Theo Thanh tra Chính phủ (TTCP), kê khai tài sản là một trong những giải pháp quan trọng trong phòng chống tham nhũng. Vì thế, để tăng tính hiệu quả của việc kê khai, đảm bảo tính công khai, minh bạch cần có những quy định đủ mạnh để ràng buộc trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc kê khai tài sản cũng như có chế tài đủ mạnh bảo vệ người tố cáo.
Kê khai còn hình thức
Thời gian qua, những vụ mất trộm tiền, vàng… có giá trị lên tới hàng tỷ đồng của các cán bộ nhà nước hay những “quan to” đã thu hút được sự quan tâm của dư luận. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra về nguồn gốc của số tài sản lớn hơn rất nhiều lần thu nhập từ lương của các công chức này. Hàng năm, có không ít cán bộ kê khai tài sản, nhưng những tài sản khó lý giải chỉ bị lộ khi bị mất trộm hay khi bị cơ quan báo chí phanh phui. Thực tế này đã khiến dư luận băn khoăn về tính trung thực của việc kê khai tài sản và hiệu quả của giải pháp này trong đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện nay.
Theo báo cáo của TTCP, năm 2013 có gần 1 triệu người đã kê khai tài sản thu nhập. Trong số đó, chỉ có năm người thuộc diện kê khai phải xác minh tài sản thu nhập và một người bị xử lý kỷ luật. Đánh giá về con số này, ông Phí Ngọc Tuyển, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng (TTCP) khẳng định: “Con số này chưa thể coi là trung thực”.
Về hiệu quả của biện pháp kê khai tài sản, thu nhập trong phòng chống tham nhũng, ông Tuyển cho biết, hiện nay có chín giải pháp để phòng ngừa tham nhũng. “Qua rà soát, chúng tôi chia thành ba nhóm: nhóm có hiệu quả, nhóm có hiệu quả trung bình và nhóm hiệu quả không cao thì giải pháp kê khai tài sản nằm trong nhóm ba", Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng nhấn mạnh.
Lý giải về tình trạng này, Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh cho rằng, đó là do việc kê khai còn hình thức, chưa thực chất, tính tự giác của người kê khai chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, vai trò của người lãnh đạo cơ quan, thủ trưởng, người đứng đầu đơn vị chưa được quan tâm đúng mức.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh quân khu IV, người có nhiều năm theo dõi vấn đề tham nhũng nhận định: “Việc kê khai tài sản ở nước ta giống như là ‘cưỡi ngựa xem hoa’ bởi kê khai xong thì bỏ trong két, không ai xác minh cả. Bản thân Thanh tra Nhà nước hay Ủy ban Kiểm tra Trung ương không thể qua mấy tờ giấy kê khai mà đánh giá cán bộ, công chức có tài sản ‘bất minh’ hay không”.
Bên cạnh đó, tướng Thước cũng cho rằng, việc kê khai vẫn mang tính hình thức, “nửa vời” là do việc thông báo bản kê khai tài sản mới chỉ thực hiện tại cơ quan, nơi cư trú . Lấy dẫn chứng vụ nguyên Tổng TTCP Trần Văn Truyền, tướng Thước nhấn mạnh, muốn giám sát triệt để chống tham nhũng thì người có quyền lực trong phạm vi cả nước phải công bố bản kê khai tài sản trên toàn quốc.
Tăng cường vai trò giám sát của nhân dân
Từ thực tế này, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nêu ý kiến, muốn kiểm tra được việc kê khai thì phải công khai vấn đề này. Người nào đảm nhận chức danh toàn quốc thì phải công bố về kê khai ra toàn quốc; người làm ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã thì công khai ở những cấp đó. Cần thực hiện việc công khai tải sản thông qua hệ thống bộ máy của Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội. “Giám sát là từ nhân dân chứ không chỉ là khu dân cư nơi cán bộ cư trú hay trong nội bộ cơ quan”, tướng Thước nhấn mạnh.
Dưới góc độ pháp luật, tướng Thước cho rằng cần có chế tài xử phạt nghiêm minh đối với đối tượng kê khai không trung thực cũng như đối tượng tham nhũng theo nguyên tắc “trên nặng, dưới nhẹ” để răn đe, làm gương trong xã hội. Song song với đó, pháp luật cũng cần quy định chi tiết về việc bảo vệ người tố cáo cũng như có chính sách khuyến khích để những đối tượng này mạnh dạn đấu tranh chống tham nhũng.
Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh cho rằng, để thực hiện việc kê khai tài sản đảm bảo thực chất trong thời gian tới thì cần tiếp tục nâng cao tính tự giác của người kê khai, đồng thời có kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ; phải hoàn thiện pháp luật, quy định, quy định chặt chẽ trên cơ sở chỉ thị số 33, nghị định 78 của Chính phủ, kiểm soát tốt hơn, xác minh đầy đủ diện kê khai không trung thực để có chế tài mạnh. “Cần thu hẹp diện kê khai bởi hiện nay trên cả nước diện kê khai có gần 1 triệu đối tượng, làm cho việc xác minh làm rõ khi có yêu cầu rộng quá”, Tổng TTCP nhấn mạnh.
T.P