Luật đặc khu: Bàn đi tính lại mãi sẽ đánh mất cơ hội

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Anh Tuấn (TP Hồ Chí Minh) cho rằng phải thí điểm xây dựng đặc khu, từ đó rút kinh nghiệm. Nếu bàn quá nhiều mà không thực thi sẽ bị tắc, giống như các dự án phát triển metro đô thị.

Đại biểu Trần Anh Tuấn, đoàn TP Hồ Chí Minh

Hôm nay (23/5), Quốc hội thảo luận lần 2 về dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Luật này được dư luận xã hội rất quan tâm vì sẽ tác động mạnh đến thị trường bất động sản, môi trường đầu tư kinh doanh... Dù luật vẫn còn đang bàn nhưng trên thực tế, tại 3 đặc khu tương lai này đã xảy ra sốt đất.

Theo đại biểu Trần Anh Tuấn, ở nhiều nước, một đô thị chưa đến một triệu dân đã có hệ thống metro. Trong khi ở ta, có đô thị 10 triệu dân mới bắt đầu làm. Như vậy là quá chậm.

"Câu chuyện đặc khu cũng như vậy, nếu cứ lấn cấn, bàn đi tính lại mãi thì sẽ mất cơ hội, nhất là khi thế giới hiện nay mang tính toàn cầu và xu hướng bảo hộ đang được đẩy lên. Dĩ nhiên phải có biện pháp quản lý tốt nhằm đảm bảo an toàn, an ninh quốc phòng. Nếu ngành nghề nào gây hại cho xã hội thì hạn chế, kiểm soát", đại biểu Tuấn nêu quan điểm.

Theo vị Tiến sĩ Quản lý Kinh tế - Tài chính này, cần phải mạnh dạn đưa vào các cơ chế mới, ưu đãi cao để thí điểm, từ đó rút kinh nghiệm. Nếu cứ cân nhắc, bàn mãi sẽ chậm mất nhiều cơ hội, nền kinh tế sẽ tiếp tục thụt lùi so với các nước trong khu vực.

Liên quan đến con số hơn 1,5 triệu tỷ đồng để xây dựng 3 đặc khu kinh tế, ông Tuấn cho rằng: Dù số vốn bỏ ra lớn song có tính phân kỳ. Đây sẽ là những cực phát triển quan trọng, đòn bẩy tạo sức bật cho nền kinh tế tương lai nên số tiền này không quá đắt.

"Đừng quá lo lắng, quan tâm về vốn đầu tư mà e ngại. Trong quá trình xây dựng, cần quyết liệt thực thi ngay bằng nhiều hình thức khác nhau để thu hút đầu tư những ngành có tính lan tỏa, thúc đẩy nền sản xuất, kinh tế quốc gia. Đó là vấn đề chúng ta cần phải tổ chức thực hiện cho tốt", ông Tuấn nói.

Đảo Cái Bầu (Khu Kinh tế Vân Đồn) là đảo trung tâm, giàu nguồn tài nguyên cho phát triển du lịch sinh thái chất lượng cao. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Về việc phân cấp, phân quyền cho chính quyền đặc khu, đại biểu Trần Anh Tuấn cho rằng trưởng đặc khu phải có thẩm quyền nhất định trong việc thu hút đầu tư, quyết định các quyết sách đầu tư phát triển đặc khu đó. Dĩ nhiên, phải rất cân nhắc quyền hạn của trưởng đặc khu như thế nào, cơ chế phối hợp đặc khu với tỉnh, với các cơ quan chính quyền Trung ương ra sao.

"Chúng ta cần tin tưởng quá trình bổ nhiệm người đứng đầu đặc khu. Khi đã chọn được người có tài, có đức, có tâm thì nên mạnh dạn phân cấp, phân quyền để họ có quyền chủ động đưa ra quyết sách giúp đặc khu đó phát triển", đại biểu nhấn mạnh.

Hoàng Dương/Báo Tin tức
Đặc khu hành chính kinh tế: Đừng để sốt đất ảnh hưởng tới các nhà đầu tư
Đặc khu hành chính kinh tế: Đừng để sốt đất ảnh hưởng tới các nhà đầu tư

Theo đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, đừng để những cơn sốt đất làm cản trở các nhà đầu tư vào các đặc khu hành chính kinh tế đặc biệt. Vì nếu phải trả chi phí quá lớn cho việc thuê, chuyển nhượng đất thì họ sẽ không đầu tư nữa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN