói hỗ trợ tài chính trị giá 111,55 triệu USD để đảm bảo an sinh xã hội cho những người lao động bị ảnh hưởng”. Sự tin tưởng của người dân và chính phủ đã giúp thúc đẩy ý thức trách nhiệm của họ và để người dân hợp tác với chính phủ. Từ đó, những hành động tập thể và có trách nhiệm trong chống dịch ở Việt Nam, như việc toàn dân đeo khẩu trang… đã lan tỏa trong cộng đồng.
Trang Project Syndicategay tổng kết rằng bí quyết" của Việt Nam là “một ban lãnh đạo quyết tâm, phản ứng nhanh chóng, thông tin chính xác, minh bạch và sự đoàn kết giúp người dân bảo vệ chính mình và bảo vệ cộng đồng”. Trong khi đó, trang The Diplomat nhận định trong cuộc chiến chống dịch, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, đặt sinh mạng, sức khỏe và cuộc sống của người dân lên hàng đầu, từ đó có được niềm tin của người dân. Còn trang liberationnews.org (Mỹ), kết luận thành công của Việt Nam trong phòng chống dịch COVID-19 “không đơn giản là một phép màu”, mà đó là "kết quả của một chính phủ xã hội chủ nghĩa đặt người dân lên trên lợi ích kinh tế".
Nói một cách khác, có thể gọi mô hình chống dịch COVID-19 của Việt Nam là mô hình “để không ai bị bỏ lại phía sau”, nhờ đó, toàn bộ hệ thống chính trị và người dân đều đồng lòng, chung tay đương đầu với đại dịch.